Vụ ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam: Bất ngờ hay “có vào có ra”?
17:37, 31 Tháng Mười Hai 2022
MOSKVA (Sputnik) - Cùng với việc cho thôi Uỷ viên Trung ương Đảng hai Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, chỉ trong hai năm đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng khoá XIII, Việt Nam đã có 9 uỷ viên Trung ương bị kỷ luật, cho thôi chức, bằng 90% so với nhiệm kỳ trước.
SputnikTrong thông cáo của Văn phòng Trung ương Đảng chiều ngày 30/12/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng không nêu rõ lý do vì sao Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thôi giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII và đồng chí Vũ Đức Đam thôi giữ chức vụ Ủy viên Trung ương Đảng.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, việc đẩy mạnh chống tham nhũng, tiêu cực, kịp thời thay thế những cán bộ không còn đủ năng lực, uy tín, theo phương châm: “Có vào, có ra, có lên, có xuống”, đồng thời, bác bỏ luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, cho rằng xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”.
Hai ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam sẽ thôi chức Phó Thủ tướng
Như Sputnik đã cập nhật, chiều ngày 30/12, Việt Nam đã cho thôi Uỷ viên Trung ương Đảng đối với hai Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam.
Thông cáo báo chí về hội nghị bất thường của Ban Chấp hành Trung ương nêu rõ: Ngày 30/12, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp phiên bất thường để xem xét và cho ý kiến về công tác cán bộ.
Trước khi tiến hành hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng dành một phút tưởng niệm đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa qua đời; Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định những nội dung, cụ thể như sau:
“Ban Chấp hành Trung ương Đảng biểu quyết, thống nhất để các đồng chí sau thôi giữ chức vụ: Đồng chí Phạm Bình Minh thôi giữ chức vụ Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XIII. Đồng chí Vũ Đức Đam thôi giữ chức vụ Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XIII”.
Theo Điều lệ, việc thôi các chức vụ trong Đảng đồng nghĩa với việc các ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam cũng sẽ thôi chức vụ Phó Thủ tướng đang nắm giữ trong bộ máy Chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Tại cuộc họp bất thường, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho ý kiến về 2 nhân sự để Bộ Chính trị quyết định giới thiệu Quốc hội khoá XV phê chuẩn chức danh Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo quy định thay thế hai ông Vũ Đức Đam, Phạm Bình Minh.
Quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho các ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam thôi chức là diễn biến mới nhất trong nhân sự Trung ương Đảng khóa XIII. Sự việc đặc biệt gây bất ngờ, tuy nhiên, cũng phản ánh đúng tinh thần của công tác cán bộ trong bối cảnh hiện nay – “cán bộ có vào có ra, có lên có xuống, rà soát, sàng lọc để nâng cao chất lượng”, vốn được quán triệt thống nhất tại Việt Nam. Cùng với đó là yêu cầu đội ngũ cán bộ cần có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới phát triển, biến đổi của đất nước.
Các thay đổi về nhân sự Trung ương Đảng khoá XIII đến nay
Như Sputnik đã phản ánh, Đại hội Đảng XIII (tháng 1/2021) của Đảng Cộng sản Việt Nam thành công tốt đẹp và đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa mới (khoá 13) với 180 ủy viên Trung ương chính thức và 20 ủy viên dự khuyết.
Cùng với đó, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã bầu Bộ Chính trị với 18 người. Như vậy, sau khi Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh thôi Ủy viên Bộ Chính trị, danh sách Bộ Chính trị Việt Nam còn lại là 17 người.
Trong khi đó, Ban Chấp hành Trung ương, sau một số quyết định kỷ luật; cho thôi chức (9 người) và cả 1 trường hợp đột ngột qua đời thì số uỷ viên hiện còn 170 người.
Tổng kết sơ bộ, tính tới nay, sau 2 năm đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII, nhân sự Trung ương Đảng khóa XIII đã có nhiều thay đổi với 9 ủy viên Trung ương bị kỷ luật hoặc thôi chức, gồm cả 1 ủy viên Bộ Chính trị (đồng chí Phạm Bình Minh).
Việc 9 ủy viên Trung ương Đảng bị kỷ luật, thôi chức kéo theo nhiều thay đổi trong bố trí nhân sự trong các cơ quan Đảng, Nhà nước trong 2 năm qua.
Trong số này, có 3 người bị khai trừ Đảng, 1 người bị cách chức, 3 người bị kỷ luật cảnh cáo (sau đó cho thôi chức) và 2 người cho thôi chức vụ.
Ba người bị khai trừ ra khỏi Đảng - tức hình thức kỷ luật cao nhất, gồm các ông Chu Ngọc Anh, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế; ông Phạm Xuân Thắng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương. Điểm chung của ba cựu cán bộ cấp cao này trong quá trình kỷ luật là họ đều liên quan tới vụ án Việt Á, đồng thời cả ba đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra liên quan đến bê bối lớn của ngành y tế Việt Nam này.
Vị Ủy viên Trung ương bị cách tất cả chức vụ trong Đảng là cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam.
Tiếp đó, có ba người khác bị kỷ luật ở mức cảnh cáo và cũng được cho thôi chức vụ Ủy viên Trung ương Đảng gồm: ông Nguyễn Thành Phong, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM; ông Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; ông Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Số lượng 9 Uỷ viên Trung ương Đảng rời Ban chấp hành bằng 90% so với cả nhiệm kỳ trước.
Ở nhiệm kỳ Đại hội XII, reong 5 năm, chỉ có tổng cộng 10 ủy viên Trung ương khóa XII bị kỷ luật (một ủy viên T.Ư được miễn xem xét kỷ luật do bị bệnh).
Có 3 người bị khai trừ Đảng, 2 người bị cách chức, 4 người bị cảnh cáo, 1 người bị khiển trách.
Cùng với đó, việc cho thôi chức (không phải cách chức là một hình thức kỷ luật) đối với các Ủy viên Trung ương Đảng cũng lần đầu tiên được áp dụng tại nhiệm kỳ khóa XIII này.
Bác bỏ luận điệu xuyên tạc kỷ luật cán bộ là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh
Nói về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022 tại Việt Nam, trong cuộc trao đổi với TTXVN, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho hay, năm nay, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, có nhiều điểm mới, đạt nhiều kết quả cụ thể, được cán bộ, đảng viên, nhân dân và dư luận quốc tế đồng tình ủng hộ, đánh giá cao.
“Năm 2022, chúng ta phát hiện, đấu tranh và xử lý một số vụ án lớn nghiêm trọng (vụ Việt Á, FLC, Tân Hoàng Minh, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, AIC và Vạn Thịnh Phát...). Đây là công việc rất khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, nhưng nhờ có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, khách quan, thống nhất cao, được dư luận đồng tình, ủng hộ”, - Tổng Bí thư nói.
Ông cho biết, mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 3/11/2021 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và Thông báo số 20-TB/TW, ngày 8/9/2022 về bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật. Việc ban hành những quy định này là bước tiếp tục hoàn thiện các nguyên tắc và kỷ luật của Đảng, thể hiện tinh thần quyết liệt, mạnh mẽ trong việc xử lý những cán bộ sai phạm, tha hóa, biến chất, kịp thời thay thế những cán bộ không còn đủ năng lực, uy tín, theo phương châm: “Có vào, có ra, có lên, có xuống”.
Trước một số ý kiến cho rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng, tiêu cực sẽ làm “nhụt chí”, “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm, sẽ làm “chậm” sự phát triển đất nước; có thể khẳng định và thực tế đã chứng minh hoàn toàn ngược lại, chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Việt Nam đã giữ vững ổn định chính trị xã hội, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng quan hệ đối ngoại, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân và bạn bè quốc tế; đồng thời bác bỏ luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, cho rằng xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”.
Như vậy, có thể thấy, việc hai Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam thôi tham gia Trung ương Đảng là hoàn toàn bình thường, không có chuyện đấu đá nội bộ, phe cánh, hay tranh giành quyền lực.
“Việc đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng. Tôi đã nhiều lần nói rồi: “Ai không dám làm thì hãy đứng sang một bên để người khác làm”, - Tổng Bí thư khẳng định.