Sát cánh bên nhau cho tới ngày chiến thắng

Các chuyên gia quân sự Xô-Viết năm xưa đã nói rằng, chiến đấu, bảo vệ tổ quốc là bẩm sinh của người Việt Nam, kể cả đàn ông, phụ nữ. Đó là nền tảng của sự chiến thắng. Còn nói về sự giúp đỡ thì “thật vô nghĩa khi giúp kẻ bất lực”. Còn sử dụng sự giúp đỡ một cách hiệu quả, có thể nói, đó là một trong những quyết định của chiến thắng.
Sputnik
Ngày 26/12, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội đã long trọng diễn ra Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (18-29/12/1972 – 18-29/12/2022). Trong 12 ngày đêm chiến đấu anh dũng, mưu trí, sáng tạo, kiên cường quân và dân Miền Bắc đã đập tan cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có của không quân Mỹ, bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 chiếc B.52, tiêu diệt và bắt sống hàng trăm giặc lái Mỹ.
Lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh, "siêu pháo đài bay B-52" đã thực sự thảm bại trên bầu trời Miền Bắc Việt Nam. Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" đã làm “trấn động địa cầu”, như Chiến thắng Điện Biên Phủ tháng 5 năm 1954. Sau thất bại thảm hại này, Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận quay trở lại bàn đàm phán. Và ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về "Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam" được ký kết. Chỉ hai tháng sau, vào cuối tháng 3/1973, quân đội Mỹ và chư hầu đã phải rút khỏi miền nam Việt Nam.
Trong Chiến thắng oai hùng đó, những người bạn Xô Viết, cụ thể là những chuyên gia quân sự Liên Xô đã sát cánh, đã sống và chiến cùng những người lính Việt Nam. Những câu chuyện kể của các cựu chiến binh là minh chứng sâu sắc, sống động, mang tính lịch sử về ý chí, tài năng và sức chịu đựng của những chiến sỹ và sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam.

Học bắn máy bay Mỹ

Từ tháng 8 năm 1964 Mỹ bắt đầu “cuộc chiến không lực” trên bầu trời miền Bắc Việt Nam. Từ 1961 tới 1964 các chuyên gia quân sự, kỹ thuật tên lửa, phi công đầu tiên đã bắt đầu có mặt ở Việt Nam. Kể từ năm 1965, những loại vũ khí cần thiết của Liên Xô, đặc biệt về hệ thống phòng không không quân đã được chi viện tới chiến trường Việt Nam. Song song với việc cung cấp vũ khí là quá trình đào tạo quân sự.
Khẩu đội cả bin PA trước trận đánh, Hải Phòng năm 1967
Nhiệm vụ của các chuyên gia xô viết là thiết lập hệ thống phòng thủ phòng không không quân (PKKQ) vững chắc ở miền Bắc Việt Nam để phá tan các trận không kích của Mỹ.
“Hầu như toàn bộ lớp sĩ quan điều khiển và trắc thủ tên lửa SA-75 đầu tiên của Việt Nam đều được các chuyên gia Liên Xô trực tiếp đào tạo, huấn luyện tại Việt Nam. Những phi công lái MiG-21 thuộc hàng “Át” của Việt Nam đều được đào tạo tại các trường không quân Ryazan và Krasnodar ở Liên Xô, trong đó có phi công Phạm Tuân và Vũ Xuân Thiều đã bắn hạ máy bay B-52 Mỹ”, - Đại tá Nguyễn Minh Tâm, tác giả cuốn “Cuộc đọ sức và đấu trí cuối cùng trên bầu trời Hà Nội” phát biểu với Sputnik.
Những trận đánh không kích đầu tiên chuyên gia quân sự Liên Xô trực tiếp chiến đấu để cho bộ đội ta quan sát học tập, sau đó bạn huấn luyện cho bộ đội Việt Nam. Rồi sau đó tất cả các hoạt động chuẩn bị và phóng tên lửa do các chiến sĩ Việt Nam thực hiện, các chuyên gia Liên Xô chỉ hướng dẫn và đảm bảo kịp thời sửa chữa sai sót. Bộ đội tên lửa và không quân Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ kể cả tên lửa và các máy bay của Liên xô viện trợ lúc bấy giờ chỉ sau một thời gian ngắn.
“Những bàn tay vàng” Việt Nam và Liên Xô đã làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”
Trong sự nghiệp làm báo của mình, tôi đã có may mắn gặp và phỏng vấn nhiều cựu chiến binh Xô-Viết tham gia chiến tranh Việt Nam. Họ đã nói gì về việc học bắn máy bay Mỹ của bộ đội Việt Nam?
“Về nguyên tắc thì trận đầu chúng tôi tự đánh. Các bạn Việt Nam ở bên cạnh chúng tôi, chứng kiến và hiểu tất cả. Trận sau thì chúng tôi ngồi bên cạnh, cần thì chỉ bảo, còn các bạn Việt Nam tự chiến đấu. Còn những trận sau nữa thì chúng tôi ngồi quanh đâu đó thôi, cần thì mới can thiệp. Các bạn Việt Nam có được kinh nghiệm rồi thì chúng tôi lại đi dạy cho đội khác”, - Ông Vladimir Tishenco, nguyên trắc thủ xe điều khiển tên lửa, Tiểu đoàn 63 – Trung đoàn 236, Bộ đội Tên lửa kể lại.
“Tôi là kỹ sư trong nhóm kỹ sư binh chủng PKKQ về kỹ thuật bệ phóng tổ hợp tên lửa. Tôi kiểm tra việc sẵn sàng chiến đấu, sửa chữa và giúp các bạn Việt Nam chuẩn bị vũ khí chiến đấu và tác chiến. Và nhóm của chúng tôi còn hướng dẫn cho các bạn Việt Nam đánh như thế nào ngay tại trận”, - Ông Skoriak Valery, chuyên gia kỹ thuật bệ phóng tổ hợp tên lửa (THTL) S-75 (phục vụ tại Việt Nam 01/-12/1970) nói.
“Tôi trong nhóm kỹ sư kỹ thuật đảm bảo và sửa chữa kỹ thuật radio định vị. Chúng tôi chuyển thông tin cho những tổ hợp tên lửa, cảnh báo về những chuyến bay của kẻ thù, và sau đó thì bắn máy bay”, - Ông Pogrebniak Victor, kỹ sư radar (tham gia chiến trận tại Việt Nam từ tháng 7/1970 tới 7/1971) kể lại.

Nghi binh lừa địch

Trong cuốn hồi ký “Chuyến công tác đặc biệt của mình, Đại tá Skreblukov Aleksei Ivanovich (nguyên sĩ quan thông tin, phục vụ ở Việt Nam những năm 1965-1966, chủ tịch chi hội các Cựu Chiến Binh đã chiến đấu ở Việt Nam khu vực S. Peterburg, được tặng huy chương “Hữu nghị” của Việt Nam) đã viết: “Không cần phải dạy người Việt Nam cách nghi binh đánh lừa địch, họ làm rất tốt điều này”. Các chuyên gia về hệ thống tên lửa phòng không kể lại:
“Năm 1972 có một khẩu hiểu như thế này trong lực lượng phòng không không quân Việt Nam: Kỹ thuật xô viết, Chiến thuật Việt Nam. Và chiến thuật này trong những điều kiện chiến đấu cụ thể đã chứng minh được hiệu quả 100%. Có nghĩa là những nhiệm vụ cụ thể của chúng tôi là không cho quân địch tấn công, tiêu diệt quân địch, được thực hiện chính nhờ chiến thuật nghi binh đánh lừa địch. Máy bay Mỹ ném bom xong mừng rỡ tưởng tiêu diệt xong mục tiêu, đang quay về tàu sân bay hoặc về căn cứ ở Thái Lan thì được nhận được những đòn đáng đời…
Các chuyên gia quân sự Liên Xô bên chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi, 1967
Bắt đầu từ đây là sự sử dụng tài tình, có khoa học những phương pháp chiến trận: Chúng tôi bắn hai phát, sau đó di chuyển luôn trung đội bắn. Chúng tôi khuyên nên chỉ bắn chừng đó. Và sau 40 phút thì dàn pháo đã không còn ở vị trí đó nữa. Máy bay Mỹ quay lại sau 1 tiếng rưỡi và ném bom... vào chỗ trống”, - Trung tá Beketov Sergei Stepanovich, phục vụ tại Việt Nam từ 8/1972 đến 7/1973, trực tiếp tham gia giáng trả các trận đánh đường không của Hoa Kỳ, chuyên gia hệ thống phối hợp các tổ hợp tên lửa S-75 kể lại cho phóng viên Sputnik.
“Tôi có thể nói rằng “cách nghi binh đánh lừa địch” đã được sử dụng từ những năm 1965 – 1966. Tôi muốn nhấn mạnh rằng: về tiêu chuẩn xô viết để thu gọn một đơn vị pháo phòng không là gần 2 tiếng đồng hồ. Kinh nghiệm của các bạn Việt Nam thời điểm đó cho thấy, chỉ 38 phút. Chỉ 38 phút và pháo đã không còn ở vị trí đó nữa! Chỉ còn lại là hình giả, vị trí chiến đấu giả.
“Chuyến công tác đặc biệt” vẫn tiếp tục
Những hình mẫu giả ấy được dựng nhanh chóng bằng chính bàn tay của những người phụ nữ. Khi đơn vị pháo còn chưa kịp dời vị trí thì họ đã dựng xong hình giả, tên lửa bằng gỗ. Nói chung, tất cả những việc liên quan tới nghi binh lừa địch là do lực lượng dân quân tự vệ thực hiện”, - Đại tá Poveli Anatoly Mikhailovich, phục vụ tại Việt Nam từ 3/1966 tới 1/1967, nguyên kỹ thuật viên chính tổ hợp tên lửa phòng không “Dvina” trung đoàn 257 kể cho phóng viên Sputnik về chiến thuật “nghi binh lừa địch” của quân dân Việt Nam.

Cùng nhau vượt gian nan cho tới ngày chiến thắng

Trong những năm tháng gian khổ và khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ hơn 10 nghìn chuyên gia quân sự Xô Viết đã cùng vai sát cánh tham gia chiến trận với các chiến sĩ Việt Nam, đặc biệt là các chuyên gia tên lửa phòng không không quân.
Năm 2014, tôi có may mắn được dự buổi gặp gỡ các cựu chiến binh lực lượng PKKQ Việt Nam tại Hà Nội. Tôi đã rất cảm động trước cuộc gặp gỡ của hai người bạn chiến đấu sau gần nửa thế kỷ: Nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn tên lửa 274 Nguyễn Mạnh Đàn và Chuyên gia hệ thống tên lửa hỏa tiễn Mikhail Semionov. Bên bệ phóng tên lửa năm nào họ đã cùng nhau nhớ lại những năm tháng chiến tranh gian khổ
“Anh Mikhail này trước là chuyên gia của trung đoàn tôi – trung đoàn tên lửa 274, trấn thủ tại phía Bắc của Hà Nội, đã tham gia chiến đấu từ năm 1967 tới 1968, đã chịu mọi điều kiện gian khổ như chúng tôi, nhiều khi không có nước tắm, nhiều khi không có thức ăn các đồng chí vẫn chịu đựng và giúp đỡ”, - Ông Nguyễn Mạnh Đàn, Nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn tên lửa 274 nói.
Học lái máy bay chiến đấu
“Điều kiện làm việc với kỹ thuật thật khủng khiếp. Rất nóng! Một ngày có tới 10 - 15 trận oanh tạc của máy bay Mỹ. Thiết bị kỹ thuật làm việc liên tục. Trong cabin chỉ cần sơ ý chạm khuỷu tay vào là bị bỏng ngay. Nhưng chúng tôi ai cũng hiểu là đang chiến đấu vì sự nghiệp chính đáng, vì vậy, chúng tôi đã vượt qua tất cả. Như thi hào Mayakovsky đã từng viết: Có thể quên cái gì đó và đã ở đâu, nhưng không thể quên mảnh đất từng chiến đấu vì nó. Vì thế, tình bạn giữa chúng ta là bền vững nhất”, - Ông Mikhail Semionov, Chuyên gia hệ thống tên lửa hỏa tiễn chia sẻ kỷ niệm thời chiến.
Ông Nguyễn Mạnh Đàn và ông Mikhail Semionov gặp lại nhau năm 2014 sau gần nửa thế kỷ
“Thời kỳ đó rất là nóng nực. Tháng 7 mà, như bây giờ ấy. Các bạn đã chịu đựng cái nóng của Việt Nam rất khó khăn. Dù có ưu tiên cho khác bạn nhưng điều kiện rất kham khổ. Ngay cả việc tắm nữa. Xe chở nước đến không phải lúc nào cũng có. Có khi nóng quá các bạn nhảy ùm xuống ao bùn lầy để tắm. Phải nói đó là cái thông cảm của bạn với ta. Còn việc bạn dạy chúng ta kỹ thuật rất tích cực”, - Đại tá Phạm Trương Uy, nguyên sĩ quan điều khiển Trung đoàn 236, Bộ đội Tên lửa kể lại.

“Cái mà đập vào mắt tôi trước tiên – đó là tinh thần quả cảm vô cùng lớn, trước hết là của những người lính mà chúng tôi đã dạy. Họ không tiếc thời gian. Học ngày học đêm, bất chấp ăn uống đạm bạc. Nhưng lòng yêu lao động vĩ đại, lòng dũng cảm là điểm nổi bật của những người lính Việt Nam. Điều đó đã thấy rất rõ. Và cả sự siêng năng của người Việt Nam nữa. Những người phụ nữ mảnh mai gánh trên mình bao nhiêu thứ. Người Việt đứng làm ruộng, nước tới đầu gối… Nhưng họ không lùi bước, hoàn thành mọi việc tới cùng. Và họ đã chiến thắng”, - Đại tá Skreblukov Aleksei Ivanovich, tác giả cuốn hồi ký “Chuyến công tác đặc biệt” kể lại cho phóng viên Sputnik.

Liên Xô đã cho Việt Nam những gì?
“Cố thượng tướng Anatoly Khiupenen, Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam trong những ngày Hà Nội nổi lửa đánh rơi B-52 Mỹ từng nói: “Chúng tôi trao khí tài tên lửa cho các chiến sĩ Việt Nam là trao khí tài cho những bàn tay vàng”. Tuy nhiên, cũng phải nhờ đến những “Bàn tay vàng” của các chuyên gia và cán bộ kỹ thuật tên lửa Liên Xô thì những “bàn tay vàng” của Bộ đội Tên lửa Việt Nam mới có thể đánh thắng ròn rã như vậy”, - Đại tá Nguyễn Minh Tâm, tác giả cuốn “Cuộc đọ sức và đấu trí cuối cùng trên bầu trời Hà Nội” phát biểu với Sputnik.
Các chuyên gia quân sự Xô-Viết năm xưa đã nói rằng, chiến đấu, bảo vệ tổ quốc là bẩm sinh của người Việt Nam, kể cả đàn ông, phụ nữ. Đó là nền tảng của sự chiến thắng. Còn nói về sự giúp đỡ thì “thật vô nghĩa khi giúp kẻ bất lực”. Còn sử dụng sự giúp đỡ một cách hiệu quả, có thể nói, đó là một trong những quyết định của chiến thắng.
Thảo luận