Theo thông tin từ ACV, ngày 9/12 doanh nghiệp này đã chuyển cho Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng quận Tân Bình, TP.HCM toàn bộ 143,865 tỉ đồng kinh phí bồi thường, hỗ trợ để giải phóng mặt bằng khu đất xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất.
Số kinh phí này được ACV chuyển sau hai ngày kể từ khi Bộ Quốc phòng ra quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án xây dựng dự án nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất vào ngày 7/12/2022.
Hiện tại, ACV đã hoàn thiện công tác chuẩn bị cho việc khởi công công trình, dự kiến vào 25/12. Tiến độ chung của dự án đang được xây dựng trên cơ sở được bàn giao đất trong tháng 11. Theo đó, công tác thi công cọc đại trà, nền móng, đáy hầm công trình sẽ hoàn thành sau 4 tháng kể từ khi được bàn giao mặt bằng (dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2023). Ở hạng mục thân nhà ga (tòa nhà bên trên), ACV chờ Cục Quản lý đầu tư xây dựng thẩm định duyệt thiết kế kỹ thuật.
Vừa qua, chủ đầu tư cũng đã phát hành hồ sơ mời thầu và đấu thầu trong khoảng thời gian 2 tháng. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ACV (đơn vị chủ đầu tư dự án) sẽ phải hoàn thành toàn bộ công tác thi công xây dựng trong 24 tháng và đưa dự án vào khai thác trong năm 2024.
Đến ngày 12/12, Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng quận Tân Bình đã chuyển toàn bộ số tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án phê duyệt cho hai đơn vị quân đội đóng tại sân bay Tân Sơn Nhất là Sư đoàn 370 (hơn 91 tỉ đồng) và Lữ đoàn 918 (hơn 52,8 tỉ đồng).
Qua đó ACV khẳng định đã phối hợp chặt chẽ với địa phương và Quân chủng Phòng không - Không quân hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo đủ các điều kiện khởi công dự án nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố (Ban Quản lý) cho biết cũng trong ngày 25/12, đơn vị này dự kiến tổ chức lễ khởi công dự án đường nối Trần Quốc Hoàn đến Cộng Hòa (quận Tân Bình) - 1 trong 5 dự án trọng điểm nhằm xóa, giảm ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Chủ đầu tư sẽ khởi công trước hạng mục hầm chui đầu tuyến tại nút giao đường Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện. Công trình dự kiến hoàn thành vào tháng 9.2024, phù hợp tiến độ hoàn thành nhà ga T3.
Dự án được HĐND TP.HCM quyết định chủ trương đầu tư từ 2016 với quy mô 4 làn xe rộng 20 - 22m, tổng vốn đầu tư 1.402 tỉ đồng. Việc điều chỉnh quy hoạch sân bay tới năm 2030 (cộng thêm xây dựng nhà ga T3 của Bộ GTVT năm 2018) khiến áp lực giao thông khu vực dự kiến tăng cao. UBND TP sau đó đã phải thực hiện điều chỉnh quy mô tuyến đường lên 6 làn xe, rộng 29,5 - 48m, tổng vốn đầu tư tăng lên hơn 4.800 tỉ đồng.
Theo ông Lương Minh Phúc, từ nay đến cuối 2022, Ban Quản lý cũng sẽ khởi công 2 dự án trọng điểm của thành phố là công trình mở rộng Quốc lộ 50 (dự kiến 28/12) và nút giao thông An Phú (dự kiến 30/12).
Trong đó, Quốc lộ 50 từ nút giao Nguyễn Văn Linh đến giáp ranh tỉnh Long An được mở rộng lên 34m, dự kiến hoàn thành vào 2024. Dự án được kỳ vọng tăng cường năng lực khai thác tuyến đường trục liên kết TP.HCM với tỉnh Long An và các tỉnh miền Tây; tăng cường kết nối cho tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, các tuyến trục chính, vành đai của thành phố. Qua đó, phát huy hiệu quả các dự án trong khu vực đã và đang triển khai đầu tư xây dựng.
Dự án đầu tư xây dựng nút giao thông An Phú, TP.Thủ Đức là một trong những dự án trọng điểm của ngành giao thông thành phố giai đoạn 2021 - 2025, với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông khu vực cửa ngõ.
Theo phương án thiết kế sơ bộ, nút giao An Phú có 3 tầng, bao gồm: hầm chui 2 chiều kết nối từ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ, các đảo, tiểu đảo trên mặt đất và 2 cầu vượt trên cao.
Dự án được triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025, với tổng mức đầu tư 3.926 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách, trong đó ngân sách Trung ương 1.800 tỉ đồng và ngân sách TP.HCM 2.126 tỉ đồng.