“Chuyến công tác đặc biệt” vẫn tiếp tục
16:46, 21 Tháng Mười Hai 2022
“Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, chúng ta luôn có Liên Xô bên cạnh. Nếu như chúng ta quên điều đó thì không phát huy được truyền thống của dân tộc Việt Nam, đó là đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, - Thượng tá Ninh Công Khoát, dịch giả cuốn hồi ký “Chuyến công tác đặc biệt” nói với phóng viên Sputnik.
SputnikĐất nước Việt Nam đang kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”(12/1972-12/2022). Báo chí Việt Nam viết, bình luận và phân tích nhiều về sức mạnh và trí tuệ của quân và dân Việt Nam, về ý nghĩa lịch sử của sự kiện đó. Với tôi, kể lại những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam cho những thế hệ hôm nay và mai sau, không được quên sự đóng góp to lớn của Liên Xô và tình bạn chiến đấu của những chiến sỹ, sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam và những chuyên gia quân sự Xô-Viết. Nhân dịp này, tôi muốn kể về câu chuyện tình bạn kéo dài gần 58 năm của hai sỹ quan Nga và Việt Nam.
Quen nhau và trở thành những bạn chiến đấu năm 1965
Trong đời làm báo của mình, cả trong những năm là phóng viên của Sputnik, có lẽ cuộc gặp gỡ với Thượng tá Ninh Công Khoát và đại tá Skrebliukov Aleksei Ivanovich để lại cho tôi nhiều cảm xúc và suy nghĩ nhất. Tôi ấn tượng về tình bạn của họ, bắt đầu trong những năm khói lửa và tàn khốc của chiến tranh chống Mỹ và tiếp tục cho tới ngày hôm nay.
Ông Skrevliukov Aleksei Ivanovich là Đại tá, sĩ quan thông tin, phục vụ ở Việt Nam những năm 1965-1966, chủ tịch chi hội các Cựu Chiến Binh đã chiến đấu ở Việt Nam khu vực S. Peterburg, đã được tặng huy chương “Hữu nghị” của Việt Nam.
“Sau khi tôi biết về những trận oanh tạc đầu tiên của Mỹ chống lại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngay sáng ngày hôm sau, khi tới đơn vị, tất cả không trừ một ai, đều viết đơn tình nguyện sang Việt Nam. Khi Thượng úy chỉ huy tiểu đội chúng tôi Nabokov xuất hiện thì chúng tôi trao cho chỉ huy một xấp đơn và nói: Đơn là đơn yêu cầu để cử chúng tôi sang Việt Nam”, - Đại tá Skrevliukov Aleksei Ivanovich kể lại cho tôi câu chuyện sang Việt Nam năm 1965.
Còn Thượng tá Ninh Công Khoát đã là người phiên dịch cho các chuyên gia quân sự Liên Xô sang công tác ở Việt Nam và giúp quân đội Việt Nam chiến đấu chống lại những trận oanh tạc của không quân Mỹ trên bầu trời miền Bắc Việt Nam những năm 1965-1972.
“Ông Skreblyukov được cử sang Việt Nam từ tháng 8/965 đến tháng 4/1966 làm chuyên gia đào tạo cán bộ thông tin vô tuyến điện cho các đơn vj bộ đội tên lửa phòng không và không quân Việt Nam. Tôi là một trong 3 người trong đội ngũ Phiên dịch phòng Đối ngoại Quân chủng PK-KQ thay nhau dịch cho ông Skreblyukov. Tuy có 3 người, song tôi là người dịch nhiều nhất cho ông Skreblyukov.
Do đó, khi ông sang thăm Việt Nam, chúng tôi đã nhận ra nhau từ buổi gặp lạị nhau lần đầu tiên. Và từ đó tình cảm giữa chúng tôi ngày càng gắn bó hơn”, - Thượng tá Ninh Công Khoát chia sẻ trong cuộc trò chuyện với phóng viên Sputnik.
Cuộc gặp gỡ sau 49 năm
Năm 2014, Đại tá Skrebliukov Aleksei Ivanovich cùng đoàn cựu chiến binh Nga đã từng tham gia chiến tranh Việt Nam trở lại thăm chiến trường xưa, thăm các bạn chiến đấu Việt Nam, thăm Việt Nam. Trong chuyến thăm này, ông đã tới thăm nhà người phiên dịch năm xưa cho ông và đồng đội - Thượng tá Ninh Công Khoát.
Tôi đã chứng kiến cuộc gặp gỡ cảm động này.
Hai sĩ quan quân đội, Việt Nam và Nga, Thượng tá Ninh Công Khoát và đại tá Aleksei Skrebliukov, hai người bạn chiến đấu năm xưa, tràn đầy cảm xúc trong buổi gặp tại nhà thượng tá Ninh Công Khoát. 49 năm trước họ đã chiến đấu bên nhau. Những nụ cười rạng rỡ, những tấm ảnh đen trắng gần 50 tuổi vẫn còn rõ nét, những tấm huân huy chương, những câu chuyện. Nhưng, ấn tượng nhất với tôi chính là hai cuốn sách bằng hai thứ tiếng: “Chuyến công tác đặc biệt”. Một cuốn bằng tiếng Nga, tác giả là Đại tá Skrebliukov Aleksei Ivanovich, còn cuốn khác là bản dịch sang tiếng Việt, phiên dịch chính là Thượng tá Ninh Công Khoát.
Những người Việt Nam không lùi bước và những người thầy tâm huyết
Trong cuộc trò chuyện với tôi, tác giả cuốn hồi ký “Chuyến công tác đặc biệt” đã chia sẻ:
“Đội chúng tôi đã đào tạo những chuyên gia kỹ thuật sửa chữa những thiết bị liên lạc. Đó là các trạm vô tuyến, thiết bị liên lạc giữa các trung đội tên lửa, thiết bị thông tin mặt đất với không quân, gọi là R824. Khi chúng tôi dạy cho lính thì ngay trong chiến trận những thiết bị này thường bị hư hỏng. Chúng tôi cùng các học viên của mình sửa chữa ngay tại trận. Các bạn có thể tưởng tượng: Hôm nay nhiệt độ là 28 độ, mà khi vào trạm vô tuyến đèn chiếu sáng to như thế này thì có cảm giác như vào phòng tắm hơi của người Nga.
Tất nhiên, tất cả chúng tôi, Việt Nam và sĩ quan Xô-Viết cởi hết quần áo, chỉ còn lại quần đùi, và tiến hành sửa chữa. Chúng tôi luôn hiểu rằng, máy bay không thể cất cánh nếu thiếu thiết bị liên lạc. Và chúng tôi đã làm việc cả ngày lẫn đêm, cho tới khi sửa xong trạm vô tuyến và đưa nó vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu.
Các bạn Việt Nam về thể lực yếu hơn chúng tôi nhiều. Nhưng họ luôn làm việc, làm việc tới khi ngất xỉu thì thôi. Khi ai đó ngất xỉu, thì những người khác nhanh chóng dội nước. Tỉnh lại lại làm tiếp, cho tới khi hoàn thành nhiệm vụ.
19 Tháng Mười Hai 2022, 15:17
Nhưng cái mà đập vào mắt tôi trước tiên – đó là tinh thần quả cảm vô cùng lớn, trước hết là của những người lính mà chúng tôi đã dạy. Họ không tiếc thời gian: Học ngày học đêm, bất chấp ăn uống đạm bạc. Lòng yêu lao động vĩ đại, lòng dũng cảm là điểm nổi bật của những người lính Việt Nam. Điều đó đã thấy rất rõ.
Và cả sự siêng năng của người Việt Nam nữa. Những người phụ nữ mảnh mai gánh trên mình bao nhiêu thứ. Người Việt đứng làm ruộng, nước tới đầu gối. Hình ảnh những con trâu... Tất cả những thứ đó làm cho chúng tôi hiểu rằng người Việt Nam vất vả như thế nào. Nhưng họ không lùi bước, hoàn thành mọi việc tới cùng. Và họ đã chiến thắng.
Còn dịch giả Ninh Công Khoát nhớ lại:
“Tôi có vinh dự được làm việc với các chuyên gia Liên Xô trong những năm chống Mỹ cứu nước cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh. Một nét đặc trưng tôi thấy được ở họ, cả ở chuyên gia quân sự cũng như chuyên gia dân sự là nhiệt tình rất cao. Họ luôn tìm mọi cách chuyển tải kiến thức cho các cán bộ Việt Nam. Đó là những người thầy rất tâm huyết, không tiếc gì sức lực của mình.
Tôi nhớ lại thời kỳ các chuyên gia quân sự dạy ở trong rừng Yên Thế: Điều kiện rất khó khăn, nóng bức, mồ hôi chảy đầm đìa, nhưng các đồng chí, không những ban ngày dạy cho anh em chúng tôi, mà ban đêm, khi các học viên ôn bài, các đồng chí cũng hướng dẫn, chỉ bảo. Chúng tôi không bao giờ quên những người thầy đó”.
Trước hết, cuốn sách dành cho thế hệ trẻ
Năm 2013, Đại tá Skrebliukov A.I. đã tặng người bạn chiến đấu năm xưa của mình - Thượng tá Ninh Công Khoát cuốn hồi ký “Chuyến công tác đặc biệt” trong một lần gặp mặt tại binh chủng Phòng không Không quân, Hà Nội. Đây là cuốn hồi ký của một cựu chiến binh Nga tham gia chiến tranh Việt Nam, kể về một trong những thời kỳ gian nan và khốc liệt nhất trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, về tinh thần chiến đấu kiên cường, về tình bạn, tình đồng chí của những người lính Việt và Nga.
“Tôi viết cuốn sách này trước hết cho các cháu tôi, cho các bạn trẻ, cho những người lính của tôi khi tôi còn phục vụ trong quân đội để họ biết về chiến tranh Việt Nam, để giáo dục cho họ lòng yêu nước, tình yêu Việt Nam. Tôi rất mừng là cuốn sách đã được dịch sang tiếng Việt”, - Tác giả cuốn Hồi ký “Chuyến công tác đặc biệt”nói với phóng viên Sputnik.
“Đây là cuốn hồi ức mang rất nhiều ý nghĩa nhân văn. Nó không chỉ viết về đời tư của bạn tôi, mà nó nói về tình cảm của những người dân Liên Xô khi đó đã dành cho nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Lúc đó bạn tôi mới cưới vợ xong, đang hưởng tuần trăng mật mà đã viết đơn tình nguyện sang Việt Nam.
Tôi thấy rằng, cần chuyển tải những hình ảnh đó tới các thế hệ trẻ hiện nay bởi vì thế hệ ngày nay cũng rất yêu nước Nga, nhưng mà những chi tiết cách đây hàng 50 năm thì chưa biết. Tôi đã dịch cuốn sách của người bạn chiến đấu của tôi sang tiếng Việt. NXB Công an Nhân dân ủng hộ. Cuốn sách được làm quà tặng cho các chiến sĩ quân đội Việt Nam. Tôi cho rằng, nó như là sợi dây kết nối tình cảm của nhân dân hai nước.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, chúng ta luôn có Liên Xô bên cạnh. Nếu như chúng ta quên điều đó thì không phát huy được truyền thống của dân tộc Việt Nam, đó là đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Tôi nghĩ rằng, thế hệ trẻ sẽ làm được điều đó”, - Thượng tá Ninh Công Khoát, dịch giả cuốn hồi ký “ Chuyến công tác đặc biệt” phát biểu với phóng viên Sputnik.
Hồi ức của những người trực tiếp tham gia chiến tranh là vô giá. Cuốn hồi ký của người cựu chiến binh Nga không những chỉ là một nguồn sử liệu quý, giúp độc giả ngày nay hiểu biết hơn về sự hy sinh của thế hệ đi trước, mà còn là một bài ca về tình đồng chí, tình bạn thực sự không bị phai mờ qua năm tháng.
Người cựu chiến binh, Thượng tá Ninh Công Khoát chia sẻ với Sputnik: Những năm qua, do đại dịch COVID-19, rồi năm nay do tình hình chiến sự tại Ukraina, các cựu chiến binh Việt Nam và Nga không có cơ hội gặp gỡ, nhưng họ vẫn theo quy ước liên lạc và nói chuyện qua zalo, whatssap…Trong những ngày này, họ tích cực tham gia những sự kiện
kỷ niệm 50 Chiến thắng “Điện Biên Phủ” trên không ở Việt Nam và Nga.
Còn tôi, xem lại những thước phim tài liệu về chiến tranh Việt Nam, về những trận đánh trên không - “những điệu nhảy với thần chết” (theo lời một nhà báo Nga), về những hy sinh và chiến thắng của những người lính Việt Nam, rồi đọc những câu chuyện được kể lại trong cuốn hồi ký “Chuyến công tác đặc biệt”, tôi càng cảm thấy biết ơn vô bờ những con người như hai cựu chiến binh Nga và Việt Nam này. Trong chiến tranh họ đã thực hiện sứ mệnh “đặc biệt” – sứ mệnh giành lại hòa bình cho Việt Nam, ngày nay, trong hòa bình, họ vẫn tiếp tục sứ mệnh đáng kính trọng đó, nhưng ở một góc độ khác: Chuyển tải cho thế hệ trẻ những giá trị của tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm, tình bạn và sự thủy chung.
“Chuyến công tác đặc biệt” vẫn tiếp tục.