Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, tính từ đầu năm 2022 đến nay một số mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Nga có sự tăng trưởng đáng kể. Đáng chú ý, dược phẩm tăng 114,91%.
Việt Nam có quy mô thị trường tương đối lớn với dân số hơn 98 triệu người và tuổi thọ xấp xỉ 76 tuổi. Với nhu cầu ngày càng cao nhờ dân số và tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng, thu nhập được cải thiện cùng các điều kiện môi trường, quy mô của ngành dược Việt Nam có thể đạt 16,1 tỉ USD vào năm 2026, theo dự báo của hãng nghiên cứu thị trường IBM.
Đây là nhận định của Tổng Giám đốc JSC “ORTAT” tại R-Pharm, bà Olga Golovkina khi trao đổi với Sputnik. Với những dư địa tiềm năng hiện có, công ty này đã mở văn phòng đại diện tại Hà Nội (Việt Nam) và đang trong quá trình hoàn tất thủ tục liên quan. Thông qua các triển lãm và diễn đàn được tổ chức tại đây, công ty R-pharm đã làm việc, đàm phán hợp tác với rất nhiều đối tác nhằm xúc tiến đưa
công nghệ y khoa, dược phẩm, thiết bị lĩnh vực y tế của Nga vào Việt Nam cũng như dược phẩm Việt Nam sang Nga.
Việt Nam hiện đảm bảo khoảng 50% số sản phẩm thuốc được sản xuất ở nội địa, nhưng phần lớn nguyên liệu thô phải nhập khẩu từ nước ngoài. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp dược phẩm Nga khi hợp tác với các đối tác Việt Nam. Với bộ phận sáng chế, R&D và các phòng thí nghiệm của riêng mình, Tổng Giám đốc JSC “ORTAT” Olga Golovkina tự tin sẽ đem lại những bước tiến tích cực trong hợp tác ngành y dược hai nước.
“Ngoài sản xuất, chúng tôi cũng mở thêm các phòng thí nghiệm riêng của mình và đầy đủ cơ sở hạ tầng cơ sở sản xuất để có thể sản xuất ra các loại thuốc tốt nhất. Công ty chúng tôi đã phát triển rất mạnh tại thị trường châu Âu, các nước khối SNG, Thổ Nhĩ Kỳ và châu Phi. Hiện chúng tôi có cơ sở tại Đức, Azerbaijan.
Phát triển
hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học cũng là mục tiêu mà doanh nghiệp này hướng đến. Hiện hai nước cũng lên kế hoạch phê duyệt thỏa thuận liên chính phủ về công nhận thuốc của nhau nhằm tạo điều kiện để sản phẩm thuốc của Nga tiếp cận thị trường Việt Nam và ngược lại.
Xét ở góc độ khác, với hệ sinh thái nhiệt đới thuận lợi, Việt Nam có tiềm năng đáng kể để phát triển nguồn dược liệu tự nhiên như sả, quế, nhân sâm, linh chi,… Ngược lại, các dược phẩm được bào chế từ thiên nhiên phù hợp khí hậu hàn đới của Nga như nhung hươu, nấm chaga,… được đông đảo người dân Việt Nam đón nhận. Đây được cho là một thế mạnh và dư địa lớn trao đổi thương mại dược phẩm hai nước.
Có thể thấy, qua đại dịch Covid vừa rồi, nhu cầu về các sản phẩm bảo vệ sức khỏe của người dân tăng lên. Nước Nga có rất nhiều thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, nguyên nhiên liệu, công nghệ và nghiên cứu cơ bản. Trong khi, Việt Nam là thị trường dân số đông với gần 100 triệu người. Ưu điểm về giá thành rẻ và nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học chất lượng cao sẽ là động lực và niềm tin để phát triển phương thức chữa bệnh cũng như sản phẩm
y học cổ truyền của Việt Nam sang Nga.
Nhằm xúc tiến, hỗ trợ cung cấp và tiêu thụ các sản phẩm dược liệu giữa thị trường Việt Nam và Liên bang Nga, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân hai nước, trao đổi với Sputnik, ông Trần Văn Tám cho hay:
Nga và Việt Nam đã phối hợp rất hiệu quả trong cuộc chiến chống COVID-19. Sau đại dịch, với nhiều kết quả tích cực đạt được tại các hội nghị bàn tròn, doanh nghiệp hai bên đã có những kết nối ban đầu cụ thể, rõ ràng để vạch ra kế hoạch triển vọng tiếp theo. Việc hợp tác chặt chẽ sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên trong lĩnh vực y tế, dược phẩm và công nghiệp y tế, phát triển các thiết bị y tế.
Đây cũng là cách kết hợp thế mạnh của hai nước để tạo ra hiệu ứng tổng hợp, góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Liên bang Nga và Việt Nam.