"Chuyến thăm chính thức Luxembourg, Hà Lan và Bỉ của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thành công tốt đẹp. Các nước coi trọng vị thế, vai trò của Việt Nam ở khu vực, quyết tâm cùng đẩy mạnh toàn diện quan hệ hợp tác", Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết trong cuộc trao đổi với báo chí hôm nay.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Luxembourg, Hà Lan và Bỉ từ ngày 9-15/12 và tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - EU tại Brussels, Bỉ, ngày 14/12.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam với 3 nước ngày càng phát triển; Việt Nam và 3 nước sẽ kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao vào năm 2023.
Đây là chuyến thăm Luxembourg đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam sau 20 năm và trao đổi đoàn cấp cao đầu tiên giữa Việt Nam với Hà Lan trong 3 năm qua. Các nước đều là đối tác hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu về thương mại, đầu tư; có nhiều thế mạnh phù hợp mục tiêu an ninh, phát triển của ta về ứng phó với biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo, công nghệ cao…
Theo Bộ trưởng Ngoại giao, ba nước châu Âu đã đón tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính với nghi lễ trang trọng, đánh giá cao vị thế quốc tế ngày càng cao của Việt Nam, khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp và trao đổi với hầu hết lãnh đạo cấp cao ba nước, cho thấy các quốc gia châu Âu coi trọng quan hệ với Việt Nam.
Lãnh đạo các nước ủng hộ triển khai đầy đủ, hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), bày tỏ mong muốn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVPIA) sớm được phê chuẩn để thúc đẩy hơn nữa đầu tư của châu Âu vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực mới, công nghệ cao, chiến lược.
Việt Nam đã tranh thủ thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực ba nước có thế mạnh nhằm phục vụ các mục tiêu an ninh - phát triển, cũng như đẩy mạnh kết nối về logistics, thu hút đầu tư chất lượng cao của ba nước vào hạ tầng chiến lược, tăng cường hợp tác chuyên ngành về quản lý nước, ứng phó với biến đổi khí hậu...
Trong khuôn khổ chuyến thăm, tại mỗi nước, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì diễn đàn doanh nghiệp, gặp và làm việc với Lãnh đạo các vùng cùng 20 tập đoàn, doanh nghiệp lớn; Đã có 30 thỏa thuận hợp tác giữa các bộ ngành, địa phương, viện nghiên cứu và giữa các doanh nghiệp đã được ký kết.
Về Biển Đông, lãnh đạo các nước khẳng định ủng hộ việc đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982; ủng hộ tiến trình đàm phán COC công bằng, thực chất, hiệu quả giữa ASEAN và Trung Quốc.
Các nước cam kết ủng hộ Việt Nam về tài chính, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và hoàn thiện thể chế để cắt giảm khí thải, chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững.
Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - EU là lần đầu lãnh đạo ASEAN gặp gỡ với đầy đủ lãnh đạo các nước thành viên EU, cho thấy hai bên coi trọng, cam kết mạnh mẽ thúc đẩy mối quan hệ đối tác này.
EU công bố đóng góp 10 tỉ Euro hỗ trợ triển khai chiến lược Cửa ngõ toàn cầu thông qua các dự án hợp tác, khởi động Sáng kiến Nhóm châu Âu về kết nối bền vững tại ASEAN, đồng thời triển khai Chương trình Sáng kiến Xanh trị giá 30 triệu Euro hỗ trợ hợp tác ASEAN-EU thời gian tới.
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ nhiều định hướng như hai bên cần kiên trì với mục tiêu, đổi mới tư duy, hành động kiên quyết, thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược, hợp tác cân bằng, bình đẳng, hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro.
Thủ tướng đề nghị EU khẩn trương gỡ bỏ "thẻ vàng" với thủy sản Việt Nam và sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - EU, đồng thời nhắc lại cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh và bền vững.
Thủ tướng đề nghị EU hỗ trợ tối đa Việt Nam thiết lập quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) của Nhóm G7, trông đợi EU chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, công nghệ mới xanh, sạch và rẻ, tham gia sâu rộng hợp tác đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…, hợp tác với ASEAN phát triển tiểu vùng, trong đó có Mê Công.
"Chuyến thăm của Thủ tướng đã thành công về mọi mặt, là dấu mốc quan trọng trong quan hệ của Việt Nam với ba nước châu Âu, gia tăng tin cậy chính trị, đẩy mạnh toàn diện hợp tác trong giai đoạn phát triển mới, phục vụ lợi ích an ninh - phát triển và đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhận xét.