Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng từng cho biết, công nghệ 2G đã hoàn thành sứ mạng của nó sau 30 năm phát triển.
Theo ông, việc tắt sóng 2G và hỗ trợ người dân máy 4G sẽ giúp Việt Nam trở thành một trong số ít những nước có 100% người tiêu dùng sử dụng điện thoại thông minh, sẵn sàng cho công dân điện tử.
Dự kiến tắt sóng 2G vào tháng 9/2024
Theo đó, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) có văn bản cho biết, tháng 9/2024 là thời điểm phù hợp để dừng công nghệ di động 2.
Theo đó, nhà chức trách nhận định, đây là thời điểm hết hạn giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động và giấy phép băng tần số vô tuyến điện, phù hợp với định hướng quy hoạch tần số vô tuyến điện.
Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các doanh nghiệp di động cần triển khai các giải pháp chuyển đổi thuê bao sang sử dụng smartphone 4G/5G, đặt mục tiêu đến cuối năm 2023 chỉ còn dưới 5% thuê bao 2G.
Đi kèm với việc chấm dứt triển khai công nghệ 2G, doanh nghiệp phải bảo đảm cung cấp các dịch vụ thông tin di động liên tục, không gián đoạn và bảo đảm quyền lợi của người sử dụng dịch vụ khi ngắt sóng 2G.
Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, trong năm 2023, cần có biện pháp thúc đẩy thực hiện mục tiêu mỗi người dân một smartphone, từ đó đạt mục tiêu chung về tắt sóng 2G, góp phần phổ cập điện thoại thông minh, đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia.
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp và hỗ trợ doanh nghiệp triển khai kế hoạch dừng công nghệ di động 2G theo lộ trình, tăng cường phủ sóng 4G và triển khai 5G. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng vùng phủ sóng 4G và cải thiện chất lượng dịch vụ 5G.
Vẫn còn nhiều người dùng điện thoại cơ bản
Đáng chú ý, tại Hội nghị ASEAN về 5G diễn ra hồi tháng 10/2022, các nước khác có chiến lược phát triển 5G cũng cho biết, họ phải đối mặt với nhiều vấn đề, cần hợp tác để phát triển như tiêu chuẩn, công nghệ, an toàn thông tin…
Hiện tại, Việt Nam còn gặp khó khăn ở chỗ, dù số người dùng smartphone đã tăng mạnh trong vài năm qua, lượng người sử dụng feature phone (điện thoại cơ bản) vẫn tương đối lớn.
Dựa trên số thuê bao phát sinh dữ liệu, Việt Nam vẫn còn khoảng 11,7 triệu thuê bao không dùng smartphone hoặc không có nhu cầu sử dụng data trên smartphone.
Dù vậy, Việt Nam đã thành công nghiên cứu - phát triển và sẵn sàng thương mại hóa thiết bị 5G. Các thiết bị 5G do Việt Nam nghiên cứu và sản xuất đến nay đã được lắp đặt trên mạng lưới để cung cấp dịch vụ mạng cho người dân tại một số khu vực như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng.
Bộ Thông tin và Truyền thông hiện đã cấp phép cho các doanh nghiệp thử nghiệm 5G tại 40 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng phạm vi, quy mô thử nghiệm tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, phù hợp với kế hoạch phát triển 5G của mỗi doanh nghiệp.
“2G đã hoàn thành sứ mạng của nó”
Trước đó, từ năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất kế hoạch tắt sóng 2G. Dự kiến, sau khi đủ điều kiện về số lượng người dùng featurephone, Việt Nam có thể ngừng hỗ trợ sóng 2G vào năm 2023.
Ước tính, tại thời điểm đó, số thuê bao theo 2G chỉ còn khoảng 5%. Đây sẽ là lúc thích hợp để tắt sóng công nghệ cũ.
“Sau 30 năm, 2G đã hoàn thành sứ mạng của nó. Mỗi người đã có một chiếc điện thoại để nghe gọi. Việc tắt sóng 2G và hỗ trợ máy 4G cho người dân sẽ giúp Việt Nam trở thành một trong số ít những nước có 100% người tiêu dùng sử dụng điện thoại thông minh và sẵn sàng cho công dân điện tử”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng từng chia sẻ.
Việc tắt sóng 2G sẽ nâng tỷ lệ người dân sử dụng smartphone hay tham gia vào các dịch vụ số. Đây cũng là mục tiêu quan trọng trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt trước đó.