Cả hai đều có lợi thế về môi trường kinh doanh ổn định, lực lượng lao động dồi dào, hạ tầng cải thiện và tiến bộ trong thiết kế sáng tạo. Từ đây, một cuộc cạnh tranh ngầm đang nổ ra.
Ngân hàng JPMorgan cho biết, Apple sẽ chuyển 20% dây chuyền sản xuất iPad, 5% MacBook, 20% Apple Watch và 65% AirPods sang Việt Nam vào năm 2025. Những động thái này sẽ đưa Việt Nam nổi lên như một trung tâm sản xuất linh kiện và cung cấp dịch vụ sản xuất EMS hàng đầu khu vực.
Trong khi đó, Ấn Độ cũng đang nổi lên là một trung tâm sản xuất lớn của Apple. Xuất khẩu iPhone từ Ấn Độ đã đạt 1 tỉ USD trong 5 tháng, kể từ tháng 4/2022. Vừa qua, “Táo khuyết” cũng tuyên bố sản xuất iPhone 14 tại Ấn Độ, một bước đi trong chiến lược đa dạng hóa của hãng. Theo các chuyên gia JPMorgan, đến năm 2025, sẽ có khoảng 25% số iPhone mà Apple sản xuất được gắn nhãn Made in India.
So với Ấn Độ, Việt Nam có một số lợi thế nhất định về cạnh tranh. Theo đó, từ gia công OEM, Việt Nam đang dần leo lên bậc thang cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là trong lĩnh vực điện tử.
Vừa qua, Samsung đã khai trương trung tâm R&D phục vụ cho thị trường Đông Nam Á với giá trị 220 triệu USD. Trung tâm này sẽ tập trung nhiên cứu về trí tuệ nhân tạo (A.I), mạng 5G, dữ liệu lớn (Big Data), smartphone và máy tính bảng.
Tương tự, Panasonic đã đầu tư trung tâm nghiên cứu về công nghệ lọc không khí, máy giặt ở Bình Dương và Hưng Yên. Trong khi đó, Boeing đang dự định mở rộng chuỗi cung ứng và mở rộng sự hiện diện tại thị trường Việt Nam.
Trong bảng xếp hạng Chỉ số Sáng tạo toàn cầu Global Innovation Index năm 2022, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 48 trong tổng số 132 quốc gia được xếp hạng, với 12 năm cải thiện liên tục. Ấn Độ với vị trí thứ 40 cũng xếp trên đó không xa. Việt Nam là quốc gia thuộc Top đầu về xu hướng đầu tư xanh, kinh tế số.
Tập đoàn bất động sản Savills thời gian qua đã ghi nhận sự gia tăng mức độ quan tâm của các nhà đầu tư đến thị trường Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, gồm sản xuất, bán lẻ, logistics, văn phòng và nhà ở.
Những diễn biến trên cho thấy thấy sức hút mạnh mẽ của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư, mặc cho bối cảnh kinh tế thế giới với nhiều biến động.
“Họ coi đây là một nơi hấp dẫn để kinh doanh với dân số trong độ tuổi lao động lớn và nhiều chính sách hấp dẫn. Việt Nam là thị trường có mức tăng trưởng tích cực, phù hợp để kinh doanh tiếp tục đầu tư trong thời gian dài với rủi ro thấp và tỉ lệ lạm phát được kiềm chế ở mức an toàn”, - báo Nhịp cầu đầu tư dẫn lời ông Neil MacGregor - Tổng Giám đốc Savills Việt Nam.
Về phần mình, ông Filippo Bortoletti, Giám đốc Dezan Shira & Associates, cho rằng Việt Nam có lợi thế khi GDP bình quân đầu người cao hơn Ấn Độ. Tỉ lệ nợ trên GDP của Việt Nam cũng thấp hơn Ấn Độ đáng kể. Điều này có nghĩa là mức độ phụ thuộc nước ngoài của Việt Nam thấp hơn.
Lạm phát ở Việt Nam thấp hơn ở Ấn Độ ít nhiều đảm bảo sự ổn định của giá nguyên vật liệu và các chi phí khác - một yếu tố quan trọng trong thời kỳ bất ổn. Trong khi đó, đồng rupee của Ấn Độ được thả nổi tự do với tỉ giá hối đoái do thị trường quyết định, khiến cho đồng tiền này dao động với biên độ khá lớn mỗi khi gặp cú sốc kinh tế.
Ở chiều ngược lại, Ấn Độ cũng có những lợi thế riêng mình. Là nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á, với dân số hơn 1 tỉ dân, Ấn Độ rõ ràng có sức hút đáng kể. Nước này còn sở hữu thị trường nội địa rộng lớn, lực lượng lao động dồi dào, chi phí thấp.
Ông Filippo Bortoletti cho hay, Ấn Độ có thể giữ được lợi thế lực lượng lao động dồi dào với giá cả phải chăng. Về điều này, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật (JICA) cho rằng Việt Nam sẽ sớm mất lợi thế so sánh về lao động giá rẻ do tác động của già hóa dân số và chi phí lao động tăng. Cách tốt nhất là tăng năng suất lao động, nhưng điều này sẽ tốn khá nhiều thời gian.
Có thể thấy, cuộc đua giành dòng vốn rời khỏi Trung Quốc giữa Việt Nam và Ấn Độ sẽ còn nóng hơn trong thời gian tới. Trong những năm qua, Chính phủ Ấn Độ đã liên tiếp triển khai nhiều chính sách cải cách kinh tế. Lấy ví dụ, nội các của Thủ tướng Narendra Modi là thúc đẩy năng lực sản xuất của Ấn Độ với sáng kiến "Sản xuất tại Ấn Độ", nhằm thúc đẩy đầu tư và phát triển hơn 20 ngành công nghiệp, làm nền tảng cho sự phát triển về sản xuất của nước này.
Năm 2020, Ấn Độ mạnh tay chi tới 20 tỉ USD để thu hút các công ty nước ngoài chuyển dịch sản xuất. Vào tháng 10/2022, Thủ tướng Modi đã phê duyệt đề án "Pradhan Mantri Gati Shakti" với ngân sách 1.200 tỉ USD nhằm đầu tư hạ tầng để đón đầu các nhà máy dịch chuyển từ Trung Quốc.
Trong khi đó, Việt Nam đang chịu một số hạn chế khi chi phí logistics còn khá cao, lên tới 20,9% GDP. Trong khi đó, con số tương ứng của Ấn Độ chỉ khoảng 13-14% GDP. Thời gian tới, Việt Nam sẽ cần tiếp tục và ưu tiên hơn nữa nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa các phương thức giao nhận, tăng cường tính kết nối và cắt giảm tối đa chi phí vận chuyển hàng hóa.
Ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng Đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật (JETRO) tại TP.HCM, cho rằng Việt Nam cần chuẩn bị nguồn năng lượng xanh và ổn định để bảo đảm sản xuất không bị gián đoạn. Đối với Việt Nam, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo vẫn là yêu cầu cấp thiết.