'Lừa đảo lãng mạn quốc tế': Bản án nào cho 3 công dân Việt ?

HÀ NỘI (Sputnik) - Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam cập nhật thông tin về việc cảnh sát Nhật Bản bắt ba người Việt nghi thuộc nhóm 'lừa đảo lãng mạn quốc tế' vào giữa tháng 11 vừa qua cùng một số thông tin liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài tại họp báo thường kỳ diễn ra vào chiều 15/12 tại Hà Nội.
Sputnik
Bà Phạm Thu Hằng, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, đã thông tin về vấn đề này như sau:
“Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Nhật Bản phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại xác minh thông tin và có các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết”.
Ngày 16/11, Phòng điều tra quốc tế của cảnh sát tỉnh Hyogo thông báo đã bắt giữ ba người đàn ông Việt Nam, bao gồm một người tên Do Gong Son (33 tuổi) hiện đang thất nghiệp và ngụ tại khu Edogawa, Tokyo.
Cùng bị bắt với Do Gong Son còn có Nguyen Thanh Thanh (23 tuổi), là du học sinh, cùng với Nguyen Viet Lam (26 tuổi), hiện đang thất nghiệp.
Ba người này bị truy cứu vì tình nghi thuộc nhóm "lừa đảo lãng mạn quốc tế", nhằm giả vờ hẹn hò rồi lừa đảo trên mạng xã hội (SNS). Vụ bắt giữ diễn ra vào ngày 14/11 và cảnh sát cho hay cả ba người đã thừa nhận cáo buộc.
Theo cảnh sát tỉnh Hyogo, một người đàn ông khoảng 60 tuổi đã nhận được tin nhắn qua mạng xã hội từ một người phụ nữ tự xưng là bác sĩ quân đội Mỹ ở Yemen. Người này nói rằng muốn sống ở Nhật Bản và cần tiền để làm thủ tục nghỉ hưu.
Nhật Bản bắt 3 người Việt thuộc nhóm lừa đảo “lãng mạn quốc tế: Lừa tình lấy tiền
Người đàn ông 60 tuổi nói trên đã bị lừa tổng cộng 5 triệu yen (hơn 880 triệu đồng). Một phần của số tiền này đã được thu hồi.
Tổng số tiền thiệt hại từ các vụ lừa đảo được cho là vượt quá 100 triệu yen (hơn 17 tỉ đồng). Cảnh sát đã đột kích căn hộ của ba người vào ngày 14/11, tịch thu khoảng 10 triệu yen (1,7 tỉ đồng) tiền mặt và khoảng 80 thẻ rút tiền.
Cảnh sát cho biết từ 14/9 đến 8/11, ba người này đã rút khoảng 860.000 yen từ các vụ lừa đảo thông qua ATM tại các siêu thị ở tỉnh Chiba và khu Edogawa của Tokyo.

Ngăn chặn nạn buôn người sang Trung Quốc

Về việc buôn bán cô dâu Việt Nam sang Trung Quốc, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nêu rõ những biện pháp ngăn chặn tình trạng này xảy ra trong tương lai. Bà Phạm Thu Hằng, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, cho biết:
"Việt Nam luôn chủ trương tạo điều kiện thuận lợi cho di cư hợp pháp, đồng thời kiên quyết đấu tranh phòng chống di cư trái phép, đưa người di cư trái phép và mua bán người. Thời gian qua, Việt Nam quyết liệt tăng cường triển khai công tác phòng chống mua bán người cũng như triển khai chương trình phòng chống mua bán người giai đoạn 2021-2025, định hướng năm 2030 với các giải pháp, nhiệm vụ, mục tiêu mới nhằm ngăn chặn mua bán người trong mọi lĩnh vực".
Thêm một phụ nữ Việt được giải cứu từ nạn buôn người
Việt Nam cũng đang nỗ lực thực hiện các thỏa thuận hợp tác về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự theo kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ ban hành vào 20/3/2020 nhằm tạo môi trường di cư minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người di cư, ngăn chặn mua bán người trong các hoạt động di cư quốc tế.

"Việt Nam cũng đẩy mạnh hợp tác với các nước, các tổ chức. Trong đó có Tổ chức Cảnh sát quốc tế (Interpol) trong việc ngăn chặn, phát hiện, điều tra, xử lý các đường dây đưa người di cư trái phép theo quy định của pháp luật. Đồng thời, sẵn sàng trao đổi và phối hợp với các quốc gia xử lý kịp thời các vụ việc có liên quan nhằm bảo đảm tính hợp pháp, an toàn, ngăn chặn nguy cơ mua bán người, vì quyền và lợi ích chính đáng của người di cư", bà Phạm Thu Hằng, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết thêm.

Đồng thời, Việt Nam cũng hợp tác chặt chẽ với phía Trung Quốc theo Hiệp định song phương giữa chính phủ hai nước về tăng cường hợp tác, phòng chống mua bán người và các khuôn khổ hợp tác khác như: sáng kiến cấp Bộ trưởng 6 nước khu vực tiểu vùng sông Mê Kông.
Trong thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao Việt Nam cùng các cơ quan đại diện tại Trung Quốc sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng Trung Quốc và lực lượng chức năng trong nước nhằm triển khai hiệu quả Nghị định hồi hương, bảo vệ hỗ trợ kịp thời người bị mua bán trở về.

Việt Nam lên tiếng về thông tin chi phí cho khách du lịch Đài Loan sang Việt Nam tăng mạnh

Lượng du khách Đài Loan vào Việt Nam giảm mạnh từ 850.000 lượt (thời điểm trước dịch) xuống còn khoảng 85.000 lượt. Trước câu hỏi, tại sao chi phí dành cho khách Đài Loan sang Việt Nam du lịch lại trở nên đắt đỏ, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho hay:

"Chúng tôi sẽ kiểm tra thông tin này. Và như đã từng trao đổi về vấn đề này, từ ngày 15/2/2022 Chính phủ Việt Nam đã phục hồi chính sách xuất nhập cảnh... Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho phép khách du lịch, chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19".

Bà Hằng cũng cho biết thêm, thời gian vừa qua, Bộ Ngoại giao đã rất chủ động, tích cực kiến nghị chính phủ về các chính sách biện pháp mở cử, chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quán triệt chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh.
Thảo luận