Về phía Anh - chương trình phát triển máy bay Tempest của BAE Systems.
Hai chương trình này giống nhau về khái niệm, vì vậy sự kết hợp nỗ lực của hai bên có thể mang lại kết quả mong muốn.
Cần phải lưu ý rằng, người ta biết rất ít về những phát triển này. Hai dự án này đều được giữ bí mật, có cấp độ mật cao hơn F-35 hay F-22. Tuy nhiên, mặc dù các chi tiết được giữ bí mật, các chuyên gia vẫn có thể đánh giá tiềm năng chiến đấu của chiếc máy bay này.
Chỉ huy tác chiến trên không
Cả hai máy bay sẽ được trang bị buồng lái ảo, nghĩa là tất cả thông tin về máy bay và tình hình trên không đều được truyền đến màn hình trên mũ phi công. Các chuyên gia Anh thậm chí không bố trí các dụng cụ, nút và công tắc trong buồng lái. Hệ thống điều khiển máy bay Tempest của BAE Systems phải càng tự động càng tốt.
Người Anh rất coi trọng truyền thống. Nếu họ từ chối một truyền thống nào đó trong lực lượng không quân, thì chắc là họ coi đây là một lợi ích. Nhiều khả năng, dự án máy bay của Anh xuất phát từ thực tế rằng, phi công không chỉ là người lái máy bay mà còn phải chỉ huy những chiếc máy bay và phương tiện không người lái khác trên không. Và phi công chỉ tham gia không chiến vào thời điểm thuận lợi nhất.
Rõ ràng, bộ chỉ huy Anh cho rằng, hoạt động chỉ huy các trận không chiến chớp nhoáng nên được thực hiện trên không. Ngay cả khi có tất cả các hình ảnh, trung tâm chỉ huy trên mặt đất khó có thể cảm nhận thấy động lực của trận chiến. Người chỉ huy đội hình máy bay và máy bay không người lái phải phản ứng nhanh đễ thay đổi chiến thuật, thay đổi mục tiêu để tấn công kịp thời hoặc ra lệnh rút lui tùy theo diễn biến của trận không chiến. Chính bởi vậy máy bay Tempest của BAE Systems được thiết kế như một sở chỉ huy trên không.
Máy bay chiến đấu JASDF F-2 mang tên lửa XASM-3 tại căn cứ không quân Gifu
Máy bay đầy hứa hẹn của Nhật Bản đang được phát triển ở mức độ lớn hơn như một máy bay tấn công - mang tên lửa chống hạm siêu thanh ASM-3 hoặc các tên lửa tương tự khác. Về mặt này, nó tương tự như MiG-31 của Nga. Nhiệm vụ của máy bay này là thu thập thông tin về đối phương, tiếp cận mục tiêu và tấn công.
Có thể giả định rằng, sự kết hợp của hai dự án sẽ giúp tạo ra hai phiên bản sửa đổi của một máy bay: phiên bản máy bay tấn công và phiên bản sở chỉ huy trên không. Không quân Nhật Bản có nhu cầu về cả hai phiên bản sửa đổi. Sở chỉ huy trên không sẽ có khả năng chỉ đạo và xử lý kịp thời các tình huống tác chiến trong trận không chiến với sự tham gia của các chiếc tiêm kích F-35A và máy bay không người lái tiên tiến của Nhật Bản.
Tốc độ
BAE Systems Tempest ban đầu dự định tạo ra loại máy bay có tốc độ bay siêu thanh Mach 3,95 (4.834 km/h). Trong mọi trường hợp, vào tháng 7 năm 2019, tư lệnh RAF Stephen Hillier cho biết rằng, một chiếc máy bay có tốc độ cao như vậy là rất đáng mong đợi và việc Rolls Royce đang phát triển động cơ mới cho phép đạt được tốc độ này. Sau đó, trong các tài liệu gần đây nhất, người ta bắt đầu nói rằng, máy bay Tempest của BAE Systems đang được thiết kế để bay với với tốc độ 2500 km/h (Mach 2).
Xét theo mọi việc, các nhà phát triển người Anh và bộ chỉ huy không quân đã từ bỏ tốc độ bay siêu thanh trong dự án này. Tốc độ là một lợi thế quan trọng của máy bay chiến đấu. Chiến đấu cơ bay với tốc độ Mach 4 khá dễ dàng né tránh các tên lửa không đối không, hầu hết chúng bay với tốc độ Mach 3,5-4.
Những chiệc máy bay của đối phương chỉ đơn giản là không thể tiếp cận nó bằng tên lửa. Thứ hai, một chiếc máy bay như vậy rất khó bị bắn hạ ngay cả bằng các tên lửa phòng không tiên tiến nhất, ngay cả bằng hệ thống tên lửa phòng không S-500 đầy hứa hẹn của Nga, mà đây là loại tên lửa có tốc độ Mach 5. Thứ ba, đối với chiếc máy bay đang bay với tốc độ Mach 4, chiếc máy bay của đối phương bay với tốc độ Mach 1,5-2 giống như một mục tiêu cố định. Với tốc độ cao như vậy, máy bay Tempest của BAE Systems có thể bắn hạ chiếc máy bay của đối phương không chỉ bằng tên lửa mà còn bằng một thanh thép - vụ va chạm tốc độ cao là đủ để phá hủy chiếc máy bay.
Vì vậy, tốc độ là một lợi thế rất lớn. Rất có thể, đây là lý do tại sao người Anh đã quyết định không tiết lộ những chi tiết để không thu hút sự chú ý đến dự án này, và để kẻ thù tiềm tàng không bắt đầu phát triển các biện pháp đối phó. Ví dụ, tên lửa phòng không siêu thanh.
Cần làm những gì để đạt được mục tiêu này? Trọng tâm của bất kỳ dự án nào là một ý tưởng kỹ thuật đơn giản. Chiếc máy bay chỉ có thể tăng tốc lên Mach 4 với động cơ tên lửa khi nhiên liệu và chất oxy hóa, oxy lỏng hoặc nitơ tetroxide được cung cấp vào buồng đốt. Động cơ tên lửa có lực đẩy gấp 4,7 lần so với động cơ phản lực cánh quạt đẩy có buồng đốt phụ Pratt & Whitney F119-PW-100. Vì khó có thể lắp động cơ phản lực và động cơ tên lửa vào máy bay, nên rất có thể họ đang chế tạo động cơ phản lực có thể hoạt động như động cơ tên lửa trong một thời gian nhất định.
Về mặt kỹ thuật, ý tưởng này có tính khả thi - cần phải tạo ra một hệ thống đưa chất oxy hóa vào buồng đốt. Nhưng rất khó để làm điều này, vì một hệ thống hybrid như vậy phải hoạt động ổn định, chuyển từ chế độ động cơ phản lực sang chế độ tên lửa và ngược lại, đồng thời phải đáng tin cậy. Tuy nhiên, với danh tiếng của Rolls Royce họ có thể sẽ thành công.
Một chiếc máy bay như vậy sẽ dễ dàng đánh bại kẻ thù và chiếm ưu thế trên không. Đối với Không quân Nhật Bản, loại chiến đấu cơ như vậy có lẽ là hy vọng duy nhất để giành chiến thắng trong trận không chiến với máy bay Trung Quốc.
Sau 15 năm nữa
Tuy nhiên, cho đến nay những chiếc máy bay này chỉ nằm ở trên giấy với những minh họa đẹp mắt. Chiếc máy bay tiên tiến đầu tiên của Nhật Bản dự kiến sẽ được lắp ráp vào năm 2024, sẽ bay thử nghiệm vào năm 2028 và bắt đầu được sản xuất hàng loạt vào năm 2031. Máy bay của Anh đang ở giai đoạn phát triển ban đầu, nguyên mẫu đầu tiên dự kiến sẽ được lắp ráp vào năm 2025 và sẽ bắt đầu được sản xuất hàng loạt vào năm 2035. Sau đó, phải có thêm khoảng mười năm để sản xuất số lượng máy bay đủ để tham gia hoạt động chiến đấu.
Theo những dự báo lạc quan nhất, loại máy bay mới có thể xuất hiện trong lực lượng không quân của hai nước vào khoảng năm 2040 hoặc muộn hơn nữa, bởi vì việc kết hợp hai dự án cũng cần có thời gian.
Tuy nhiên, trong mười lăm năm tới rất nhiều thứ có thể thay đổi trên thế giới. Rất khó để nói liệu chiếc máy bay mới có xuất hiện hay không.