Một tập đoàn vận tải lớn top đầu thế giới muốn được cấp phép bay tại Việt Nam

CMA CGM, tập đoàn vận tải của Pháp được hợp nhất từ 2 công ty Compagnie Maritime d’Affrètement (CMA) and Compagnie Générale Maritime (CGM), đứng top đầu thế giới về cung cấp dịch vụ vận chuyển, muốn được cấp phép bay tại Việt Nam.
Sputnik
Thông tin này được đề cập tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Patric Bergamini, Phó Chủ tịch Phát triển kinh doanh và Quan hệ chính phủ của Tập đoàn CMA CGM ngày 13/12 ở Brussels, Bỉ.

CMA CGM muốn được cấp phép bay ở Việt Nam

Tính đến nay, CMA CGM đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng cảng tại Việt Nam từ năm 1994, thông qua quan hệ đối tác liên doanh với Tổng Công ty cổ phần Đường sông Miền Nam (Sowatco) và Mitsui&Co (Nhật Bản) tại khu cảng VICT ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Tập đoàn của Pháp hiện cũng cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng không với Công ty CC Air Cargo và dịch vụ logistics trên đất liền với CEVA Logistics.
Phát biểu tại cuôc gặp, lãnh đạo Tập đoàn CMA CGM đề cập việc mở rộng dự án Cảng Gemalink giai đoạn 2 tại Cái Mép, dự án đầu tư tại bến cảng Lạch Huyện, Hải Phòng; kế hoạch đầu tư cảng cạn tại miền Nam Việt Nam.
Phía CMA CGM cho biết đang chuẩn bị thực hiện các thủ tục đề nghị cấp giấy phép bay cho Công ty vận tải hàng không CMA CGM (CC Air Cargo).
“Việt Nam là một trong 20 địa bàn đầu tư chiến lược của tập đoàn”, ông Patric Bergamini nói với Thủ tướng Phạm Minh Chính.
CMA CGM được thành lập năm 1861 là tập đoàn vận tải và logistics hàng đầu Pháp cũng như trên thế giới với hơn 257 đường vận chuyển tàu thủy chung chuyển giữa 420 cảng tại 160 quốc gia.
CMA CGM có trụ sở tại Pháp và Mỹ. Năm 2020, CMA-CGM đạt doanh thu 31,5 tỷ USD, năm 2021 đạt tới 56 tỷ USD và tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2022.
Theo cập nhật bảng xếp hạng AXS Alphaliner TOP 100 ngày 14/12, CMA CGM hiện là tập đoàn cung cấp các dịch vụ vận tải đứng thứ ba thế giới chiếm tới 12,9% thị phần, chỉ sau Mediterranean Shipping Company (MSC) với 17,5% và Maersk với 16,3% thị phần.
“Sát Trung Quốc”: Việt Nam có 3 cảng biển lọt top 100 cảng container lớn nhất thế giới

Việt Nam sẽ đồng hành cùng CMA CGM

Về phần mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao hoạt động kinh doanh có hiệu quả và những đóng góp tích cực của CMA CGM trong lĩnh vực dịch vụ vận tải, logistics và đầu tư hạ tầng cảng biển tại Việt Nam thời gian qua.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh và ủng hộ CMA CGM mở rộng đầu tư cảng cạn tại miền Nam Việt Nam, nơi còn nhiều dư địa phát triển các cảng cạn.
Cổng thông tin Chính phủ dẫn quan điểm của Thủ tướng Chính cho biết, Việt Nam sẽ cùng đồng hành để các hoạt động đầu tư kinh doanh của Tập đoàn CMA CGM hiệu quả và thành công.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị CMA CGM tiếp tục phối hợp, làm việc chặt chẽ với các cơ quan liên quan để được hướng dẫn, hỗ trợ xử lý vướng mắc, thực hiện triển khai các dự án cảng biển theo đúng quy định của pháp luật và quy hoạch, theo hướng tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp, bảo đảm môi trường, mang lại hiệu quả cho cả hai bên.
Đối với việc cấp giấy phép bay cho Công ty CC Air Cargo, Thủ tướng đề nghị tập đoàn triển khai các thủ tục theo quy định, phía Việt Nam sẽ tích cực hỗ trợ và giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Đưa Việt Nam trở thành một trung tâm logistics

Như Sputnik đề cập, hạ tầng cảng biển, logistics là một trong những nội dung quan trọng trong chuyến công tác châu Âu lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Có thể thấy, hiện Chính phủ Việt Nam đang tập trung phát triển kinh tế biển, hạ tầng cảng biển và logistic nhằm đưa Việt Nam trở thành một trung tâm logistics, trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế và trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển.
Trước đó, hôm 11/12, trong chuyến thăm Hà Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ các quốc gia tiên tiến châu Âu để giúp Việt Nam trở thành trung tâm logistics, trung chuyển hàng hóa quốc tế.
Trong chuyến thăm Hà Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã tìm hiểu về mô hình phát triển của cảng Rotterdam, cảng lớn nhất châu Âu và là một trong những cảng sôi động hàng đầu thế giới, để từ đó tìm ra hướng phát triển phù hợp cho các cảng biển Việt Nam.
Tại Bỉ, Thủ tướng đã tiếp lãnh đạo tập đoàn CMA-CGM – tập đoàn vận tải khổng lồ của Pháp với doanh thu 56 tỷ USD năm 2021 để tiếp tục thúc đẩy các dự án đầu tư các cảng biển tại Việt Nam.
Trao đổi với Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị Bỉ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực Bỉ có thế mạnh, trong đó có hệ thống hậu cần, cảng biển, hạ tầng chiến lược.
Việt Nam cần giảm sự phụ thuộc vào hình thức xuất khẩu tiểu ngạch
Đặc biệt, trước chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo, Tập đoàn Hateco của Việt Nam cùng với các đối tác phía Bỉ là Công ty Dredging International NV và Công ty Rent A Port đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc hợp tác, khảo sát, nghiên cứu việc phát triển một trung tâm cảng và dịch vụ logistics phù hợp với quy hoạch cảng biển Việt Nam và quy định pháp luật của Việt Nam.
Thảo luận