Việt Nam: Lại kích động rút tiền ồ ạt tại Ngân hàng SCB sau vụ bắt bà Trương Mỹ Lan

Sau khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt và khởi tố, trên mạng xã hội đã xuất hiện một số luồng tin thất thiệt, kích động người dân rút tiền khỏi Ngân hàng SCB.
Sputnik
Một số thế lực còn lợi dụng vấn đề này để xuyên tạc, phao tin cho rằng Nhà nước bỏ mặc người dân, không quan tâm đến sự sống chết của người dân.
Bộ Công an khuyến cáo mọi tổ chức, cá nhân không đăng tải, chia sẻ, phát tán hoặc bình luận đồng thuận với tin giả, tin gây hoang mang dư luận, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự.

Vụ bắt giữ bà Trương Mỹ Lan

Ngày 7/10/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan.
Đồng thời, ban hành các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Trương Mỹ Lan (sinh năm 1956, trú tại TP HCM, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 03 đồng phạm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Bà Lan và các đồng phạm bị cáo buộc có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng ngàn tỉ đồng của người dân trong thời gian năm 2018 - 2019.
Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục tập trung điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của các bị can nhằm triệt để thu hồi tài sản.

Nhiều người đổ xô đi rút tiền khỏi SCB

Ngay sau khi thông tin liên quan đến bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được công bố, nhiều người đã đổ xô đi làm thủ tục rút tiền trước hạn tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), dẫn đến tình trạng tê liệt cục bộ và ảnh hưởng xấu đến tâm lý của người dân cả nước.
Liên quan vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, có một số thông tin lan truyền đã ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của Ngân hàng SCB.
Ngân hàng Nhà nước đã triển khai các biện pháp cần thiết để hỗ trợ SCB hoạt động bình thường, đảm bảo khả năng thanh khoản.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, từ trước đến nay, ở Việt Nam, những khoản tiền gửi của người dân tại ngân hàng, bao gồm cả SCB, đều được Nhà nước đảm bảo trong mọi trường hợp.
Trong khi đó, Phó thống đốc Đào Minh Tú thì khuyến cáo người gửi tiền cân nhắc và thận trọng trước khi rút tiền gửi tại SCB, nhất là với những khoản tiền có kỳ hạn. Nếu rút trước hạn, người gửi tiền sẽ mất đi khoản lãi đáng ra mình được hưởng.
SCB sau đó có thông báo cho biết đã rà soát và khẳng định Công ty An Đông không phải là cổ đông của SCB, bà Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ quản lý và điều hành tại SCB nên không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Ngân hàng này.
Phía SCB cam kết có đầy đủ giải pháp, nguồn lực để bảo đảm quyền lợi, lợi ích của người gửi tiền cũng như quyền, lợi ích của đối tác và khách hàng theo quy định của pháp luật.
Ngân hàng cũng đã tăng cường lượng tồn quỹ tiền mặt tại tất cả các điểm giao dịch để đáp ứng nhu cầu thanh toán và rút tiền chính đáng của người dân; đồng thời tăng tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước để bảo đảm thanh toán liên ngân hàng.
Diễn biến ngược ở SCB, các ngân hàng liên tục đua nhau tăng lãi suất

Nhiều thế lực kích động, chống phá

Dù vậy, cho đến lúc này, nhiều tổ chức, cá nhân chống đối trong và ngoài nước vẫn đang lợi dụng sự việc này để kích động người dân hiểu sai về hoạt động điều tra của nhà chức trách, gây hoang mang dư luận nhằm làm bất ổn tình hình và lòng tin của người dân đối với công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước.
Các thế lực thù địch thậm chí còn xuyên tạc, phao tin rằng Nhà nước bỏ mặc người dân, không quan tâm đến sự sống chết của người dân.
Trên mạng xã hội, có hàng trăm bài viết, video đăng tải nội dung kêu gọi người dân tập trung đi rút tiền trước hạn tại các cây ATM của Ngân hàng SCB, kèm với đó là hình ảnh, video người dân tập trung đông tại các trụ sở, cây ATM của Ngân hàng SCB tại các tỉnh, thành phố như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh.
Một số đối tượng còn kích động người dân phải tranh thủ, nhanh chóng đi rút tiền gửi tại Ngân hàng SCB, không tin các cơ quan nhà nước, các báo chí chính thống vì đó chỉ là những tin để trấn an dư luận, không quan tâm đến quyền lợi của người dân.
Thậm chí, họ còn vẽ ra những bức tranh “tăm tối”, tiêu cực về các lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, nền kinh tế Việt Nam một cách xuyên tạc, bôi xấu vô căn cứ để lôi kéo những người thiếu hiểu biết tin và làm theo.

Sẽ xử phạt các trường hợp vi phạm

Thời gian qua, Công an đã mới một số đối tượng lên làm việc để làm rõ việc sử dụng mạng xã hội đăng tải, bình luận thông tin thất thiệt, gây hoang mang dư luận, tạo tâm lý bất an trong nhân dân.
Ngày 09/10, Công an tỉnh Hà Nam đã làm việc với Nguyễn Kiên Quyết (sinh 1982) vì đã đăng tin thất thiệt trên Facebook*, tạo tâm lý bất an về việc người dân đồng loạt rút tiền tại các ngân hàng.
Ngày 12/10, Công an tỉnh Nghệ An cũng cho biết đã lập hồ sơ xử lý chủ tài khoản mạng xã hội Facebook* đăng tải nội dung sai sự thật, cho rằng Ngân hàng SCB vỡ nợ. Đối tượng này thừa nhận hành vi thiếu kiểm chứng, đồng thời, cho biết mục đích của việc này là để tăng lượt tương tác nhằm bán hàng online.
Động thái nóng của SCB và top các ngân hàng có lãi suất cao nhất Việt Nam
Bộ Công an khuyến cáo tất cả các tổ chức, cá nhân không đăng tải, chia sẻ, phát tán hoặc bình luận đồng thuận với tin giả, tin sai sự thật, tin gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự. Tất cả mọi hành vi vi phạm đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
* Meta (mạng xã hội Facebook và Instagram) bị cấm hoạt động ở Nga vì là tổ chức cực đoan.
Thảo luận