Nóng: Ông Lê Viết Hải triệu tập Đại hội bất thường, sẽ có ‘biến’ lớn ở Xây dựng Hoà Bình?

Diễn biến mới cuộc chiến quyền lực giữa ông Lê Viết Hải và nhóm ông Nguyễn Công Phú tại Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HBC).
Sputnik
Theo đó, ông Lê Viết Hải dùng quyền cổ đông lớn yêu cầu triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường HBC để bãi nhiệm một số Thành viên HĐQT. Liệu sẽ có cuộc ‘đổi ngôi’ hay biến động lớn ở Xây dựng Hoà Bình hay không?

Ông Lê Viết Hải triệu tập Đại hội bất thường

Trong một diễn biến mới tại Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HBC), chiều tối muộn ngày 8/1, truyền thông đưa tin rầm rộ về việc ông Lê Viết Hải triệu tập Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) bất thường bãi nhiệm một số thành viên HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình.
Theo thông tin được báo giới Việt Nam phản ánh, ông Lê Viết Hải đã dùng quyền là cổ đông lớn nhất của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình )với tỷ lệ nắm giữ 17,14% cổ phần), yêu cầu triệu tập Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường.
Trong đó chương trình họp Đại hội bất thường bao hàm những nội dung chính sau:
Thứ nhất: Thông qua việc bãi nhiệm một số thành viên HĐQT;
Thứ hai: Thay đổi một số quy định trong Điều lệ của Công ty;
Thứ ba: Bầu bổ sung một số thành viên HĐQT mới;
Thứ tư: Đính chính và làm sáng tỏ các thông tin tài chính của Công ty đã bị nhóm Ông Nguyễn Công Phú công bố không chính xác và diễn giải sai lệch.
Tập đoàn Hòa Bình hiện đang là công ty đại chúng, niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán nên sẽ tuân thủ theo quy định của luật Doanh nghiệp, đồng thời theo điều lệ đã được cổ đông thông qua.

Căng thẳng thượng tầng tại HBC

Cần nhấn mạnh rằng, Đại hội được yêu cầu triệu tập diễn ra giữa căng thẳng thượng tầng.
Như Sputnik đã đề cập, kể từ đêm 31/12/2022 đến ngày 1/1/2023, hai phía gồm các nhóm của ông Lê Viết Hải và ông Nguyễn Công Phú liên tục lên tiếng phản bác nhau, cùng khẳng định mình mới chính là Chủ tịch HĐQT hợp pháp của HBC.
Cuộc chiến quyền lực ở Xây dựng Hoà Bình bắt đầu từ khi ông Lê Viết Hải quyết định từ nhiệm vị trí chủ tịch HĐQT, giao cho ông Nguyễn Công Phú - thành viên HĐQT độc lập làm chủ tịch HĐQT từ 1/1/2023 để tạo điều kiện cho ông Lê Viết Hiếu, con trai ông Hải nắm giữ ghế tổng giám đốc nhằm đáp ứng tính pháp lý theo luật Doanh nghiệp hiện hành, người nắm giữ chức vụ tổng giám đốc không được có quan hệ gia đình với người quản trị doanh nghiệp.
Tuy nhiên, sau đó, ông Hải lại “quay xe”, đồng thời, Hòa Bình công bố Nghị quyết 53 ngày 31/12/2022 được HĐQT thông qua về việc hoãn thi hành đơn xin từ nhiệm (ký 12/12/2022) chức vụ chủ tịch HĐQT của ông Lê Viết Hải kể từ 1/1/2023 cũng như hoãn thi hành đơn từ nhiệm của ông Lê Viết Hải xin rút khỏi tư cách thành viên HĐQT. Bên cạnh đó, hoãn thi hành việc thành lập Hội đồng sáng lập do ông Hải đứng đầu trước đó. Nghị quyết cũng thông qua hoãn thi hành việc bổ nhiệm chức vụ tổng giám đốc cho ông Lê Viết Hiếu; hoãn thi hành việc bầu ông Nguyễn Công Phú vào chức vụ chủ tịch HĐQT.
Đến nay, hai bên vẫn đang tiếp tục công kích nhau và đều tuyên bố có thể cùng nhau ra toà.

‘Chỉ có ông Nguyễn Công Phú là không tán thành’

Vừa qua, Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình cũng đã có giải trình với Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) về việc triệu tập cuộc họp HĐQT vào ngày 31/12/2022.
Cụ thể, trước đó nhằm ngày 13/12/2022, HĐQT cũng đã họp và ban hành 2 Nghị quyết gồm Nghị quyết 50/2022/NQ-HĐQT.HBC (NQ 50) về việc chấp thuận đơn từ nhiệm khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT của ông Lê Viết Hải từ ngày 1/1/2023 cùng đơn từ nhiệm khỏi HĐQT của ông Hải, song song thành lập Hội đồng sáng lập.
Nghị quyết 51/NQ-HĐQT/HBC (NQ 51) về việc bầu ông Nguyễn Công Phú làm Chủ tịch HĐQT từ ngày 1/1/2023. Sau khi 2 Nghị quyết trên ban hành thì việc quản trị, điều hành doanh nghiệp phát sinh một số bất cập liên quan đến cơ chế hoạt động và vận hành của Hội đồng sáng lập. Đồng thời, việc thay đổi nhân sự cho vị trí Chủ tịch HĐQT có thể dẫn đến không đảm bảo thông suốt hoạt động của Công ty tại thời điểm cận kề Tết Nguyên Đán 2023.
Do đó, HĐQT cho rằng cần thiết dừng nghị quyết 50 và 51 để củng cố cơ sở pháp lý và thiết lập vững mô hình hoạt động mới. Ngay ngày 31/12/2022, HĐQT đã họp và ban hành Nghị quyết 53/2022/NQ-HĐQT.HBC với nội dung hoãn thi hành NQ 50 và NQ 51.
Tập đoàn Xây dựng HBC cũng giải trình rõ, Chủ tịch HBC là ông Lê Viết Hải đã triệu tập cuộc họp HĐQT vào ngày 31/12/2022 theo đề nghị bằng văn bản ít nhất 2 Thành viên HĐQT phù hợp với quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 30 Điều lệ Công ty và điểm c, khoản 3, Điều 157 Luật Doanh nghiệp 2020.
Thông báo mời họp được gửi đến tất cả các Thành viên HĐQT trước ngày họp theo quy định tại khoản 6, Điều 30 Điều lệ Công ty và khoản 6, Điều 157 Luật Doanh nghiệp 2020.
“Phản hồi của tất cả các Thành viên HĐQT đều có nội dung đề cập về việc đã nhận được thông báo mời họp”, thông báo của HBC khẳng định.
Cuộc họp HĐQT lần 1 được tổ chức trực tuyến đã không có đủ số lượng Thành viên HĐQt tham dự. Do đó, cuộc họp lần 2 đã được diễn ra từ lúc 13:30 đến 23:40 ngày 31/12/2022 với số thành viên HĐQT tham dự họp trực tuyến là 5/8 thành viên (hơn 10h đồng hồ).
Ông Lê Viết Hải nói về nội chiến quyền lực ở Xây dựng Hoà Bình và cú ‘quay xe phút chót’
Căn cứ vào khoản 12, Điều 30 Điều lệ Công ty và khoản 12, Điều 157 Luật Doanh nghiệp 2020, Nghị quyết của HĐQT được thông qua nếu đa số thành viên tham dự họp tán thành, trường hợp số phiếu đi ngang thì quyết định cuối cùng thuộc về phía có ý kiến của Chủ tịch HĐQT.
“Như vậy, với 3/5 phiếu biểu quyết tán thành thì Nghị quyết 53 của HĐQT đã được thông qua hợp lệ”, HBC xác nhận.
Biên bản cuộc họp chỉ có ông Nguyễn Công Phú là không tán thành. Còn lại, ông Lê Viết Hải, ông Lê Viết Hiếu, ông David Martin Ruiz tán thành và ông Nguyễn Tường Bảo không có ý kiến.
Những diễn biến nóng liên quan đến Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình và cuộc chiến quyền lực giành ghế Chủ tịch giữa hai ông Lê Viết Hải – Nguyễn Công Phú hiện vẫn đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư và dư luận.
Thảo luận