Chính sách được hình thành từ nhiều thập kỷ trước
“Sau khi Liên bang Nga kế thừa trách nhiệm pháp lý của Liên Xô, họ đã nhanh chóng bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và vẫn giữ quan hệ kinh tế với Việt Nam thông qua hai lĩnh vực chủ yếu là khai thác dầu khí và du lịch”.
“Giai đoạn phát triển và củng cố quan hệ hiện nay của Moskva với các nước châu Á là sự tiếp nối hợp lý của đường lối mà Nga đã theo đuổi trong nhiều thập kỷ. Ngược lại, các nước trong khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc đang không ngừng củng cố vị thế, khẳng định vai trò và tầm quan trọng trong các vấn đề quốc tế và thực tế đã trở thành trung tâm phát triển kinh tế, chính trị của thế giới. Do đó, sự hợp tác với các nước trong khu vực đáp ứng lợi ích của Nga”.
“Đến thời điểm hiện tại, với các hiệp định FTA và FTA nâng cấp được ký kết với Ấn Độ, Trung Quốc, với khu vực mậu dịch tự do ASEAN vốn là đối tác đối thoại của SCO và các hiệp định song phương khác với một số nước ASEAN, Nga đã thực sự tiến những bước vững chắc trên “Hành trình Đông tiến”, bất chấp những hành động ngăn chặn, uy hiếp và đe dọa của Mỹ và một số đồng minh khác của Mỹ ở khu vực Tây và Tây Nam Thái Bình Dương cũng như chiến lược “Liên vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” của Mỹ”, chuyên gia Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh.
Vai trò của Việt Nam trong chính sách “Hướng Đông”
“Vì vậy, quan hệ truyền thống trước đây đã trở thành cơ sở quyết định để tạo dựng được tình hữu nghị rất mực trong sáng, thủy chung và gắn bó keo sơn giữa nhân dân hai nước, đặt nền móng vững chắc cho quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga ngày nay tiếp tục phát triển lên tầm cao mới”.
“Nhìn chung, có thể thấy chính sách “Hướng Đông” của Nga không phải đến bây giờ mới có mà từ hơn nửa thế kỷ trước đây đã có và đã được xúc tiến. Trong bối cảnh ấy, quan hệ giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây cũng như quan hệ Việt Nam với Nga hiện nay đã đem lại nhiều lợi ích chung cho cả hai dân tộc”, ông Nguyễn Minh Tâm nêu rõ.
Việt - Nga cần lưu tâm điều gì?
“Trong hoàn cảnh thế giới đang diễn ra cuộc xung đột gay gắt để khẳng định mô hình thế giới đơn cực hay thế giới đa cực, hai bên lại càng cần những sáng kiến mới, những nguồn lực mới để thực hiện các mục tiêu chiến lược chung nhưng không giống nhau do bối cảnh và điều kiện của mỗi nước khác nhau. Do đó, cả Nga và Việt Nam đều cần xử lý các quan hệ song phương một cách hài hòa với quan hệ đa phương của mỗi bên, sao cho hài hòa về lợi ích, giảm thiểu những rủi ro và nếu có xảy ra rủi ro thì sẵn sàng chia sẻ cùng nhau”, vị chuyên gia cho biết.
“Là quốc gia có hính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế về nhiều mặt, Việt Nam cũng gặp phải không ít khó khăn khi xử lý các mối quan hệ quốc tế, trong đó có việc phải cân bằng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga với quan hệ đối tác với nhiều quốc gia khác. Phía Nga hoàn toàn hiểu rõ những sự khó xử đó của Việt Nam”.
“Vì vậy, trong thời gian trước mắt, việc tích lũy tiềm lực và tích cực chuẩn bị những ý tưởng phát triển tiếp theo là rất quan trọng với cả Nga và Việt Nam. Cho đến khi những âm mưu cô lập và bóp nghẹt Nga bị phá sản thì khi đó, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Nga sẽ bung ra với một sức mạnh mới. Do đó, từ bây giờ, cả hai bên đều nên chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo về mọi mặt để có thể đón trước được thời cơ ấy”, chuyên gia Nguyễn Minh Tâm kết luận.