Tuyên bố của Sunak có mục đích gì?
“Ấn tượng chung là trước hết Sunak đang cố gắng làm hài lòng giới chính trị nội bộ, cùng đảng. Ông ta hiểu rằng vị trí của mình trong đảng và chính phủ dễ bị tổn thương và không ổn định như thế nào, khi một loạt thách thức đối với tính hợp pháp về việc ông giữ các vị trí này vẫn đang tiếp tục. Ông ta cần đưa ra những tuyên bố cứng rắn, thể hiện và khẳng định mình là một chính trị gia quyết đoán. Có thể nói rằng Sunak đã biện minh cho chính mình. Khi là Bộ trưởng Tài chính, ông ta từng nói trong chính phủ của mình rằng ông mong muốn quan hệ thương mại với Trung Quốc và nghĩ rằng thương mại có thể dẫn đến thay đổi quan điểm giá trị của Trung Quốc. Điều này đã không thành công. Bằng cách thể hiện sự quyết đoán của mình, Sunak đã tự biện minh trước những nhóm cứng rắn bài xích Trung Quốc trong Đảng Bảo thủ của ông ấy”, - chuyên gia Kira Godovanyuk lưu ý.
“Ngay cả ông Boris Johnson cũng ngần ngại tuyên bố chấm dứt “kỷ nguyên vàng” trong quan hệ với Trung Quốc. Nhưng tuyên bố của Sunak đã ngăn chặn bất kỳ lời bàn tán trong đảng Bảo thủ về tầm quan trọng của hợp tác đầu tư với Trung Quốc. Đây là một ví dụ về việc sử dụng những luận điệu khá gay gắt để thể hiện mình là người ủng hộ mạnh mẽ “phe cánh diều hâu” của đảng Bảo thủ, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của Hoa Kỳ một lần nữa”, - bà Kira Godovaniuk nói.
Chủ nghĩa thực dụng vững chắc
“Rishi Sunak là một doanh nhân hơn là một chính khách. Rõ ràng ông ta hiểu, chủ nghĩa thực dụng vững chắc là sự hỗ trợ của những lĩnh vực kinh tế và công nghệ mà Anh vẫn giữ vị trí hàng đầu, cũng như những lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc gia mà Anh rất chú trọng. Đồng thời, chắc là Sunak cũng hiểu tầm quan trọng của nguồn vốn Trung Quốc đối với nền kinh tế Anh. Một số lĩnh vực nhất định sẽ không tồn tại nếu không có nguồn vốn này. Nghĩa là, ông ta muốn duy trì sự cân bằng mỏng manh và đồng thời hợp lý giữa những người ủng hộ và phe phản đối hợp tác với Trung Quốc. Đồng thời, ông ta vẫn nghiêng về phía an ninh quốc gia”, - ông Mikhail Belyaev nói.