Philippines tính thăm dò dầu khí ở Biển Đông dù chưa thỏa thuận được với Trung Quốc. Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. nhấn mạnh rằng, chính quyền Manila phải tìm cách thăm dò dầu khí ở Biển Đông, dù vẫn chưa nối lại thương thuyết với phía Trung Quốc về khả năng thăm dò chung. Hôm thứ Năm, phát biểu tại Quezon City, ông Marcos nói trước báo giới: “Đó là vấn đề lớn lao đối với chúng ta, đó là lý do tại sao chúng ta phải đấu tranh và xúc tiến việc thăm dò nếu thật sự có dầu ở đó”.
Đồng thời, ông Marcos thừa nhận đang xuất hiện rào cản trong nỗ lực đàm phán và cũng có thể khó giải quyết được trở ngại này. “Vì thế tôi cho rằng có lẽ vẫn tồn tại những biện pháp khác mà không cần phải thực thi ở cấp chính phủ”. Theo ông, Trung Quốc và Philippines cùng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, “đây là một trở ngại và rất khó để xem vấn đề này có thể được giải quyết như thế nào”.
Vấn đề có thể trở nên tồi tệ hơn do tình hình trên thị trường dầu khí toàn cầu đang thúc đẩy Philippines tìm kiếm những cách thức mới để đảm bảo an ninh năng lượng. Cho đến nay, không có tiến triển nào trong việc thiết lập một liên doanh với Trung Quốc để thăm dò và khai thác dầu khí ở Biển Đông, mặc dù quá trình tìm kiếm những giải pháp vẫn tiếp tục.
Có chú ý đến
việc Mỹ đang tăng cường ngoại giao ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, không thể loại trừ khả năng lời tuyên bố của ông Marcos Jr. là hệ quả của chuyến thăm kéo dài 3 ngày của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tại Philippines. Trong chuyến công du này, bà Harris đã đưa ra một số tuyên bố mang tính khiêu khích về Trung Quốc. Đặc biệt, Kamala Harris tái nhấn mạnh cam kết "vững chắc" với Philippines, khẳng định Washington sẽ bảo vệ đồng minh Philippines nếu nước này bị tấn công ở Biển Đông.
Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, ông Dmitry Mosyakov, Giám đốc Trung tâm Đông Nam Á, Úc và Châu Đại Dương tại Viện Nghiên cứu Phương Đông thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga, lưu ý rằng, ngay sau khi các tàu nghiên cứu và giàn khoan của Philippines bắt đầu hoạt động ở vùng biển này, ngư dân Trung Quốc và thậm chí cả tàu tuần tra của Trung Quốc sẽ lập tức xuất hiện ở đó.
“Con đường này dẫn đến một sự khiêu khích mới, khi tình hình Biển Đông lại một lần nữa làm trầm thêm cuộc đối đầu Mỹ-Trung trong khu vực. Hoa Kỳ không đạt được nhiều thành công trong việc biến Việt Nam thành đồng minh của Mỹ và đối thủ của Trung Quốc. Xét theo mọi việc, họ quyết định chuyển sang Philippines. Đất nước này không sánh được với Việt Nam về tầm ảnh hưởng và sức mạnh quân sự trong khu vực, nhưng, Manila vẫn là đồng minh của Washington”, - ông Dmitry Mosyakov nhận xét.
Chuyên gia Dmitry Mosyakov cho rằng, rất có thể ông Marcos Jr. đưa ra tuyên bố này dưới áp lực từ giới vận động hành lang thân Mỹ ở Philippines, những người muốn giảm ảnh hưởng của Trung Quốc tại nước này.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc vào tháng 1 năm sau. Tranh chấp lãnh thổ và các vấn đề liên quan sẽ được thảo luận ở cấp cao nhất. Bộ Ngoại giao Philippines thông báo về việc lãnh đạo hai nước bày tỏ mong muốn nối lại các cuộc thương thuyết về hợp tác
thăm dò dầu khí ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao Philippines cũng cho biết rằng, hồi tháng 9, hai bên đã thảo luận về một biên bản ghi nhớ đối với việc khai thác dầu khí chung ở Biển Đông, nhưng cuộc đàm phán đã thất bại.