Lệnh cấm của EU làm khó gỗ Việt Nam

Thời gian tới, khi lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp liên quan đến phá rừng được thông qua, việc xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Liên minh châu Âu (EU) được dự báo sẽ trở nên khó khăn hơn.
Sputnik
Để sớm thực hiện được mục tiêu xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt kim ngạch 25 tỷ USD đến năm 2030, các doanh nghiệp Việt cần nỗ lực đảm bảo tính hợp pháp, đồng thời mở rộng năng lực cung ứng nguyên liệu trong thời gian tới.

EU siết chặt kiểm soát nguồn gốc gỗ xuất khẩu

Theo Bộ Công Thương, năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt khoảng 15,8 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2021.
Trong khi đó, theo Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, những năm qua, thương hiệu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam đã khẳng định được vị thế tuyệt đối tại thị trường trong nước, xây dựng hình ảnh Việt Nam là quốc gia sản xuất gỗ và sản phẩm gỗ hàng đầu trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, khó khăn ngày càng gia tăng trên con đường đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến gỗ xuất khẩu thế giới – từ suy giảm nhu cầu, đơn hàng bị cắt mạnh do suy thoái, lạm phát, đến tín dụng, lãi suất ngân hàng tăng cao, lượng hàng tồn kho tăng đến trở ngại trong kiểm soát truy xuất nguồn gốc gỗ.
Xuất khẩu đứng top đầu thế giới nhưng gỗ Việt Nam vẫn “vô danh” ở nước ngoài
EU ban hành lệnh cấm làm khó ngành xuất khẩu hàng tỷ đô la của Việt Nam. Theo đó, vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành dự luật mới, cụ thể là cấm xuất khẩu vào thị trường châu Âu những sản phẩm nông nghiệp như cà phê, cao su, đậu nành, gỗ, dầu cọ… có liên quan đến tình trạng phá rừng trên toàn cầu.
Ngày 6/12, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận cấm nhập khẩu một số sản phẩm được xem là yếu tố chính thúc đẩy phá rừng, trong đó có cà phê, ca cao và đậu nành. Như vậy, các công ty bán những sản phẩm nói trên được yêu cầu phải đảm bảo những sản phẩm này không phải được sản xuất trên những khu đất hình thành từ việc phá rừng.
Nói cách khách, ở sân chơi châu Âu và thế giới, nhiều thị trường nhập khẩu đều đặt ra điều kiện sản phẩm phải được sản xuất từ gỗ có chứng chỉ rừng bền vững (FSC). Nếu lô hàng đó không đảm bảo truy xuất nguồn gốc thì sẽ bị trả lại.
Khi dự luật này chính thức được áp dụng, xuất khẩu đồ gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường 27 nước thành viên EU sẽ phải chịu nhiều rào cản hơn, nhất là nếu ngành sản xuất, xuất khẩu gỗ không tuân thủ nghiêm các quy định mới từ nhà nhập khẩu.

EU trong nhóm thị trường xuất khẩu chính của gỗ Việt Nam

Những năm qua, đồ gỗ là mặt hàng xuất khẩu quan trọng, đóng góp kim ngạch xuất khẩu hàng năm trên chục tỷ USD, ví dụ như năm 2021 là 14,7 tỷ USD.
Thống kê cho thấy, trong những năm qua, gỗ khai thác từ rừng trồng trong nước là nguồn cung chủ yếu và quan trọng, đáp ứng khoảng 75% nhu cầu nguyên liệu, giúp cho ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ của Việt Nam liên tục tăng trưởng.
Dù vậy, tình trạng sụt giảm đơn hàng đã khiến xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong quý IV/2022 chỉ đạt 3,6 tỷ USD, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy vậy, đến hết năm 2022, toàn ngành vẫn đạt mức 15,8 tỷ USD, tăng 7%, chiếm tỷ trọng tương đối cao trong tổng số 53 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp.
Viên nén gỗ Việt Nam có thể thành “cứu cánh” cho mùa đông thiếu khí đốt Nga của EU?
Năm thị trường xuất khẩu chính cho gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU, với tổng giá trị xuất khẩu ước đạt gần 15,5 tỷ USD, chiếm 91% giá trị xuất khẩu lâm sản. Do đó, lệnh cấm của EU, theo các nhà nghiên cứu, sẽ gây khó cho hoạt động xuất khẩu gỗ của Việt Nam.
Thực tế, trong năm qua, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang EU giảm nhẹ do ảnh hưởng lạm phát, chính sách thắt chặt chi tiêu.
Do EU là một trong 5 thị trường lớn, nếu các doanh nghiệp Việt không đáp ứng được các quy định mới, sẽ tác động lập tức đến kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành trong dài hạn. Báo Đầu tư dẫn quan điểm của Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho biết, với quy định mới mà EU ban hành, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải thu thập thông tin địa lý chính xác trên đất nông nghiệp, nơi các loại hàng hóa mà họ cung cấp đã được trồng.

Việt Nam cần làm gì khi EU siết chặt kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu gỗ?

Tổng Cục Lâm nghiệp ghi nhận, hiện Việt Nam có 3.000 doanh nghiệp trực tiếp tham gia xuất khẩu, trong đó có hàng trăm doanh nghiệp xuất khẩu sang EU.
Do đây là thị trường lớn, các doanh nghiệp phải đảm bảo tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu đưa vào sản xuất hàng xuất khẩu.
Mặc dù dự thảo của EU chưa được chính thức thông qua, nhưng từ lúc này, ngành gỗ và các doanh nghiệp cần tiếp tục đầu tư phát triển mạnh chuỗi giá trị gỗ hợp pháp. Sản phẩm gỗ phải có nguồn gốc nguyên liệu hợp pháp, được sản xuất hợp pháp tại tất cả các giai đoạn của chuỗi cung ứng.
Sau khi quy định mới được Nghị viện và Hội đồng châu Âu chính thức thông qua, các nhà khai thác và doanh nghiệp sẽ có 18 tháng để thực hiện những quy tắc mới.
Thực ra, từ năm 2018, Hiệp định Đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và EU về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) đã được ký kết cũng đã bao gồm những quy định về kiểm soát nguyên liệu.
Thông tin chính thức việc Mỹ điều tra gỗ dán và tủ gỗ Việt Nam
Hiệp định VPA/FLEGT đặt mục tiêu thiết lập khung pháp lý nhằm đảm bảo rằng tất cả sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đều có nguồn gốc và được sản xuất hợp pháp. Điều này không chỉ giải quyết tính hợp pháp của gỗ trong nước, mà còn giải quyết tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu vào Việt Nam.
Yêu cầu cao nhất của ngành gỗ là hợp pháp và bền vững, khi các quốc gia ban hành quy định về nguồn gốc gỗ hợp pháp, chống nạn khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp từ các nước xuất khẩu nguyên liệu, cũng như nước sản xuất đồ gỗ xuất khẩu.
Liên quan đến vấn đề này, ông Ngô Sỹ Hoài - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết, yêu cầu về gỗ nguyên liệu hợp pháp và trách nhiệm giải trình nguồn gốc gỗ là nhiệm vụ của ngành sản xuất, chế biến gỗ.
Là quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn trên thế giới, Việt Nam cũng là nhà nhập khẩu gỗ nguyên liệu lớn khi nhập khẩu 322 loại gỗ các loại từ hơn 100 quốc gia. Mỗi năm có tới hơn 1.200 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu gỗ nguyên liệu.
Nhìn chung, thế giới ngày càng có những chính sách xem xét nguồn gốc gỗ hết sức chặt chẽ. Để tận dụng các FTA, tăng tốc xuất khẩu, bắt buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ quy định từ các nhà mua hàng.
Để Việt Nam có thể sớm cán đích mục tiêu xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt kim ngạch 25 tỷ USD năm 2030, cần nỗ lực đảm bảo tính hợp pháp, đồng thời mở rộng năng lực cung ứng nguyên liệu gỗ.
Thảo luận