Có những thứ không bao giờ “chết”, dù cận lúc lâm nguy
Từng được Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam cử sang Nga học thạc sĩ chuyên ngành kỹ thuật hóa học tại Đai học Tổng hợp Liên bang viễn Đông, một tương lai mới như mở ra với Nguyễn Tiến Dũng, 32 tuổi (Gia Lâm, Hà Nội).
Thế nhưng, chỉ sau hơn 1 năm kể từ khi đặt chân sang xứ sở bạch dương (10/2013), những triệu chứng bất thường lần lượt xuất hiện trên cơ thể anh Dũng.
Mới đây là khó thở, hay chảy máu cam, cơ thể nhanh mệt. Sau phát hiện thêm hạch ở cổ, nuốt và ăn thức ăn khó khăn, đi khám, anh Dũng được bác sỹ chẩn đoán là ung thư vòm họng giai đoạn 3. Nhớ lại quãng thời gian này, anh Dũng tâm sự:
“Khi biết cơ thể như vậy, tôi gọi điện cho cô giáo người Nga và cô dẫn đi khám tổng quát. Các bác sỹ tại Nga trao đổi bệnh tình của tôi hoàn toàn chữa trị được. Tuy nhiên, về Việt Nam điều trị sẽ tốt hơn, bởi cần thời gian và nên có người thân chăm sóc. Nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng người Việt tại Vladivostok cùng sự hỗ trợ của các giáo viên người Nga, ngay ba hôm sau, tôi mua vé bay về Việt Nam để chữa trị”.
Chính lúc cận kề “án tử”, Nguyễn Tiến Dũng mới nhận ra được giá trị thật của tình yêu thương vô điều kiện của thầy cô, cộng đồng người Việt và người thân, những người yêu thương và lo lắng cho mình. Đối với anh, đó là những thứ chẳng bao giờ “chết”.
Niềm tin, sự lạc quan đã chiến thắng căn bệnh ung thư
Trong khoảng nửa năm, anh Dũng phải truyền hóa chất liên tục. Lúc này, cơ thể dần mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt và nôn nao, thậm chí còn teo cơ. Thế nhưng, chỉ sau khoảng thời gian này, cơ thể anh dần hồi phục, không phải truyền hóa chất nữa.
Khi hỏi về lý do vì sao có thể chiến thắng bệnh tật, anh Dũng cho rằng, bản thân mình may mắn khi là một trong số ít người làm hóa xạ trị đồng thời, tức là vừa truyền hóa chất, vừa đi tia xạ cùng một lúc. Để điều trị đồng thời như vậy, cần một nền tảng sức khỏe tốt mới có thể đáp ứng thuốc.
“Khi nghe tin bác sỹ chẩn đoán bệnh, thực tình tôi cảm thấy khá bình thản, không có cảm giác sợ hãi hay lo lắng gì. Cũng không nghĩ đến chuyện sống chết ra sao, mà đơn giản chỉ nghĩ có bệnh phải chữa. Phần nữa, được các bác sỹ động viên tinh thần để bản thân yên tâm điều trị. Có thể đây là một trong những lý do khiến mình điều trị thành công”.
Nơi mà bệnh tật mệt mỏi với nhiều người, lại là nơi đông vui với anh Dũng. Anh cho hay, trong viện rất vui, số lượng bệnh nhân nhiều, đôi khi quá tải nhưng đó không phải là điều anh bận tâm. Trò chuyện, làm quen với các bệnh nhân khác cũng giúp anh quên đi bệnh tật.
“Theo quan điểm của tôi, tốt nhất nên lạc quan. Bởi tôi nghĩ đây là một trong những yếu tố tiên quyết quyết định sự thành bại căn bệnh của mình, nhất là bệnh ung thư. Thậm chí, không nghĩ đến căn bệnh này càng tốt. Mình tin tưởng, tuân thủ đúng phương pháp điều trị, chế độ dinh dưỡng của bác sỹ”.
Sau bước ngoặt đầy biến động này, chàng trai 32 tuổi này đã có nhiều sự thay đổi trong cách nhìn nhận cuộc sống. Anh cho rằng, nhiều người mắc bệnh nan y nhưng đã sống một cách tích cực, biết nghĩ cho người khác và thậm chí tìm ra một con đường có ý nghĩa.
Điều ngạc nhiên là đến thời điểm hiện tại, anh Nguyễn Tiến Dũng đã khỏi hẳn. Sau đó, do cơ thể đáp ứng tốt với thuốc nên không cần truyền hóa chất nữa. Từ đó đến nay tôi nghỉ ngơi và làm việc nhẹ nhàng, duy trì sinh hoạt đến giờ.
Mặc dù bệnh tình đã không còn là trở ngại và công việc ngày càng bận rộn, nhưng anh Dũng vẫn duy trì thói quen đi du lịch, tập gym thể dục thể thao để luôn có sức khỏe, tinh thần tốt và cuộc sống viên mãn. Giờ đây, cuộc sống của anh Dũng đã bước sang trang mới với gia đình nhỏ ấm áp cùng nhiều dự định ấp ủ.
Anh Nguyễn Tiến Dũng
© Ảnh : Nguyễn Tiến Dũng
Dù thế nào, câu chuyện của anh Dũng đã trở thành nhân chứng truyền cảm hứng vươn lên trong cuộc sống với rất nhiều người ở Vladivostok, đặc biệt là những ai mắc căn bệnh quái ác như anh. Nhắc đến anh, họ có thêm niềm tin, nghị lực để chiến thắng số phận.