Sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, FLC liên tục gặp sóng gió

Tất cả thành viên Bộ phận Kiểm toán nội bộ FLC xin từ chức. Sau ông Trần Mạnh Cường, bà Trần Thị Mỹ Dung, thành viên cuối cùng của bộ phận Kiểm toán nội bộ Tập đoàn FLC cũng đã có đơn từ nhiệm chức vụ với lý do cá nhân.
Sputnik
Kể từ khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt hồi tháng 3/2021, FLC liên tục rơi vào tình trạng điêu đứng. Nhiều cổ phiếu “họ FLC” cũng bị đình chỉ giao dịch hoặc mất giá nghiêm trọng.

FLC không còn Kiểm toán viên nội bộ

Sau khi liên tiếp có hai thành viên xin từ chức, Tập đoàn FLC rơi vào tình huống hy hữu khi không còn người trong kiểm toán nội bộ.
Cụ thể, trong văn bản công bố thông tin gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC) cho biết đã nhận được đơn từ nhiệm chức vụ Thành viên bộ phận Kiểm toán nội bộ của bà Trần Thị Mỹ Dung với lý do cá nhân.
Hội đồng quản trị sẽ tiến hành họp và xem xét thông qua việc thôi giữ chức vụ của bà Dung theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty hiện hành.
Theo đó, như Sputnik đưa tin, ngày 5/1, ông Nguyễn Mạnh Cường, người phụ trách bộ phận kiểm toán nội bộ của FLC, đã có đơn xin từ chức vì lý do cá nhân.
Đến ngày 9/1, Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn FLC đã nhận được đơn của bà Trần Thị Mỹ Dung về việc từ nhiệm chức vụ thành viên bộ phận kiểm toán nội bộ. Lý do được đưa ra tiếp tục là vì lý do cá nhân.
Như vậy, chỉ trong vài ngày đầu năm mới 2023, Tập đoàn FLC đã không còn ai trong bộ phận kiểm toán nội bộ. Điều này đồng nghĩa với việc, FLC hiện không có người làm việc với đơn vị kiểm toán độc lập báo cáo tài chính năm 2021.
Bà Trần Thị Mỹ Dung và ông Nguyễn Mạnh Cường là hai thành viên được HĐQT FLC lựa chọn để thành lập bộ phận kiểm toán nội bộ trực thuộc HĐQT vào ngày 26/10/2021.
Trước đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đình chỉ tư cách được chấp thuận kiểm toán cho doanh nghiệp niêm yết của Công ty Đất Việt, buộc FLC phải tìm đơn vị kiểm toán mới.
Ngày 21/7/2022, tập đoàn này ký hợp đồng với Công ty TNHH Kiểm toán An Việt để kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021. Tuy vậy, chưa đầy 2 tháng sau, FLC thanh lý hợp đồng với An Việt và chọn Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY.
Sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt hồi tháng 3/2021, tập đoàn FLC liên tục lùi công bố báo cáo tài chính năm 2021.
Đến thời điểm này, FLC vẫn chưa hoàn tất báo cáo kiểm toán 2021 và soát xét bán niên 2022. Đồng thời, doanh nghiệp cũng chưa tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2022.

Cổ phiếu bị đình chỉ

Bắt đầu từ ngày 9/9/2022, cổ phiếu FLC bị đình chỉ giao dịch do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ về công bố thông tin. Không những thế, nhiều cổ phiếu “họ FLC” cũng bị đình chỉ giao dịch.
Theo đó, hôm 21/11, sau khi chứng khoán bị đưa vào diện hạn chế giao dịch, có gần 97 triệu cổ phiếu ART của Chứng khoán BOS thuộc “họ FLC” bị đình chỉ do vi phạm quy định về công bố thông tin. Chứng khoán BOS cũng chậm nộp báo cáo tài chính quý III/2022.
Tương tự FLC, Chứng khoán BOS hiện vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh các quý năm 2022, báo cáo tài chính kiểm toán bán niên 2022, báo cáo Nghị quyết ĐHCĐ thường niên 2022.
ART là cổ phiếu thứ 4 thuộc "họ FLC" bị đình chỉ giao dịch, bên cạnh Xây dựng Faros (ROS), Tập đoàn FLC (FLC) và Nông dược H.A.I (HAI).
Cùng nằm trong “họ FLC”, cổ phiếu AMD bị đưa vào diện kiểm soát của HOSE, trong khi cổ phiếu KLF và GAB bị hạn chế giao dịch. Cổ phiếu GAB có giá cao kỷ lục gần 200 nghìn đồng/cổ phiếu nhưng đã không phát sinh giao dịch từ tháng 3/2022. Các cổ phiếu còn lại bị bán tháo với giá chỉ còn một vài nghìn đồng kể từ khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt.
Hôm 11/1, cổ phiếu ART nằm ở mức 1.300 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu này đã giảm sút đáng kể sau khi đạt đỉnh 19.500 đồng, ghi nhận hồi đầu năm 2022, tương đương mức giảm hơn 90%.
Có vẻ như, sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố bắt tạm giam, toàn bộ hệ sinh thái của Tập đoàn FLC đã rơi vào tình trạng điêu đứng.
Hầu hết các doanh nghiệp trong hệ sinh thái FLC thua lỗ trong quý II/2022, với không ít các doanh nghiệp không có báo cáo tài chính. Thậm chí, FLC cũng nhiều lần bị cưỡng chế hoặc xử lý thuế trong thời gian gần đây với lượng tiền lên đến gần 1.400 tỷ đồng.
Ồ ạt bán mạnh cổ phiếu Xây dựng Hoà Bình HBC, ‘sếp’ Kiểm toán nội bộ FLC từ chức
Trước khi rơi vào tình trạng thê thảm như hiện nay, đã có những giai đoạn mã cổ phiếu “họ FLC” thăng hoa trên thị trường chứng khoán.
Chẳng hạn, vào giữa năm 2017, ROS từng được giao dịch với mức giá khoảng 170.000/cổ phiếu, hay như GAB đạt gần 195.000/cổ phiếu. Các mã FLC, HAI, AMD hay ART đều từng có lúc lên trên 20.000/cổ phiếu.
Thảo luận