Một năm vượt sóng gió của các doanh nghiệp người Việt tại Nga

Vượt qua khó khăn chưa từng thấy trong năm 2022, trước thềm Năm Mới 2023, mong muốn chung của các doanh nghiệp của người Việt và người Việt làm ăn buôn bán tại thị trường Nga là Chiến dịch sớm kết thúc để hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp được ổn định và sức mua của thị trường tốt lên.
Sputnik

Một năm đầy khó khăn và mất nhiều cơ hội

Năm 2022 thực sự là một năm đặc biệt khó khăn cho các công ty của người Việt tại Nga, thuộc tất cả các lĩnh vực, từ sản xuất, kinh doanh đến dịch vụ ăn uống, du lịch… Đầu năm thì Covid-19 vẫn đang hoành hành, tình hình càng khó khăn hơn từ ngày 24/2/2022, khi Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraina bắt đầu.
Theo đánh giá của một số đại diện doanh nhân người Việt tại Nga, nhìn chung, các công ty và doanh nhân người Việt ở Nga bị bất ngờ và rất lo lắng.

“Những người kinh doanh thường rất nhạy cảm, đã nghĩ ngay là: Sẽ có rất nhiều vấn đề xảy ra. Và thực tế đã diễn ra như vậy. Trước tiên là đồng rúp mất giá nhiều so với đồng đô gây hoảng loạn luôn, nhất là có khi giá rúp lên tới 140 rúp/usd, hơn gấp đôi so với thời điểm trước ngày 24/2. Một vấn đề nữa là sức mua của khách hàng lúc đó chỉ còn 20-30%”, - .Ông Đỗ Cảnh Hưng, chủ doanh nghiệp “Modtex”(chuyên sản xuất quần áo) nói với Sputnik.

“Đầu năm 2022, các công ty du lịch của người Việt tại Nga đã kỳ vọng là dịch bệnh sẽ giảm, xã hội sẽ thích nghi với tình hình mới, sống chung Covid -19, và du lịch có thể sẽ được hồi sinh. Một số công ty đã lên kế hoạch cho năm 2023, nhưng sự kiện ngày 24/2 đã làm đảo lộn mọi kế hoạch. Nói chung, các công ty du lịch của người Việt vẫn phải đóng cửa hay làm việc cầm chừng bằng cách tổ chức một vài các tour trong nước Nga, đi Thổ Nhĩ Kỳ hay Ấn Độ”, - TS kinh tế Lê Hòa bình luận với Sputnik.
Trong khi đó thì đó chính là thời điểm tốt cho mùa vụ, thời điểm các ngày lễ, sau Ngày lễ đàn ông và sắp tới Ngày lễ 8/3.

“Các doanh nghiệp đã mất rất nhiều cơ hội. Một khó khăn nữa là tâm lý khủng hoảng của đại bộ phận công nhân: Họ rất sợ hãi và thực sự là túi tiền của họ bị ảnh hưởng. Vì đồng rúp mất giá quá mạnh, cộng thêm vấn đề nước Nga bị cấm vận, các chuyến bay quá hạn chế, nhiều người bị bệnh, ốm đau, hoặc muốn về Việt Nam sinh đẻ gặp rất nhiều khó khăn, khả năng mua vé cũng thấp vì vé máy bay rất đắt. Vấn đề đặt ra là có nên duy trì hay cứ để doanh nghiệp trôi nổi?

Trong giới doanh nghiệp mọi người đều đặt câu hỏi: Có nên duy trì sản xuất và kinh doanh ở Nga hay không vì đồng rúp mất giá như thế, vì sản xuất chắc chắn là không có lãi rồi. Nhiều anh em, bạn bè đã buông xuôi, giải tán các xưởng sản xuất và cho công nhân về”, - . Ông Đỗ Cảnh Hưng, chủ doanh nghiệp “Modtex”(chuyên sản xuất quần áo) chia sẻ với Sputnik.

Không chỉ các công ty sản xuất mà cả các công ty nhập khẩu hàng từ Việt Nam sang Nga cũng gặp nhiều trở ngại và phức tạp.
“Các hãng vận tải từ chối chuyển hàng tới Nga qua đường Châu Âu: Điều này dẫn đến thiếu hàng để bán ở Nga. Đồng rúp mất giá quá nhanh dẫn tới việc nhiều hợp đồng vẫn phải thực hiện theo giá cũ vì đã ký. Như vậy có nghĩa là bán càng nhiều thì càng lỗ. Nhiều ngân hàng từ chối chuyển USD về Việt Nam để thanh toán”, - Ông Trần Công Hiến, chủ doanh nghiệp “Asifood” (chuyên nhập hàng thực phẩm từ Việt Nam sang Nga từ năm 1997) phát biểu với Sputnik.

Mỗi doanh nghiệp có cách vượt khó của riêng mình

Để vượt qua khó khăn thì mỗi doanh nghiệp của người Việt tại Nga có cách của riêng mình.
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Sputnik, ông Đỗ Cảnh Hưng, chủ doanh nghiệp “Modtex” chuyên sản xuất quần áo đã chia sẻ cách vượt khó của mình:

“Nói về doanh nghiệp của chúng tôi thì chúng tôi luôn luôn nghĩ đến trách nhiệm với người lao động, vì doanh nghiệp đã có uy tín tại thị trường Nga hơn 12 năm rồi. Chúng tôi quyết tâm phải giữ cho bằng được hoạt động của doanh nghiệp. Ở một thời điểm nhất định, chúng tôi chấp nhận lỗ hoặc hòa vốn để duy trì sản xuất cho công nhân, vừa để cho công nhân yên tâm, vừa để cho công ty còn có cái để mà tồn tại, bước tiếp. Một vấn đề nữa là việc duy trì sản xuất giúp anh em trong doanh nghiệp ổn định tinh thần, vừa động viên vừa giúp đỡ ổn định tư tưởng cho công nhân.

Nước Nga như đang bị rơi vào một vòng xoáy trên biển lớn. Chúng ta đang ngồi trên cái thuyền ở nước Nga này, chúng ta đừng có chèo mỗi người một hướng. Đã ở trên chiếc thuyền thì nên chèo về một hướng, không thì cái thuyền sẽ xoay và bị chìm. Hơn nữa còn phải đúng nhịp nữa”.

Không chỉ tiếp tục tìm kiếm đơn hàng ở thị trường cũ, “Modtex” còn tích cực tìm kiếm những đơn hàng để sản xuất những sản phẩm mới.
“Doanh nghiệp cũng tích cực tìm đơn hàng của những khách hàng không chỉ phụ thuộc vào thị trường cũ mà trong thị trường mới doanh nghiệp cũng có được những đơn hàng mới. Ví dụ như chúng tôi may chăn, may túi ngủ, quần áo phụ cho quân đội. Đơn đặt hàng nhận được từ những đơn vị thầu của quân đội”, - Ông Đỗ Cảnh Hưng, chủ doanh nghiệp “Modtex” chia sẻ với Sputnik.
Còn các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã vượt khó như thế nào trong năm 2022? Sau đây là chia sẻ của ông Trần Công Hiến, chủ doanh nghiệp “Asifood” – một công ty chuyên nhập hàng thực phẩm từ Việt Nam sang Nga từ năm 1997. Hy vọng, những biện pháp, cái cách vượt khó của “Asifood” sẽ là kinh nghiệm quý báu cho những công ty khác.

“Chúng tôi đã chuyển toàn bộ hàng sang hướng Viễn Đông: Chúng tôi chấp nhận đi lâu hơn, chi phí cao hơn, có thể gặp trục trặc khi đi đường mới vì có thể bị kiểm tra, chưa làm quen dễ làm sai bị phạt… Với mục đích chính là phải đưa được hàng sang Nga, cho nên chúng tôi đã liên tục làm việc với các hãng tàu mới (của Nga, Trung Quốc, Nam Triều Tiên, Singapore), với cảng mới ở Viễn đông (dưới Viễn đông, Nakhodka có nhiều cảng với các chi phí khác nhau) để giảm tổng chi phí vận tải. Chúng tôi đã chấp nhận làm thử, trả giá để rút kinh nghiệm”, - Ông Trần Công Hiến, chủ doanh nghiệp “Asifood” nói với Sputnik.

Các loại nước chấm - sản phẩm của Công ty Asifood nhập vào thị trường Nga
Theo lời ông Trần Công Hiến, đến thời điểm này, chuyện vận tải coi như giải quyết được.
“Vì sao tôi dùng chữ từ “được”? Vì có thể chuyển được hàng, nhưng thời gian thì chậm hơn và chi phí không giảm”, - . Ông Trần Công Hiến nhấn mạnh.
Cũng như ông Đỗ Cảnh Hưng - chủ doanh nghiệp sản xuất “Modtex”, chủ doanh nghiệp xuất nhập khẩu“Asifood” đã chịu lỗ để giữ lại tương lai cho sản phẩm của mình.
“Chúng tôi đã thực hiện tất cả các hợp đồng đã ký dù phải lỗ do vấn đề tỷ giá. Sau đó đàm phán tăng giá từ từ: Chấp nhận lỗ để giữ khách hàng và người tiêu dùng, giữ lại tương lai cho sản phẩm của mình. Quan niệm của tôi là khi nào khách hàng còn tin tưởng xài hàng của mình thì mình sẽ luôn có cơ hội kiếm lời. Rất may là từ giữa tháng Tư rúp tăng giá. Chuyện tỷ giá từ khó khăn thành ra là thuận lợi”, -
Theo ông Trần Công Hiến, chủ doanh nghiệp “Asifood”, để giải quyết khó khăn lớn liên quan đến chuyển tiền (nhiều ngân hàng từ chối chuyển tiền về Việt Nam) trong hoạt động xuất nhập khẩu, ông đã liên tục tìm và đổi sang ngân hàng mới.

Tuyến vận tải mới giúp hàng hóa lưu thông giữa Việt Nam và Nga trở nên nhanh hơn

Bắt đầu từ giữa năm 2022, có 3 tàu container thường xuyên chạy trên tuyến vận tải đường biển mới khai trương, chạy thẳng từ cảng Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh tới cảng Vladivostok của LB Nga. Trước đây, vận tải đường biển từ Việt Nam tới Nga thường phải trung chuyển tại Trung Quốc. Với tuyến đường biển thường xuyên FESCO VIETNAM DIRECT LINE, container không phải bốc dỡ và sắp xếp lại tại các cảng trung chuyển. Hoạt động xuất nhập khẩu giữa Nga và Việt Nam trở nên thuận lợi hơn.
Tập đoàn Fesco đưa con tàu thứ hai vào tuyến kết nối hàng hải Nga-Việt
“Sau Covid, đặc biệt là sau khi Nga bị phương Tây trừng phạt và cấm vận hàng loạt, chi phí đường biển trở nên rất cao và thời gian vận chuyển rất dài. Tuyến đường biển thẳng nói trên đã giải quyết được một phần hai vấn đề quan trọng là chi phí và thời gian. Hàng hóa lưu thông giữa hai nước trở nên nhanh hơn. Trong bối cảnh tình hình ở Ucraina, theo dự báo Nga sẽ tăng cường nhập khẩu từ các nước Châu Á, và đó là tiềm năng lớn cho Việt Nam”, - .TS kinh tế Lê Hòa bình luận với Sputnik.
Việc khai thác tuyến đường tàu biển này, theo đánh giá của các chuyên gia, góp phần giảm thiểu rủi ro về vận chuyển hàng hóa giữa Việt Nam và khu vực các nước thuộc Liên minh kinh tế Á – Âu. Hàng hóa từ cảng Vladivostok có thể đi tiếp tới các vùng phía châu Âu của Nga và các nước Liên minh Á-Âu bằng đường sắt.
Nước Nga có tuyến đường sắt từ Viễn Đông đi Moskva và các nơi khác. Bao năm qua tuyến này làm việc ngày càng kém đi: Giá cao, chậm, nhiều khó khăn, không theo một kế hoạch nào khác. Bởi vậy trước chiến dịch quân sự đặc biệt các công ty chỉ sử dụng tuyến đường biển qua Châu Âu.
Theo đánh giá của ông Trần Công Hiến, sau 24/2, từ khi Chiến dịch quân sự đặc biệt diễn ra, tuyến vận tải đường sắt này có một tiến bộ rõ rệt: Tăng lượng hàng hoá, làm việc rõ ràng hơn, chính xác hơn. Nhưng vẫn còn điểm yếu là tăng giá liên tục, tổng thời gian chậm hơn, nguyên nhân là hàng trên biển trước đây đi 10-15 ngày nay cả tháng, hàng tại cảng thường kẹt 2 tuần sau mới chuyển qua đường sắt được.
Hy vọng rằng, những điểm yếu trên sẽ mau chóng được khắc phục.
Còn, sau một năm sóng gió, trước thềm Năm Mới 2023, mong muốn chung của các doanh nghiệp của người Việt và người Việt làm ăn buôn bán tại thị trường Nga là Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina sớm kết thúc để hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp được ổn định và sức mua của thị trường tốt lên.
Thảo luận