VinFast và ông Phạm Nhật Vượng: Từ giấc mơ “cắm cờ” trên đất Mỹ

MOSKVA (Sputnik) - Với việc xuất khẩu ô tô điện sang Hoa Kỳ, VinFast đã hiện thực hoá giấc “cắm cờ” trên đất Mỹ mà tỷ phú Phạm Nhật Vượng từng chia sẻ hồi năm 2016.
Sputnik
Trong tương lai, VinFast định hướng sản xuất ô tô ngay tại Hoa Kỳ. Điều này sẽ đem lại ưu thế cạnh tranh và khả năng tiếp cận khách hàng cho thương hiệu ô tô Việt.

Giấc mơ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Ngày 25/11/2022, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, VinFast chính thức xuất khẩu ô tô sang Mỹ. Lô hàng 999 chiếc VF8 là những đơn hàng đầu tiên trên tổng số 65.000 đơn hàng VinFast nhận được trên phạm vi toàn cầu.
Với sự kiện này, có thể nói, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã hiện thực hóa thành công giấc mơ cắm cờ trên đất Mỹ sau 6 năm.

"Vấn đề đi ra nước ngoài của Vingroup không định hướng là lợi nhuận, mà định hướng là cắm cờ. Nếu cắm vào Myanmar, Campuchia và Lào thì không oai lắm. Đã thế cắm hẳn vào chỗ nào oai nhất mà vẫn kinh doanh được cho nó oách", ông Phạm Nhật Vượng chia sẻ trong buổi gặp mặt với các cán bộ lãnh đạo Viettel vào năm 2016.

Việc xuất khẩu lô hàng 999 chiêc VF8 sang Mỹ là thành công bước đầu của một công đoạn chuẩn bị thần tốc, táo bạo nhưng cũng tốn vô số công sức và tiền bạc của VinFast để xâm nhập và thị trường Mỹ, nơi được xem là thước đo thành công của mọi sản phẩm công nghệ cao thế giới với những tiêu chuẩn khắt khe bậc nhất.
Cũng trong năm 2022, VinFast công bố đã nộp hồ sơ IPO lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ, dự kiến niêm yết trên sàn Nasdaq với mã VFS. Những sự kiện lớn nói trên đánh dấu một năm rực rỡ của thương hiệu ô tô Việt Nam.
"VinFast mở ra kỷ nguyên sản xuất xe ô tô điện tại Việt Nam đủ đẳng cấp xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ và châu Âu, ghi dấu ấn đậm nét trên bản đồ ngành công nghiệp sản xuất ô tô trên thế giới", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
VinFast nợ 8,8 tỷ USD, lỗ gần 4,7 tỷ USD: Quan trọng là đưa tên tuổi Việt Nam ra thế giới

Tiếp sức cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam bắt đầu phát triển từ khoảng năm 1991, chậm hơn chừng 30 năm so với các nước trong khu vực. Sau thời gian dài "dậm chân tại chỗ", ô tô Việt Nam chỉ phát triển nhanh trong khoảng 3-4 năm trở lại đây.
Cục Đăng kiểm Việt Nam ghi nhận, giai đoạn từ 2018 đến 2021, số lượng xe sản xuất và lắp ráp trong nước lần lượt đạt 287.586 xe năm 2018, 339.151 xe năm 2019, 323.892 xe năm 2020 và 346.876 xe năm 2021.
Có khoảng 40 doanh nghiệp trong nước tham gia sản xuất, lắp ráp ô tô, đáp ứng 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ trong nước. Tuy vậy, so với các cường quốc sản xuất ô tô trong khu vực và thế giới, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn bị xem là phân tán, rời rạc.
Năm 2004, sự xuất hiện của Vinaxuki do ông Bùi Ngọc Huyên làm chủ và phát triển mạnh mẽ giai đoạn 2006-2008 đã mang đến nhiều kỳ vọng cho ngành công nghiệp ô tô Việt. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, doanh nghiệp này cũng dần biến mất khỏi bản đồ ngành ô tô trong nước.
Trên thực tế, bất cứ doanh nghiệp sản xuất ô tô nào muốn thành công đều không thể chỉ tập trung vào thị trường nội địa mà cần vươn ra thế giới, hướng tới xuất khẩu, từ đó tăng sản lượng, tối ưu hóa chi phí và nâng cao khả năng cạnh tranh. Đây chính là con đường VinFast đang lựa chọn.
Việc VinFast của ông Phạm Nhật Vượng xuất khẩu những chiếc ô tô điện đầu tiên sang Mỹ đã một lần nữa làm sống lại giấc mơ đưa ô tô Việt Nam ra thế giới.
"VinFast dù đi sau trong lĩnh vực sản xuất ô tô nhưng có một lợi thế rất lớn là đã nhanh chóng tiếp cận ngay các công nghệ mới nhất, tự động hoá nhất, thông minh nhất, cách tiếp cận khách hàng khác biệt nhất cùng với việc tập hợp được nhiều nhân tài toàn cầu", Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá.
VinFast cũng có tiềm lực hơn những người đi trước nhờ được hỗ trợ bởi Vingroup – Tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất Việt Nam. Tổ hợp nhà máy của VinFast tại khu công nghiệp Đình Vũ – Cát Hải có diện tích 335 ha, công suất 250.000-500.000 xe/năm.
Hãng xe Việt còn sẵn sàng bắt tay với những đối tác có tiếng tăm hàng đầu thế giới như Pinifarina, Bosch, BMW, CATL vv… để phát triển nhanh chóng nhưng vẫn đặt nền móng vững chắc cho mỗi bước đi của mình.

"VinFast đang hiện thực hoá giấc mơ 5 năm tới sẽ trở thành trung tâm sản xuất ôtô điện quan trọng ở Đông Nam Á, cung cấp cho thị trường Bắc Mỹ và Châu Âu", Reuters ghi nhận.

Kế hoạch sản xuất ô tô ở Mỹ

Tuy vậy, xuất khẩu ô tô sang Mỹ chỉ là bước đầu trong kế hoạch của ông Phạm Nhật Vượng. Trong tương lai, VinFast kỳ vọng sẽ tạo ra những chiếc ô tô "made in USA" để bán tại thị trường Bắc Mỹ.
Ngày 29/3/2022, VinFast ký thỏa thuận sơ bộ về việc đầu tư 2 tỷ USD để xây dựng nhà máy sản xuất xe điện và pin cho xe điện ở bang Bắc Carolina (Mỹ). Thỏa thuận này nằm trong kế hoạch đầu tư 4 tỷ USD vào tổ hợp nhà máy sản xuất đầu tiên của VinFast tại Hoa Kỳ.
Sau khi xong các thủ tục pháp lý, giai đoạn một của nhà máy được khởi công trong năm 2022. Dự kiến, nhà máy sẽ đi vào vận hành từ tháng 7/2024, với công suất ban đầu 150.000 xe/năm.
Trong một thông báo do Nhà Trắng phát ra, nhà máy của VinFast ở bang Bắc Carolina sẽ tạo ra hơn 7.000 việc làm. Văn phòng Thống đốc Bang Bắc Carolina nhấn mạnh, đây là cơ sở sản xuất ô tô đầu tiên và là dự án lớn nhất trong lịch sử của bang.
"Với việc đặt nhà máy sản xuất ngay tại thị trường Mỹ, VinFast có thể bình ổn giá và rút ngắn thời gian giao hàng, giúp xe điện của chúng tôi tiếp cận với khách hàng dễ dàng hơn", Phó Chủ tịch Vingroup kiêm Tổng Giám đốc VinFast toàn cầu Lê Thị Thu Thủy nói.
Động thái này của VinFast được xem là sáng suốt bởi ngay sau đó, chính quyền Mỹ phê duyệt đạo luật Inflation Reduction Act (Đạo luật Cắt giảm Lạm phát), trong đó đưa ra các quy định khắt khe hơn về việc cung cấp khoản trợ giá 7.500 USD cho người mua xe điện.
Cụ thể, với đạo luật này, chỉ những chiếc xe có nguồn gốc sản xuất/lắp ráp tại Mỹ, giá thành dưới 55.000 USD với sedan, dưới 80.000 USD với bán tải và SUV; pin xe điện phải có cấu thành tới từ Mỹ hoặc quốc gia mà Mỹ ký kết hiệp định thương mại mới đủ điều kiện nhận mức trợ giá nói trên.
Việc sản xuất ô tô ngay tại Mỹ sẽ giúp những chiếc ô tô điện của VinFast đáp ứng đầy đủ các tiêu chí nói trên để nhận trợ giá, từ đó tăng ưu thế cạnh tranh với các đối thủ, dễ dàng tiếp cận khách hàng.
Lý do VinFast dừng chương trình “Đổi cũ lấy mới”
"Năm 2023 kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ và tôi không thể nghĩ ra món quà nào tuyệt hơn thế này khi những chiếc xe mang thương hiệu Việt Nam, những chiếc điện đầu tiên sang Hoa Kỳ cũng như sẽ sản xuất những chiếc xe này tại đất Mỹ, bởi những người công nhân Mỹ", Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper chia sẻ tại lễ xuất khẩu xe VinFast.
Thảo luận