Chiều qua, 6/12, tiếp tục Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã truyền đạt chuyên đề về “Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Về mục tiêu phát triển, Phó Thủ tướng thông tin, quy hoạch tổng thể quốc gia đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững, hình thành được các vùng, trung tâm kinh tế, đô thị động lực, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại; bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế...
Về mục tiêu cụ thể, T.Ư Đảng đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước bình quân đạt khoảng 7%/năm giai đoạn 2021 - 2030. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD. Quy mô dân số đến năm 2030 đạt khoảng 105 triệu người.
Ông Đam cho biết, đây là những mục tiêu “rất khó” mà nếu không có giải pháp thực sự quyết liệt sẽ rất khó thực hiện.
Ông Đam phân tích, khi Việt Nam bắt đầu đổi mới, dư địa còn rất nhiều, khác với thời điểm hiện nay.
Dẫn ví dụ về tăng trưởng kinh tế, ông Đam cho biết, giảm dần theo từng nhiệm kỳ, từ năm 1986 - 1991 là 8,2%, tới nhiệm kỳ gần nhất chỉ còn 6,2%.
“Vậy mà bây giờ chúng ta muốn là 10 năm tới tăng trưởng 7%. Trong khi 2 năm vừa rồi đại dịch dù chúng ta rất nỗ lực nhưng cũng chỉ đạt mức tăng trưởng 4,4% thì chúng ta thấy khó như thế nào”, ông Đam phân tích.
Theo ông Vũ Đức Đam, hiện nay ở các đô thị lớn như TP.HCM nhiều gia đình có điều kiện nuôi dạy con tốt nhưng lại không muốn sinh hoặc chỉ sinh 1 - 2 con, còn các vùng khó khăn, vùng núi, nông thôn lại sinh nhiều hơn. “Đây là câu chuyện phải chú ý để hỗ trợ để làm sao các con, cháu sau này sinh ra được học hành tốt” – ông Vũ Đức Đam nói và thông tin Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia cũng đặt mục tiêu về tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm.
Về giáo dục, đặt mục tiêu Việt Nam thuộc nhóm 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á. Tỷ lệ sinh viên đại học đạt 260 trên 1 vạn dân. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40%.
Theo ông Đam, tỷ lệ này là thấp so với thế giới.
“Chúng ta không phải thừa thầy, thiếu thợ mà thiếu cả thầy giỏi, thiếu cả thợ”, ông Đam nêu.
Về y tế, theo ông Vũ Đức Đam, quy hoạch tổng thể quốc gia đặt mục tiêu đến năm 2030, đạt 35 giường bệnh và 19 bác sĩ trên 1 vạn dân; tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 15%. Phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa của đất nước.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng nhìn nhận, Việt Nam “có cái dở là y tế giáo dục tất cả đều là công”.
“Ta không có nhiều biên chế. Muốn tỷ lệ điều dưỡng tăng lên thì phải tăng biên chế lên gấp đôi. Ở Nhật, 1 bác sĩ có tới 9 điều dưỡng. Bác sĩ có thể chưa chắc giỏi bằng Việt Nam nhưng sự chăm sóc của họ rất tốt”, ông Đam phân tích.
Theo Phó thủ tướng, “nguyên nhân căn bản nhất là do chúng ta nghèo”. Mệnh giá bảo hiểm y tế của Việt Nam hiện chỉ bằng 1/30 các nước phát triển, bằng 1/10 các nước đang phát triển và trung bình cao như Việt Nam.
Quy hoạch cũng đặt mục tiêu tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam là nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2050 đạt khoảng 27.000 - 32.000 USD. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2050 đạt 70 - 75%. Chỉ số phát triển con người ở mức cao, đời sống của người dân hạnh phúc; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.
Chia sẻ quá trình làm việc với nhiều chuyên gia nước ngoài, Phó Thủ tướng cho biết, nhiều chuyên gia nói với ông, họ đồng tình với quan điểm phát triển của Việt Nam. Chuyên gia đặt câu hỏi: Liệu Việt Nam có nên phát triển giống như một số nước hiện nay? Ở một số nước phát triển, thu nhập rất cao nhưng họ sống 3 tiếng/ngày trên tàu điện, không muốn lập gia đình.
Và họ rất đồng tình với định hướng của Việt Nam là Việt Nam không thể nghèo, không cần quá giàu, cần vừa phải, nhưng có cuộc sống an toàn và có nhiều tình yêu thương giữa con người với nhau, giữa con người với thiên nhiên và vạn vật. Đó là lý tưởng phấn đấu.
“Có chuyên gia nói họ đến từ nước phát triển nhất, nhưng nếu được ước, họ ước được quay lại như Việt Nam và phát triển theo định hướng này. Không thể đi xe đạp, không đi xe gắn máy vì khi trời mưa sẽ ướt, nhưng có thể đi xe Toyota thì còn hơn là đi xe Lexus mà sống quá nhanh và tàn phá tất cả”, ông Vũ Đức Đam chia sẻ.