Ông Lê Viết Hải nói về nội chiến quyền lực ở Xây dựng Hoà Bình và cú ‘quay xe phút chót’

MOSKVA (Sputnik) - Những diễn biến bất ngờ liên quan đến việc tranh giành "ghế nóng" Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HBC) giữa ông Lê Viết Hải - Nguyễn Công Phú đang thu hút sự chú ý rất lớn từ dư luận.
Sputnik
Ông Lê Viết Hải vừa định lui về phía sau để đưa con trai Lê Viết Hiếu lên nắm quyền thì bất ngờ xảy ra cuộc ‘nội chiến’ tranh giành quyền lực lãnh đạo ở Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HBC) khiến “ông trùm” xây dựng Việt Nam phải đột ngột ‘quay xe’ ngay vào phút chót.

Ai mới là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình?

Người ta xôn xao về việc Xây dựng Hoà Bình bỗng có hai Chủ tịch hay ai mới là lãnh đạo cao nhất, nắm quyền điều hành mọi hoạt động của HBC – ông Lê Viết Hải hay ông Nguyễn Công Phú?
Trước đó, như Sputnik đã thông tin, ông Lê Viết Hải hồi tháng 12/2022 cho biết ông có kế hoạch từ đầu năm 2023 sẽ thôi làm Chủ tịch và thành viên HĐQT vì theo quy định, tổng giám đốc công ty không được có quan hệ trực hệ với thành viên trong HĐQT. Cần lưu ý rằng, quy định này khiến cho HBC không có Tổng giám đốc.
Chức danh Tổng giám đốc vốn được con trai ông Lê Viết Hải là Lê Viết Hiếu đảm nhận từ năm 2020. Tuy nhiên đến tháng 7, ông Hiếu rời vị trí này và được bổ nhiệm vào chức danh Phó Tổng giám đốc thường trực của Xây dựng Hòa Bình. Từ ngày 9/8/2022, ông Hiếu tiếp tục được bổ nhiệm giữ vị trí Phó Chủ tịch HĐQT.
Khoản 5 điều 162 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định, giám đốc hoặc tổng giám đốc của công ty đại chúng không được là người có quan hệ gia đình của người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên của công ty và công ty mẹ; người đại diện phần vốn Nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ. Do đó, ông Lê Viết Hải mới quyết định rút lui để đưa con trai lên nắm quyền điều hành các hoạt động chính yếu của HBC. Tuy nhiên, cuộc "nội chiến quyền lực" ở Xây dựng Hoà Bình cũng bắt đầu nổ ra.
Thông tin với báo chí sáng 3/1 về những nội dung liên quan đến tranh chấp vị trí lãnh đạo Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, ông Lê Viết Hải khẳng định cuộc họp HĐQT ngày 31/12/2022 để ban hành các nghị quyết về việc ông Hải tiếp tục làm Chủ tịch HĐQT từ ngày 1/1 là "hoàn toàn hợp lệ".
"Họ không thể vào họp rồi mà nói là không tham dự được", - ông Hải khẳng định trên Dân Trí.
Theo ông, trong cuộc họp hôm đó, các thành viên HĐQT đã trình bày quan điểm của mình.
"Hai bên đều đã thảo luận, làm sao họ nói không dự họp được. Cái đó là họ sai rồi. Việc họp là bắt buộc chứ họ đâu có thể từ chối họp được", - ông Lê Viết Hải bức xúc.
Hôm 14/12/2022, HĐQT Tập đoàn Hòa Bình thông qua nghị quyết để ông Lê Viết Hải thôi làm Chủ tịch từ ngày 1/1/2023, ông Nguyễn Công Phú được bầu thay thế vị trí này. Tập đoàn Xây dựng này sẽ thành lập Hội đồng sáng lập do ông Hải làm chủ tịch. Hội đồng sáng lập và HĐQT sẽ cùng quyết định các vấn đề quan trọng của công ty dựa trên nguyên tắc đồng thuận. Do đó, ông Hải vẫn có quyền quyết định đối với các hoạt động trọng yếu của Tập đoàn Hòa Bình.
Đến ngày 1/1, HĐQT Hòa Bình ra nghị quyết hoãn việc thi hành các nghị quyết đã ban hành ngày 14/12/2022. Điều này đồng nghĩa với việc ông Lê Viết Hải tiếp tục làm Chủ tịch HĐQT Hòa Bình.
Ngay sau đó, nhóm ông Nguyễn Công Phú lại lên tiếng cho rằng mình mới là Chủ tịch HĐQT Hòa Bình từ ngày 1/1 theo đúng nghị quyết đã ban hành ngày 14/12/2022. Ông Phú cho biết cuộc họp HĐQT ngày 31/12/2022 chỉ có 4 trong số 8 thành viên dự họp nên không hợp lệ. Do đó, nghị quyết về việc hoãn thi hành các nghị quyết đã được cuộc họp ngày 14/12/2022 thông qua cũng không có hiệu lực.

Không loại trừ động cơ thâu tóm Xây dựng Hoà Bình

Ngay trong ngày 3/1, ông Lê Viết Hải đã có tâm thư gửi cán bộ, nhân viên công ty Xây dựng Hoà Bình.
Trong đó, ông Lê Viết Hải một lần nữa khẳng định chỉ những thông tin được phát ngôn chính thức bởi ông (Lê Viết Hải) - người đại diện theo pháp luật của Hòa Bình - mới có giá trị và phản ánh đúng sự thật về tình hình tập đoàn.
"Những phát ngôn hay trình bày của bất kỳ các cá nhân nào khác, dưới bất kỳ hình thức nào đều là không chính thức và không thể hiện ý chí của Hòa Bình hay hướng đến việc bảo vệ lợi ích chung cho công ty, cho các cổ đông và toàn thể cán bộ, công nhân viên", ông Lê Viết Hải nêu rõ.
Một trong những ‘ông trùm’ xây dựng nổi tiếng của Việt Nam khẳng định rằng những cá nhân nói trên (tức nhóm ông Nguyễn Công Phú), chủ yếu là những người không phải là cổ đông của công ty, đang thực hiện các hành vi sai trái không chỉ nhằm bôi nhọ uy tín, danh dự của các lãnh đạo và cổ đông sáng lập mà còn nhằm mục đích chiếm quyền quản lý tập đoàn.
"Không loại trừ động cơ tiếp tay cho các thế lực, tài lực nhằm thâu tóm công ty", - ông Hải cảnh báo.
Ông Lê Viết Hải khẳng định bản thân và các cổ đông quản lý, điều hành công ty sẽ nỗ lực bằng tất cả nguồn lực để ngăn cản bất kỳ hành vi nào ảnh hưởng xấu đến sự bền vững và phát triển của tập đoàn.
Chuyện gì đang xảy ra ở đế chế xây dựng hàng đầu Việt Nam của ông Lê Viết Hải?

Kẻ bội ước

Trong lập luận phản bác, nhóm ông Nguyễn Công Phú cho rằng, việc thông qua bất kỳ quyết định nào đều là không hợp lệ.
"Chúng tôi đã thông báo cho Ủy ban Chứng khoán Việt Nam và các cơ quan tư pháp liên quan về tất cả các động thái vi phạm quy chế, quy định của ông Lê Viết Hải trong những ngày vừa qua. Chúng tôi sẽ tiếp tục có những hành động thích hợp để đảm bảo các quyết định của HĐQT trong cuộc họp ngày 13/12/2022 được tuân thủ thực hiện đầy đủ và đúng pháp luật", - nhóm ông Nguyễn Công Phú nói.
Thậm chí, nhóm ông Phú còn cáo buộc do sự điều hành yếu kém của ông Lê Viết Hải trong nhiều năm, tập đoàn giờ đang đối diện với muôn vàn khó khăn, trong đó có vấn đề tài chính.
"Việc HĐQT thông qua quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Công Phú làm người đứng đầu tập đoàn nhằm mục tiêu duy nhất - khắc phục tình trạng khó khăn và thực hiện những cải cách tất yếu để đảm bảo sự phát triển của tập đoàn Hòa Bình trong tương lai", - thông cáo viết.
Nhóm này cũng khẳng định ông Nguyễn Công Phú mới là Chủ tịch hợp pháp của Tập đoàn Hòa Bình kể từ 01/01/2023.
Về phần mình, ông Lê Viết Hải nói thẳng rằng, ông không thể giao việc điều hành quản lý công ty mà mình sáng lập nên cho người không giữ chữ tín quản lý.
"Họ đã xác định với tôi là sẽ phối hợp chặt chẽ, bàn thảo kỹ lưỡng và làm việc với nhau trên nguyên tắc đồng thuận. Nhưng ngay việc này họ đã thể hiện sự bội ước, không giữ lời hứa", - ông Hải nhấn mạnh.
Liên quan đến những thông tin bất nhất hiện nay liên quan đến vị trí lãnh đạo của doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến Hòa Bình, ông Lê Viết Hải cho hay sẽ có cách xử lý.
Trên sàn giao dịch chứng khoán, cổ phiếu HBC sáng 3/1 giảm giá nhẹ còn 9.140 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa doanh nghiệp tương ứng đạt hơn 2.500 tỷ đồng.
Dữ liệu WiChart cho thấy, cá nhân ông Lê Viết Hải đang sở hữu 16% cổ phần Hòa Bình, cũng là cổ đông lớn nhất của tập đoàn. Vợ ông Hải - bà Bùi Ngọc Mai cũng nắm giữ 1,7% cổ phần công ty.
Các cổ đông lớn tiếp theo gồm Hyundai Elevators (10,3%), quỹ đầu tư Korea Investment Management (4,8%), quỹ KIM Vietnam Growth Equity (4,5%), PYN Elite Fund (3,8%).
Hiện Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình đang nỗ lực tìm tiếng nói chung, sớm đưa ra giải pháp hài hoà lợi ích các bên để ổn định bộ máy lãnh đạo nội bộ doanh nghiệp.
Thảo luận