Trong khi đó, CTCP Tập đoàn FLC chiều 5/1 có thông báo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, về việc HĐQT công ty nhận được đơn từ nhiệm chức vụ Phụ trách bộ phận Kiểm toán nội bộ của ông Nguyễn Mạnh Cường vì lý do cá nhân.
Cổ phiếu HBC bị bán mạnh
Ngày 6/1, trên sàn giao dịch, lực bán hiện diện ngay từ những phút đầu, tạo áp lực đè nặng suốt khoảng thời gian trong phiên sáng.
Lực bán mạnh khiến phần lớn các cổ phiếu đỏ điểm mà không có nhịp hồi nào trong phiên. Trong đó, HBC của Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình, PLC, KSB, HBC, CTD, HTN, VCG, HHV, C4G, FCN, LCG đồng loạt giảm điểm khá mạnh và đóng cửa tại trong sắc đỏ với mức giảm từ 0,5-6,3%.
Trong đó, phiên hôm nay, giá đóng của của HBC ở mức 8.650 đồng/ cổ phiếu, giảm 6,28% với khối lượng giao dịch đạt trên 6,3 triệu cổ phiếu.
Phiên trước đó, cổ phiếu của Xây dựng Hoà Bình cũng giảm sản, mất 3,95% và đóng cửa phiên 5/1 ở mức 9.230 đồng/ cổ phiếu.
Trong bối cảnh biến động nhân sự, xung đột quyền lực căng thẳng giữa hai ông Lê Viết Hải – Nguyễn Công Phú, ghế nóng Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình hiện chưa ngã ngũ. Tuy nhiên, chính diễn biến nóng liên tục, các tranh cãi, phản pháo nổ ra không ngừng từ ngày 31/12 đến nay khiến cổ phiếu HBC ghi nhận đà giảm đáng lo ngại.
Năm 2022, cùng với đà lao dốc của thị trường chứng khoán, HBC có thời điểm “bốc hơi” gần 80% thị giá. Từ mức cao nhất hơn 31.000 đồng/cổ phiếu, HBC lao dốc chạm đáy vào ngày 15/11, xuống 6.750 đồng/cổ phiếu. Theo thông tin được báo Tiền phòng phản ánh, tính từ đáy ngày 15/11, chỉ qua 1,5 tháng, đến hết năm 2022, HBC hồi phục 27%.
Đà hồi phục của HBC đi cùng xu hướng khởi sắc của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, bước sang năm 2023, diễn biến nóng tại HBC khiến cổ phiếu của tập đoàn này trở nên kém hấp dẫn đặt trong bối cảnh xảy ra “nội chiến” ghế Chủ tịch tập đoàn và nhiều thông tin xấu xung quanh sự việc.
Hai phiên gần nhất, cổ phiếu của Xây dựng Hoà Bình mất 10% thị giá. Phiên ngày hôm nay, cùng với đà giảm trên 6%, HBC bị bán mạnh, thanh khoản tăng gấp đôi, đạt khối lượng giao dịch trên 6 triệu cổ phiếu.
Điều đáng nói, mức giảm của HBC được đánh giá là khá mạnh so với thị trường nói chung và nhóm xây dựng, nhà thầu nói riêng.
Hôm nay, Sàn Giao dịch Chứng khoán TP.HCM HoSE vẫn chưa công bố Nghị quyết 53/2022 của HĐQT Tập đoàn Hòa Bình ban hành ngày 31/12/2022. Theo Nghị quyết 53/2022, HĐQT Hòa Bình thông qua việc hoãn thi hành đơn từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT và Thành viên HĐQT của ông Lê Viết Hải; hoãn việc thi hành việc bổ nhiệm Tổng giám đốc là ông Lê Viết Hiếu; hoãn bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Công Phú.
Hiện, ông Lê Viết Hải là cổ đông lớn nhất tại Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình khi sở hữu gần 47 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 17,14% vốn công ty.
Nhiều cá nhân là thành viên gia đình ông Hải cũng sở hữu hàng triệu cổ phiếu HBC đưa tổng sở hữu của gia đình ông Hải là hơn 58 triệu đơn vị, tương đương chỉ còn hơn 21% vốn công ty. Trong khi đó, danh sách cổ đông lớn HBC không có tên ông Nguyễn Công Phú.
Người Phụ trách Kiểm toán nội bộ của FLC từ chức
Hội đồng Quản trị CTCP Tập đoàn FLC (HoSE: FLC) ngày 04/01 thông báo nhận được đơn từ nhiệm chức vụ Phụ trách bộ phận Kiểm toán nội bộ của ông Nguyễn Mạnh Cường.
Ông Nguyễn Mạnh Cường là người phụ trách kiểm toán nội bộ của FLC. Tập đoàn cũng cho hay, ông Cường từ chức ‘vì lý do cá nhân’.
Ngày 5/1, CTCP Tập đoàn FLC cho biết HĐQT Công ty sẽ họp và xem xét thông qua việc miễn nhiệm ông Nguyễn Mạnh Cường theo quy định của pháp luật và điều lệ hiện hành của Công ty. Trước đó, ông Cường được bổ nhiệm vào vị trí này ngay khi FLC có quyết định thành lập Bộ phận Kiểm toán nội bộ trực thuộc HĐQT vào ngày 26/10/2021.
‘Sếp’ phụ trách Kiểm toán nội bộ của FLC từ chức trong bối cảnh tập đoàn này đang gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thiện báo cáo tài chính soát xét năm 2021.
Ngày 20/09/2022, FLC đã thanh lý hợp đồng cung cấp dịch vụ kiểm toán ký ngày 21/07 với Công ty TNHH Kiểm toán An Việt với lý do đơn vị này không bố trí được thời gian và nhân sự để cung cấp dịch vụ kiểm toán theo quy định của hợp đồng đã ký kết.
Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY (UHY) sẽ là đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm toán các BCTC năm 2021 của FLC.
Do chưa có BCTC soát xét và báo cáo thường niên 2021, FLC vẫn chưa thể tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2022. Trước đó, như Sputnik đã thông tin, do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ về công bố thông tin, cổ phiếu FLC đã bị đình chỉ giao dịch từ ngày 09/09/2022.
Nhiều biến động nhân sự tại FLC
Trong một động thái liên quan, Tập đoàn FLC vừa bổ nhiệm bà Trần Thị Hương giữ chức Phó Tổng Giám đốc từ ngày 22/12/2022.
Trước đó, đầu tháng 10/2022, FLC bổ nhiệm hai Phó Tổng mới là ông Nguyễn Chí Công và ông Lê Doãn Linh. Việc bổ nhiệm nhiều lãnh đạo mới diễn ra trong bối cảnh FLC đang củng cố đội ngũ nhân sự cấp cao, hướng tới mục tiêu sắp xếp, cải tổ toàn diện và mạnh mẽ trong giai đoạn mới.
FLC bổ sung hai nhân sự cấp cao sau khi ba Phó Tổng Giám đốc từ nhiệm trong vòng ba tháng là bà Vũ Đặng Hải Yến vào ngày 14/07, ông Lã Quý Hiển vào ngày 15/09 và bà Võ Thị Thùy Dương vào ngày 01/10.
Ban điều hành của FLC hiện có 9 người, gồm Tổng Giám đốc Bùi Hải Huyền, các Phó Tổng Giám đốc: Đàm Ngọc Bích, Trần Thế Anh, Lê Thị Trúc Quỳnh, Đặng Thị Lưu Vân, Đỗ Việt Hùng, Lê Doãn Linh, Nguyễn Chí Công và bà Trần Thị Hương mới được bổ nhiệm.
Hiện, FLC đang nỗ lực tập trung cho quá trình kiểm toán để sớm công bố BCTC. Nếu FLC không thể công bố báo cáo tài chính đã được kiểm toán, nguy cơ bị hủy niêm yết là hiện hữu.
Cụ thể, theo Điểm h, Khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020 quy định cổ phiếu công ty đại chúng bị huỷ bỏ niêm yết nếu tổ chức kiểm toán không chấp nhận thực hiện kiểm toán hoặc có ý kiến kiểm toán trái ngược hoặc từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm gần nhất của tổ chức niêm yết hoặc có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp.