Chuyện đáng kinh ngạc

‘Những đứa trẻ trong sương’ của nữ đạo diễn Việt vươn tới Oscar như thế nào?

HÀ NỘI (Sputnik) - Lần đầu tiên, “Những đứa trẻ trong sương” (Children of the mist), một bộ phim tài liệu Việt Nam của nữ đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm, lọt vào danh sách rút gọn 15 tác phẩm đề cử Giải thưởng Oscar danh giá. Đây có thể xem là một kỳ tích của điện ảnh Việt Nam.
Sputnik
Những đứa trẻ trong sương là phim tài liệu xoay quanh hành trình trưởng thành của Di, cô bé người Mông ở Sa Pa, từ khi Di còn là cô bé 12 tuổi cho đến khi trở thành thiếu nữ.
Trong phim, nữ đạo diễn kể câu chuyện về sự xung đột giữa phong tục cổ xưa và giá trị hiện đại, ở một nơi mà trẻ em từ một nền văn hóa truyền thống cũng được tiếp cận với thế giới bên ngoài. Và cả những thử thách mà một cô gái trẻ H’Mông phải đối mặt.
Sputnik đã có buổi phỏng vấn với đạo diễn Hà Lệ Diễm về tác phẩm này.
Nữ đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm
Sputnik: Chào Diễm, bạn có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi "Những đứa trẻ trong sương" (Children of the mist) lọt vào danh sách rút gọn dành cho đề cử Oscar?
Đạo diễn Hà Lệ Diễm:
Lúc mình biết tin thì rất bất ngờ vì tối hôm trước mình có vào check nhưng không thấy tin gì, nghĩ là phim không vào shortlist (danh sách rút gọn) đâu nên đi ngủ đến sáng luôn.
Hôm sau máy điện thoại hết pin, mọi người liên lạc không được nên tìm mình báo tin thì mình mới biết. Mình thấy bất ngờ lắm vì chẳng bao giờ nghĩ đến phim sẽ vào được đến shortlist Oscar cả.
Di, nhân vật chính trong bộ phim tài liệu "Những đứa trẻ trong sương" của đạo diễn Hà Lệ Diễm
Sputnik: Điều gì khiến Diễm chọn đề tài này và thể loại phim tài liệu "khó nhằn"? Hành trình của "Những đứa trẻ trong sương" đến với Oscar như thế nào?
Đạo diễn Hà Lệ Diễm:
Khi mới bắt đầu học làm phim tài liệu trong một khóa học phim tài liệu miễn phí của Trung tâm TPD từ 2011 và khoá tài liệu trực tiếp của Varan Việt Nam 2016 thì mình nhận ra là mình thích phim tài liệu lắm.
Cách làm phim tài liệu trực tiếp hợp với mình vì chỉ cần một ekip rất gọn nhẹ: 1-2 người khi đi quay, chi phí ít tốn kém nên mình dành được nhiều thời gian để hiểu vùng đất và nhân vật mình muốn quay. Mình rất thích cầm máy quay để quay phim, được xem nhiều phim tài liệu hay và cuốn hút.
Và khi làm tài liệu thì lúc nào mình cũng phải học: học văn hoá, học lịch sử, phong tục, học về vùng đất, con người ở đó nên mình thấy khi bắt đầu một dự án phim tài liệu thì mình lúc nào cũng trong tình trạng học, làm việc và không thể nào lười được.
Nữ đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm
Bản thân mình là một người rất lười và chậm chạp, nếu không đi làm phim tài liệu thì nhìn tệ lắm. Nên lúc nào cũng phải trong trạng thái học tập, mình thấy việc đó rất tốt cho mình.
“Những đứa trẻ trong sương” (Children of the Mist) đến với Oscar nhờ thắng giải Phim xuất sắc nhất ở Liên hoan phim quốc tế Docaviv - một trong những liên hoan phim “qualifying” (đạt tiêu chuẩn) cho Oscar, và được chiếu ở các liên hoan phim quan trọng ở Mỹ như True/False, New Directors/New Films, Seattle…
Bộ phim cũng được chiếu tại các rạp ở Mỹ nên nhà phát hành quốc tế của phim mới chuyển cho một nhà phát hành Mỹ phụ trách việc gửi đi Oscar, đồng thời làm các công việc liên quan đến phát hành tại quốc gia này.
"Cốt truyện cho phim Hollywood". Chuyên gia bình luận về kết quả World Cup 2022
Sputnik: Tại sao lại là "sương" mà không phải "tiếng khèn" - một đặc trưng của đồng bào H'mông?
Đạo diễn Hà Lệ Diễm:
Mình chọn tên “Children of the Mist” vì sương mù (mist). Khi quay phim, mình nhận ra rằng sương mù cũng là một nhân vật của vùng đất đó, nó không bao giờ tan biến. Có những ngày sương mù rất đẹp nhưng cũng có những ngày nó rất đáng sợ.
Mình nhớ những ngày đầu tiên phải đến trường, nhà thì ở trên núi rất cao mà phải đi bộ trong rừng, đường rất bé. Những ngày sương muối lạnh giá, sương mù xuống bao quanh và trùm lấy mọi thứ làm mình tưởng đó là bức tường đặc quánh không thể vượt qua được, mình không nhìn thấy gì phía trước và đã rất sợ hãi.
Một số cảnh trong bộ phim tài liệu "Những đứa trẻ trong sương" của đạo diễn Hà Lệ Diễm
Mình sợ đến mức quay về nhà, nói dối để không phải đi học nữa. Nhưng mấy hôm sau rồi cũng phải lấy hết can đảm để băng qua bức tường sương mù ấy một mình.
Sau này khi gặp lại sương mù ở Sa Pa khi mình quay Di, mình thấy nỗi sợ lạc giữa một màn sương mù ấy rất giống nỗi sợ khi chúng ta phải lớn lên, khi chúng ta không biết thứ gì đợi mình phía trước.
Một số cảnh trong bộ phim tài liệu "Những đứa trẻ trong sương" của đạo diễn Hà Lệ Diễm
Sputnik: Bản thân Diễm cũng là người dân tộc Tày, giữa Diễm và Di trong phim có điểm gì giống và khác?
Đạo diễn Hà Lệ Diễm:
Mới đầu gặp Di mình thấy Di giống hệt mình lúc còn nhỏ: về ngoại hình, về gương mặt, tính hay tò mò, bồng bột, dễ vui dễ buồn dễ giận. Cả mình và Di đều lớn lên ở vùng núi, cha mẹ là người dân tộc và nói ngôn ngữ không phải tiếng Việt, đều có bạn bè và một tuổi thơ rất tự do và hồn nhiên nghĩ rằng mình là người tự do trong những thế giới huyền ảo mà tuổi thơ mình tưởng tượng nên.
Điểm khác là Di lớn lên trong một nền văn hoá mà những giá trị truyền thống tồn tại rất mạnh, ai cũng rất cá tính và độc lập, ương bướng và tự tôn rất cao nên khi mà phải đưa ra quyết định lựa chọn con đường nào cho tương lai của mình thì Di đã rất bối rối khi vấp phải nhiều luồng ý kiến và hành xử khác nhau.
Di, nhân vật chính trong bộ phim tài liệu "Những đứa trẻ trong sương" của đạo diễn Hà Lệ Diễm
Sputnik: Một số ý kiến cho rằng, "Những đứa trẻ trong sương" là tiếng nói về quyền của các nhóm yếu thế (phụ nữ dân tộc tiểu số); văn hóa của người dân tộc thiểu số tại Việt Nam (tục kéo vợ, tảo hôn). Diễm nhận định ra sao về điều này?
Đạo diễn Hà Lệ Diễm:
Những đứa trẻ trong sương là câu chuyện về một cô bé người H'mông lớn lên và đối mặt với những nỗi buồn và sự cô độc khi trưởng thành, và về tầm quan trọng của giáo dục trong một xã hội đang biến động giữa những giá trị truyền thống và hiện đại.
Bản thân mình cho rằng, “Những đứa trẻ trong sương” là tiếng nói của những đứa trẻ về quyền được thấu hiểu từ gia đình, người thân, thầy cô giáo và xã hội, quyền được đi học, và quyền được có nhiều lựa chọn cho tương lai của chính mình.
Đó là những quyền lợi chung của bất kì một đứa trẻ nào ở bất kì một dân tộc nào trên thế giới chứ không phải riêng của một nhóm nào.
Một số cảnh trong bộ phim tài liệu "Những đứa trẻ trong sương" của đạo diễn Hà Lệ Diễm
Sputnik: Sau thành công ban đầu của "Những đứa trẻ trong sương", Diễm có cảm thấy áp lực với các tác phẩm sau này không?
Đạo diễn Hà Lệ Diễm:
Mình có chút áp lực và thấy khá mệt khi biết sắp tới có nhiều việc phải làm hơn của phim “Children of the Mist” và cũng khá sốt ruột khi mình cũng có những việc khác mình cần phải làm.
Mình là người thích cầm máy quay và làm việc ở hiện trường nhiều hơn là làm các công việc liên quan khác trong một quy trình làm ra một bộ phim và các công việc sau đó khi phim ra mắt nên là khi phải làm các việc khác thì mình bị mệt và tốn năng lượng hơn rất nhiều. Nhưng mình hiểu là phần nào cũng quan trọng nên cũng phải làm.
Còn về các tác phẩm sau thì mình hiểu rằng mỗi phim có một câu chuyện để kể khác nhau và có một con đường và số phận khác nhau nên với những tác phẩm sau thì mình đều sẽ cố gắng hết mình và xử lý từng giai đoạn một chứ nếu tự gây áp lực cho mình thì cũng không làm được việc gì cả.
Một số cảnh trong bộ phim tài liệu "Những đứa trẻ trong sương" của đạo diễn Hà Lệ Diễm
Sputnik: Cuộc sống của nhân vật chính trong phim hiện tại ra sao? Phim dự kiến sẽ chiếu tại Việt Nam khi nào?
Đạo diễn Hà Lệ Diễm:
Sau khi phim hoàn thành, Di không đồng ý lấy người kéo mình và quyết định quay trở lại học ở trường nội trú tại Sa Pa. Sau đó, do thành tích học tập và hạnh kiểm tốt, vượt qua vòng phỏng vấn khó nhằn nên Di nhận được học bổng của một tổ chức phi chính phủ ở Úc. Nhưng do COVID-19 nên trường học đóng cửa.
Di gặp và kết hôn với một bạn khác. Hiện cuộc hôn nhân của Di với chồng hạnh phúc. Di quyết định trở lại trường học tiếp khi 19 tuổi rưỡi. bây giờ thì Di lớn hẳn rồi, không còn trẻ con nữa.
Về phim thì khoảng sau Tết và không muộn hơn hè năm sau, phim sẽ phát hành tại Việt Nam.
Thảo luận