Đến chiều 2/1, các lực lượng chức năng tỉnh Đồng Tháp vẫn tiếp tục dùng máy khoan để làm mềm đất, giảm ma sát, kéo cọc bê tông lên để giải cứu cháu bé đang bị kẹt bên trong suốt hơn 50 giờ qua. Tuy nhiên, tiên lượng về tình trạng sức khoẻ của bé trai rất xấu.
Công binh chi viện cho Đồng Tháp
Sau công điện của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, chỉ đạo các cơ quan liên quan tập trung cứu nạn, khắc phục hậu quả sự cố tai nạn tại công trường thi công dự án cầu Rọc Sen, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, ngay trong chiều nay, lực lượng Công binh của Quân đội đã được chi viện cho Đồng Tháp.
Đến hơn 17h ngày 2/1, Lữ đoàn Công binh 25, Quân khu 9 đã cử 20 cán bộ, chiến sĩ cùng các phương tiện máy móc có mặt tại hiện trường công trình cầu Rọc Sen (nằm trên đường tỉnh 857, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) sẵn sàng phối hợp cùng với lực lượng chức năng địa phương cứu hộ bé trai bị kẹt trong trụ bê tông.
Theo ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp cho biết, lực lượng cứu hộ vẫn tiến hành giải cứu bé trai theo phương án đã đề ra ban đầu.
Trong quá trình thực hiện phát sinh một số tình huống nên phải điều chỉnh để đảm bảo an toàn tốt nhất cho nạn nhân. Theo lời ông Bảo, hiện khối công việc giải cứu cháu bé rất lớn, phải điều động thiết bị, nhân lực.
“Phải có sự phối hợp nhịp nhàng, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và người dân, để quá trình cứu hộ cháu bé thuận lợi”, - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh.
Tình huống khẩn cấp
Theo ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, Quân khu 9 đã cử lực lượng công binh cùng với thiết bị chuyên dụng như máy nội soi thăm dò, thiết bị cưa cắt khối bê tông đến hiện trường, tham gia giải cứu nạn nhân.
“Đây là tình huống khẩn cấp, nguy kịch nên các lực lượng chuyên môn tập trung tại hiện trường với các thiết bị chuyên dụng, nhóm kỹ thuật để giải cứu nạn nhân một cách nhanh nhất”, - ông Bửu lưu ý.
Phương án giải cứu nạn nhân là dùng khoan nhồi và khoan guồng xoắn để phá vỡ kết cấu lớp địa chất xung quanh trụ bê tông để cẩu trụ lên cứu cháu bé.
Lực lượng cứu hộ tại Đồng Tháp đã tập trung sử dụng cần cẩu, máy đào, sà lan, dàn khoan nhồi, giàn khoan guồng xoắn, giàn khoan địa chất và các máy móc phụ trợ khác để phục vụ công tác giải cứu nạn nhân.
Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp trả lời báo chí tại hiện trường.
© Ảnh : Báo Công An Nhân Dân
Hiện, lực lượng cứu hộ đang tập trung làm mềm phần đất xung quanh trụ bê tông để giảm bớt bám dính ma sát.
Khi đủ điều kiện, lực lượng cứu hộ đưa trụ bê tông lên bằng các thiết bị chuyên dụng, đồng thời tiến hành thăm dò bên trong để xem vị trí của nạn nhân và tiến hành cưa cắt trụ bê tông, thực hiện các bước cứu hộ tiếp theo.
Tất cả lực lượng tham gia giải cứu, đại diện ban ngành địa phương đều mong việc giải cứu sẽ sớm có kết quả, không kéo dài để giảm bớt áp lực, lo lắng cho gia đình, dư luận cả nước cũng đặc biệt quan tâm.
Đánh giá đây là vụ giải cứu chưa có tiền lệ tại địa phương tỉnh Đồng Tháp, Phó Chủ tịch Đoàn Tấn Bửu cho hay, lực lượng cứu hộ đã thực hiện các giải pháp để sớm đưa được trụ bê tông lên mặt đất, sau đó cứu hộ bằng các giải pháp tiếp theo bằng thiết bị chuyên dụng trên mặt đất.
“Chúng tôi ưu tiên cho cứu hộ để rút ngắn thời gian, bơm oxy để có dưỡng khí cho nạn nhân”, - theo ông Bửu.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, huyện Thanh Bình cũng đã đến thăm gia đình nạn nhân để động viên tinh thần đồng thời có những hỗ trợ kịp thời để gia đình vững tinh thần trong suốt quá trình cứu nạn, cứu hộ.
Tiên lượng xấu
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp, khoảng 200 người đang tham gia cứu nạn cho cháu bé. Cùng với lực lượng ứng cứu tại chỗ còn có lực lượng Cảnh sát, Quân đội tập trung mọi nguồn lực.
Tiên lượng về sức khỏe của nạn nhân - cháu Thái Lý Hạo Nam, sinh năm 2012, tại xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu cho biết bé trai rơi thẳng xuống trụ bê tông hẹp và sâu nên có khả năng bị đa chấn thương, thêm vào đó, với tình trạng không khí không đảm bảo, nhiệt độ lạnh và không được ăn uống nên tiên lượng sức khỏe của bé rất xấu.
Ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đồng Tháp cho biết, trong chiều nay sẽ sử dụng thiết bị chuyên dùng để khoan giếng có chiều dài 500m được huy động xuống hiện trường cùng 4 kỹ sư vận hành để thăm dò vị trí nạn nhân.
Loại camera này chuyên dùng thăm dò địa chất, có thể thấy hình ảnh kể cả trong môi trường tối. Khi xác định vị trí của người bị nạn, tùy từng vị trí, đội ứng cứu sẽ có biện pháp tương ứng. Tuy nhiên thiết bị này không thể xác định chỉ số sinh tồn của cháu bé.
Không để xảy ra sự cố tương tự
Yêu cầu tập trung cứu hộ nạn nhân trong thời gian sớm nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo các cơ quan chức năng chủ trì, tiếp tục phối hợp với Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng, Bộ GTVT huy động mọi lực lượng, phương tiện cần thiết để tập trung triển khai công tác cứu nạn kịp thời, bảo đảm yêu cầu nhanh nhất, hiệu quả nhất; kịp thời thăm hỏi, động viên gia đình người bị nạn.
Thủ tướng giao Bộ trưởng các Bộ Quốc phòng, Công an, GTVT, Xây dựng khẩn trương huy động chuyên gia và chỉ đạo lực lượng có kinh nghiệm ứng phó sự cố để hỗ trợ địa phương triển khai công tác cứu nạn theo đề nghị của Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đến kiểm tra, chỉ đạo công tác giải cứu.
© Ảnh : Báo Công An Nhân Dân
Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tổ chức theo dõi công tác cứu nạn, khắc phục sự cố nêu trên, kịp thời điều phối, huy động lực lượng, phương tiện để hỗ trợ triển khai công tác cứu nạn theo đề nghị của địa phương theo thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng chỉ đạo xử lý đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ: LĐ-TB&XH, Công an, GTVT, UBND tỉnh Đồng Tháp và các cơ quan có liên quan có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn trong hoạt động xây dựng tại công trình cầu Rọc Sen, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật.
“Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng, GTVT, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm an toàn tuyệt đối trong quá trình thi công các công trình, dự án, không để xảy ra các sự cố, tai nạn tương tự”, - Thủ tướng nhấn mạnh.