Theo trang nghiên cứu thị trường Argus Media, nhu cầu viên nén gỗ ở châu Á có thể sẽ khác vào năm 2023, với mức tiêu thụ của Nhật Bản sẽ tăng lên khi nhu cầu tăng, trong khi nhu cầu của Hàn Quốc được dự báo duy trì ổn định.
Châu Âu: Sưởi ấm bằng viên nén gỗ
Nhu cầu sử dụng viên nén gỗ ở châu Âu tăng đột biến trong năm qua do thiếu nhiên liệu. Một số hộ gia đình thậm chí phải sử dụng cát vệ sinh cho mèo (hay còn gọi là cát gỗ) để sưởi ấm nhà của họ, tờ Telegraph đưa tin.
Jollyes, cửa hàng thức ăn thú cưng tại Vương quốc Anh, cho biết các nhà cung cấp cát vệ sinh cho mèo của họ đang "làm thêm giờ" để đáp ứng nhu cầu viên nén gỗ, khi doanh số bán hàng tăng mạnh vào đầu mùa đông này.
Thực tế này xảy ra sau "rất nhiều lời bàn tán trên mạng xã hội về việc sử dụng cát vệ sinh bằng gỗ viên làm nhiên liệu gia đình trong vài tuần qua xung quanh cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt".
Hàng triệu hộ gia đình ở Anh đã phải chịu thiệt hại lớn bởi hóa đơn năng lượng tăng vọt, sau khi xung đột Ukraina gây ra sự hỗn loạn trên thị trường quốc tế.
Hàng ngàn ngôi nhà đang được sưởi ấm bằng viên nén gỗ. Một số người đã đổi nồi hơi đốt gas hoặc dầu để lấy nồi hơi đốt củi, cũng như chọn bếp đun viên nén có thể sưởi ấm nhà.
Argus Media cho hay, nguồn cung có khả năng tăng trong năm 2023 do nhu cầu của châu Âu có xu hướng giảm khi tồn kho cao, cùng với nhu cầu dăm gỗ của Trung Quốc thấp hơn do tồn kho dồi dào.
Tuy nhiên, đây vẫn là cơ hội lớn và châu Âu là một thị trường đầy tiềm năng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm từ gỗ của Việt Nam.
Việt Nam xuất khẩu thứ hai thế giới
Trong năm 2022, nguồn cung viên nén gỗ châu Á bị siết chặt nhưng dự kiến sẽ thoải mái hơn ở năm 2023.
Tình trạng thiếu nguyên liệu thô và nhu cầu tăng từ châu Âu đã góp phần đẩy giá viên nén gỗ Việt Nam lên mức cao lịch sử.
Theo Nhịp sống thị trường dẫn một báo cáo mới đây của nhóm nghiên cứu thuộc Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Tổ chức Forest Trends, lượng xuất khẩu viên gỗ nén của Việt Nam đã tăng mạnh trong thời gian qua, do nhu cầu tăng cao từ thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.
Cụ thể, Hàn Quốc đã mua của Việt Nam 1,675 triệu tấn viên gỗ nén với tổng trị giá 270 triệu USD. Trong khi đó, Nhật Bản đã nhâp 2,05 triệu tấn, với tổng trị giá 303 triệu USD.
Tính chung, lượng viên gỗ nén xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm đến 95% trong tổng lượng viên nén xuất khẩu của Việt Nam. Việt Nam hiện là nước xuất khẩu viên nén gỗ lớn thứ 2 trên thế giới.
Trong 10 tháng đầu năm 2022, lượng xuất khẩu viên gỗ nén đạt gần 3,9 triệu tấn, tăng 34% so với cùng kỳ 2021, tương đương hơn 111% tổng lượng xuất khẩu của năm 2021.
Giá viên nén xuất khẩu cũng tăng liên tục từ tháng 6/2021, đạt đỉnh điểm là hơn 170 USD/tấn vào tháng 10/2022, tăng gần 60% so với mức giá của tháng 5/2021.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thanh Phong, Chi hội trưởng Chi hội Viên nén gỗ thuộc Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần năng lượng sinh học Phú Tài (tỉnh Bình Định) thông tin với VnEconomy cho biết: năm 2021 lượng viên nén xuất khẩu của Việt Nam đạt 3,5 triệu tấn với kim ngạch hơn 413 triệu USD. Nhưng qua năm 2022 xuất khẩu mặt hàng này đạt gần 4,7 triệu tấn, kim ngạch hơn 700 triệu USD, tăng 35% về lượng và 81% về giá trị so với năm 2021.
"Hiện Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu viên nén lớn thứ hai trên thế giới. Dự báo, xuất khẩu viên nén Việt Nam sẽ đạt 1 tỷ USD vào năm 2023", - ông Phong nói.
Nguyên liệu cho viên nén gỗ đảm bảo tiêu chuẩn EU
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Viforest, cho biết nguồn nguyên liệu sản xuất viên nén chủ yếu là các phụ phẩm của ngành gỗ hiện nay như cành, ngọn, gỗ nhỏ, bìa bắp từ gỗ rừng trồng và các đầu mẩu, gỗ thừa… từ các cơ sở chế biến.
Các nhà máy điện có thể dùng viên nén gỗ để chuyển đổi hệ thống sử dụng nhiên liệu than sang hệ thống đốt viên nén hoặc đồng thời sử dụng cả than và viên gỗ nén làm nguyên liệu. Sản phẩm này còn được sử dụng quy mô lớn trong công nghiệp để tăng cường giá trị nhiệt của chất thải và làm giảm phát thải ô nhiễm.
Theo ông Nguyễn Kim Vui, Giám đốc điều hành Nhà máy viên nén của Công ty cổ phần năng lượng Dung Quất, cho biết, trong sản xuất viên nén gỗ nhà máy sử dụng hai nguồn chính: phụ phẩm gỗ rừng trồng; mùn cưa, dăm bào.
"Mùn và dăm bào được coi là nguyên liệu tốt nhất để sản xuất viên nén, vì không mất chi phí nghiền, độ ẩm thấp nên giảm được chi phí sấy khô", - ông Vui cho hay.
Tuy nhiên, khối lượng mùn cưa không nhiều, vì vậy, nguyên liệu chủ yếu là phụ phầm từ gỗ rừng trồng. Đặc biệt, tất các các thị trường đòi hỏi yêu cầu khắt khe về tính hợp pháp của nguyên liệu, đặc biệt đối tác EU yêu cầu nguyên liệu sản xuất viên nén phải từ rừng trồng có chứng nhận FSC (Chứng nhận rừng bền vững quốc tế).
"Công ty phải ký kết hợp đồng thu mua nguyên liệu từ những hộ dân, cơ sở trồng rừng đã đạt chứng nhận FSC", - lãnh đạo doanh nghiệo nhấn mạnh.
Cạnh đó, viên nén gỗ Việt Nam đáp ứng tiểu chuẩn của các công ty Nhật Bản theo cơ chế biểu giá điện hỗ trợ (FiT) của quốc gia này đạt mức giá cao lịch sử vào năm 2022.
Thị trường trở nên nóng hơn bao giờ hết bởi nguồn cung nguyên liệu khan hiếm do nhu cầu dăm gỗ từ các nhà sản xuất giấy và bột giấy Trung Quốc, trong bối cảnh nguồn cung Bắc Mỹ bị siết chặt hơn khi nhu cầu của châu Âu tăng lên sau các lệnh trừng phạt và đình chỉ chứng nhận đối với gỗ của Nga.
Năm 2022, giá viên nén gỗ Việt Nam bán sang Hàn Quốc đạt mức cao lịch sử do nguồn cung nguyên liệu khan hiếm khi thị trường đồ nội thất của nước này giảm nhu cầu xuất khẩu. Điều này đã gây ảnh hưởng khi làm giảm lượng mùn cưa và dăm gỗ để sản xuất viên nén gỗ.
Xét tổng thể, mặt hàng viên nén gỗ của Việt Nam được kỳ vọng sớm cán mốc tỷ đô và sẽ góp mặt trong nhóm những mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD của đất nước năm 2023 này.