Chuyện đáng kinh ngạc

‘Kalinnikov-Dinh’ - Trái ngọt của sự hợp tác giữa hai nền khoa học Nga-Việt

HÀ NỘI (Sputnik) - Năm 2022, sự ra đời của hai thiết bị - kỹ thật mới “Kalinnikov-Dinh” khiến ngành nhãn khoa thế giới ngạc nhiên về tính năng cũng như hiệu quả mà thiết bị này mang lại trong việc ghép giác mạc nội mô. Đặc biệt, tác giả công trình này chính là nữ bác sĩ trẻ người Việt - Đinh Thị Hoàng Anh.
Sputnik
Hiện nữ bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện Mắt Trung ương (TW) và là Nghiên cứu sinh Đại học Y khoa - Nha khoa Quốc gia Moscow mang tên Evdokimova (MSUMD).
Dưới sự hướng dẫn của các giáo sư nhãn khoa hàng đầu của Nga, bác sĩ (BS) Đinh Thị Hoàng Anh cùng nhóm nghiên cứu hứa hẹn mang lại ánh sáng cho những bệnh nhân kém may mắn không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.
Năm 2014, dựa trên phát hiện lớp giác mạc mới Pre-Descement của Đại học Nottingham, GS. người Ấn Độ Amar Agarwal đã đề xuất một kỹ thuật ghép giác mạc nội mô mới, tên là PDEK (phần giác mạc thay thế sẽ bao gồm màng Pre-Descemet, màng Descemet và lớp nội mô).
Dựa trên kỹ thuật này, BS. Đinh Thị Hoàng Anh cùng nhóm nghiên cứu đã phát triển thiết bị-kỹ thuật mới mang tên “Kalinnikov-Dinh”.
NCS. BS. Đinh Thị Hoàng Anh

Ưu điểm vượt trội của ‘Kalinnikov-Dinh’

Trao đổi với Sputnik, BS. Đinh Thị Hoàng Anh cho biết, kỹ thuật PDEK mang lại nhiều lợi thế so với kỹ thuật ghép giác mạc nội mô phổ biến hiện nay là DMEK và DSAEK.

“Mảnh ghép mỏng nhưng vẫn dễ thao tác trong quá trình mổ, khả năng sử dụng giác mạc từ những người hiến trẻ tuổi, thị lực cao tối đa sau phẫu thuật”, nữ bác sĩ trẻ cho biết.

Tuy sở hữu nhiều lợi thế, nhưng các báo cáo về việc áp dụng thành công kỹ thuật PDEK trong phẫu thuật ghép giác mạc nội mô còn hạn chế.
Theo số liệu thống kê, năm 2017, số lượng ca phẫu thuật PDEK tại Hoa Kỳ là 21; năm 2018 - 26. Thậm chí năm 2021 không hề ghi nhận ca phẫu thuật nào áp dụng kỹ thuật này tại Hoa Kỳ.
Việt Nam - đất nước thành công và đa diện trong mắt các nhà khoa học Nga
Nữ bác sĩ người Việt cho biết thêm, quá trình chuẩn bị mảnh ghép có nhiều biến chứng khiến tỷ lệ tổn thất giác mạc hiến khá cao. Vì vậy các phẫu thuật viên e ngại trong việc áp dụng kỹ thuật mới này. BS. Đinh Thị Hoàng Anh giải thích:

“Đó là lý do tại sao mục đích nghiên cứu của chúng tôi là tối ưu hóa kỹ thuật chuẩn bị và bảo quản mảnh ghép PDEK để giảm tổn thất giác mạc hiến; đơn giản hóa kỹ thuật mổ PDEK cho các bác sĩ nhãn khoa. “Kalinnikov-Dinh” được phát minh ra để giảm thiểu rủi ro phát sinh, đồng thời giúp chuẩn bị sẵn các mảnh ghép PDEK trước khi được ghép vào trong mắt của bệnh nhân”.

Thiết bị và kỹ thuật mới mang tên “Kalinnikov-Dinh” cho phép tạo ra mảnh ghép giác mạc PDEK với tỷ lệ thành công hơn 95% so với kĩ thuật trước là 36,6%. BS. Đinh Thị Hoàng Anh chia sẻ với Sputnik:

“Kalinnikov-Dinh có lợi thế không chỉ về mặt kĩ thuật mà còn về giá cả. Ví dụ, công nghệ phổ biến hiện nay như DSAEK đòi hỏi công cụ rất đắt tiền. Thêm vào đó, thiết bị này có thể sử dụng nhiều lần do tính năng dễ dàng sát khuẩn”.

NCS. BS. Đinh Thị Hoàng Anh và nhóm nghiên cứu

Quá trình nghiên cứu ‘không trải hoa hồng’

Thất bại nối tiếp thất bại - đó là những ca phẫu thuật ghép giác mạc nội mô đầu tiên sử dụng kỹ thuật PDEK. Tâm sự với Sputnik, nữ bác sĩ người Việt tâm sự đã rất nhiều lần muốn bỏ cuộc trên hành trình này. Nhưng với mong ước mang lại ánh sáng cho những bệnh nhân kém may mắn, cùng triển vọng phát triển nền khoa học nước nhà, BS. Đinh Thị Hoàng Anh cùng các đồng nghiệp ngày đêm nghiên cứu để tìm ra giải pháp đơn giản hóa kỹ thuật trên.

“Chúng tôi đã nghiên cứu tất cả các bài báo về chủ đề này, thậm chí mua dụng cụ mổ từ nước ngoài, nhưng không có thiết bị nào mà có thể đáp ứng nhu cầu của chúng tôi về độ an toàn, chính xác và tiện lợi trong quá trình phẫu thuật. Do đó, chúng tôi đã phải tự phát minh ra các thiết bị riêng cho kỹ thuật này. Kalinnikov-Dinh chính là câu trả lời”, nữ bác sĩ kể.

Một trong số các bằng sáng chế của Chính phủ Liên bang Nga dành cho thiết bị-kỹ thuật Kalinnikov-Dinh
Liên tiếp gặt hái được thành công sau khi áp dụng thiết bị và kỹ thuật Kalinnikov-Dinh trong nhiều ca ghép giác mạc nội mô, nhóm nghiên cứu bắt tay vào đăng ký bằng sáng chế.

“Thật sự rất may mắn khi bằng sáng chế N 2782785 đã được Chính phủ Liên bang Nga công nhận. Đối với những người đam mê nghiên cứu, việc sở hữu bằng sáng chế được coi như là một chiến thắng lớn và cũng là một niềm tự hào”, BS. Đinh Thị Hoàng Anh cho biết.

Các nhà khoa học chứng minh tác dụng phá hủy của tia X đối với xương

Kết quả hợp tác thành công của hai nền khoa học

Liên bang Nga là quốc gia có dày truyền thống về ngành nhãn khoa với nhiều nhà khoa học danh tiếng trên thế giới như GS. BS Fyodorov, Malyugin…
Chia sẻ với Sputnik, nữ bác sĩ trẻ Đinh Thị Hoàng Anh cảm thấy may mắn khi được GS.TS.BS Yuri Yurievich Kalinnikov, một trong những nhà khoa học hàng đầu của Nga trong ngành nhãn khoa, hướng dẫn luận án Tiến sĩ. Cô tâm sự:
“Thầy đã chăm chú lắng nghe những ý tưởng ban đầu nghiên cứu của tôi và đã khuyến khích tôi phát triển thành đề tài nghiên cứu sinh. Trong quá trình này, thầy đã truyền rất nhiều động lực và kiến thức cho tôi để thực hiện nghiên cứu này”.
Không chỉ vậy, trong quá trình nghiên cứu nữ bác sĩ người Việt đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều nhà khoa học đến từ Ngân Hàng Giác Mạc LB Nga “Айлаб” (Eyelab), các bác sĩ, kỹ thuật viên của các chuyên ngành như sinh học và vật lý tại Bệnh viện Mắt Fyodorov của LB Nga và trường ĐH Tổng hợp Quốc gia Lomonosov.
Những sản phẩm sáng chế khoa học độc đáo của Rostec
Và cũng không thể thiếu sự giúp đỡ, động viên từ đội ngũ GS, bác sĩ của Việt Nam. Nhờ những trao đổi với một số nhà khoa học nhãn khoa của Việt Nam, luận án tiến sĩ của nữ bác sĩ có nhiều góc nhìn thực tế trên người bệnh. Cô cũng vinh dự được trình bày về đề tài nghiên cứu của mình tại Bệnh viện Mắt TW nhân dịp 60 năm thành lập.

“Các thầy cô, đồng nghiệp tại bệnh viện nơi tôi công tác đều rất ủng hộ tôi trong quá trình nghiên cứu này và rất hứng thú với đề tài này. Những lời động viên của họ đã tiếp sức cho tôi trong quá trình nghiên cứu. Vì vậy, có thể nói là nghiên cứu này có thể xem là thành quả hợp tác giữa hai nước. Tuy nhiên, phải nói rằng sự đóng góp lớn nhất cho đề tài nghiên cứu này là từ nền khoa học nhãn khoa của LB Nga. Tôi rất mong muốn đem kết quả nghiên cứu của đề tài này về áp dụng tại Việt Nam để tiếp tục phát triển đề tài trong điều kiện thực chứng tại nước nhà”, BS. Đinh Thị Hoàng Anh bày tỏ.

Ngành y dược Nga – Việt hợp tác cộng hưởng

Ước mong mang lại ánh sáng cho người bệnh

Lấy động lực và cảm hứng từ việc tạo ra sự khác biệt cho nhiều bệnh nhân ở Việt Nam và trên thế giới bằng phát minh sáng chế của mình, BS. Đinh Thị Hoàng Anh đã vượt qua thử thách trong quá trình nghiên cứu bằng cả nhiệt huyết tuổi trẻ và động viên từ phía đồng nghiệp, gia đình và bạn bè.

“Tôi đã nhận được rất nhiều lời khen về thiết bị-kĩ thuật Kalinnikov-Dinh từ các bác sĩ đến trừ Mỹ, Châu Âu v.v. Sự ghi nhận của các nhà khoa học cho kĩ thuật mới này còn là Giải 3 tại Hội thảo khoa học nhãn khoa toàn LB Nga với sự tham gia của các khách mời là các nhà khoa học nhãn khoa quốc tế”, cô tâm sự.

NCS. BS. Đinh Thị Hoàng Anh tại Hội thảo Khoa học Nhãn khoa diễn ra tại Ấn Độ
Kết quả nghiên cứu của nữ bác sĩ trẻ người Việt cùng nhóm nghiên cứu được công bố trên tạp chí nổi tiếng “Thế giới nhãn khoa”. Ngoài ra, cô cũng có dịp trình bày về kĩ thuật và thiết bị mới này tại hội thảo khoa học nhãn khoa tại Ấn Độ. Công trình đã gây ấn tượng mạnh với các nhà khoa học nhãn khoa tại đây. Về triển vọng của “Kalinnikov-Dinh”, BS. Đinh Thị Hoàng Anh cho biết:

“Thiết bị và công nghệ mới này rất có triển vọng được áp dụng trên diện rộng tại Việt Nam vì chi phí thiết bị hợp lý với khả năng thanh toán của người dân. Đặc biệt, tỷ lệ thành công cao hơn những thiết bị tương tự khác hiện nay trên thế giới. Tôi hi vọng thiết bị mới sẽ giúp được nhiều bệnh nhân có lại được ánh sáng trong cuộc sống”.

Được biết, 4 bằng sáng chế tiếp theo sẽ được cấp cho thiết bị-kỹ thuật mới “Kalinnikov-Dinh” trong thời gian tới đây.
Thảo luận