Nhiệm vụ mới của Bộ Ngoại giao Việt Nam là gì?

HÀ NỘI (Sputnik) - Từ tháng 11/2022, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: Bộ Ngoại giao được bổ sung nhiệm vụ mới, khai tử hộ khẩu giấy, buộc học lịch sử trong trường nghề, tăng mức phạt với vi phạm giáo dục nghề nghiệp,...
Sputnik

Khai tử sổ hộ khẩu giấy sau một tháng

Sổ hộ khẩu là cuốn sổ được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân sau khi đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của người đó. Sổ hộ khẩu được sử dụng rất phổ biến trong các thủ tục hành chính và giao dịch dân sự như giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thủ tục đăng kí kết hôn, khai sinh,...
Tuy nhiên, cuốn sổ này chỉ có giá trị sử dụng đến hết năm 2022 bởi khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2021) đã nêu rõ:
"Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022".
Như vậy, tháng 12/2022 sẽ là những ngày cuối cùng người dân được sử dụng sổ hộ khẩu. Từ ngày 01/01/2023 cuốn sổ này sẽ chính thức bị khai tử, người dân có thể bỏ Sổ hộ khẩu hoặc lưu giữ như một vật kỷ niệm.

Sử dụng bằng nghề của người khác bị phạt đến 20 triệu đồng

Cũng trong tháng 12, cụ thể là ngày 12/12/2022, Nghị định 88/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp cũng sẽ được đưa vào áp dụng, thay thế cho Nghị định 79/2015/NĐ-CP.
Nghị định mới đã tăng mạnh mức phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp của người khác hoặc cho người khác sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp của mình sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng (trước đó chỉ phạt từ 03 - 05 triệu đồng).
Hay như hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung trước đó chỉ phạt từ 05 - 07 triệu đồng thì từ ngày 12/12/2022, mức phạt đã tăng lên thành từ 10 - 20 triệu đồng.
Tổng hợp chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11/2022
Ngoài ra, Nghị định 88 cũng bổ sung một số hành vi mới bị xử phạt hành chính như:
Phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với hành vi gian lận để được cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc bản sao văn bằng, chứng chỉ nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, nhân viên, người lao động trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng đồng đối với hành vi kỷ luật người học không đúng quy định; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Lịch sử là môn học bắt buộc trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Thông tư 15/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực từ ngày 24/12/2022, quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Cụ thể, khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm:
Môn học bắt buộc: Toán, Ngữ Văn, Lịch sử
Môn học lựa chọn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí.
Trong đó, thời lượng giảng dạy của các môn học như sau:
Toán, Ngữ văn: 252 tiết/môn học.
Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Lịch sử: 168 tiết/môn học.
Sau những ồn ào liên quan đến việc để môn lịch sử trở thành môn học tự chọn, sau khi tiếp thu các ý kiến khác nhau, cuối cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đưa môn này về đúng với giá trị của nó. Không chỉ các cơ sở giáo dục phổ thông mà cả các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng phải thiết kể chương trình học với môn lịch sử là môn bắt buộc đối với học sinh và người học.
Giới trẻ Việt Nam cần biết chăng về lịch sử nước nhà?

Bộ Ngoại giao được bổ sung nhiệm vụ mới

Có hiệu lực từ 1/12, Nghị định 81/2022 của Chính phủ bổ sung nhiệm vụ về thống nhất chủ trương bầu cử tại các diễn đàn, tổ chức đa phương để bảo đảm phù hợp với chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương theo Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư.
Nghị định bổ sung nhiệm vụ: “Tham mưu, chuẩn hóa và thống nhất quản lý về việc sử dụng các ngôn ngữ nước ngoài thông dụng trong hoạt động chính trị, ngoại giao của Đảng và Nhà nước” để phù hợp với nhiệm vụ thực tế được giao cho Bộ Ngoại giao.
Theo đó, Bộ Ngoại giao là cơ quan duy nhất chủ trì thực hiện nhiệm vụ phiên dịch, biên dịch phục vụ các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, đồng thời là đầu mối tổ chức và thực hiện các hoạt động quy chuẩn hóa công tác biên, phiên dịch nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng hiện nay.
Nghị định cũng bổ sung nhiệm vụ “Thực hiện cấp chứng minh thư cho thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, lãnh sự danh dự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam và thành viên gia đình theo quy định của pháp luật.”
Thảo luận