Cục Phó Nguyễn Tô An cũng nói thẳng rằng, hiện nay, các anh em đăng kiểm cả nhà nước và tư nhân đều phải tăng ca, gồng lên làm việc và đều có tâm lý bất ổn trước những vụ việc vừa qua.
Vụ án Cục Đăng Kiểm: Sai phạm như “sóng thần” xoá đi tất cả
Lần đầu tiên sau khi Cục trưởng Cục Đăng kiểm Đặng Việt Hà cùng hàng loạt lãnh đạo trung tâm đăng kiểm bị bắt để điều tra sai phạm, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Nguyễn Tô An đã có buổi trao đổi chia sẻ thẳng thắn với báo chí.
Ông đã ví các vụ việc vừa qua là “cơn bão”, “cơn sóng thần” để lại hậu quả đau đớn, xoá đi bao nhiêu công sức của nhiều thế hệ đồng thời khiến người dân vất vả khi đi đăng kiểm.
Cục Phó Cục Đăng kiểm Nguyễn Tô An lý giải rằng, các sai phạm vừa qua, có gốc rễ từ xa xưa, người dân khi đi đăng kiểm muốn phương tiện nhanh chóng đạt tiêu chuẩn để tiếp tục lưu hành, thậm chí có lỗi thì chi tiền bồi dưỡng, tất cả đã “làm hư đăng kiểm viên”.
Lãnh đạo Cục Đăng kiểm cũng thẳng thắn thừa nhận, một số đăng kiểm viên không có bản lĩnh, không chiến thắng được lòng tham. Cảm ơn ngành Công an đã vào cuộc, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi sai phạm của các trung tâm, ông Nguyễn Tô An khẳng định “ai vi phạm người đó phải chịu trách nhiệm”.
“Các sai phạm được phát hiện như cơn bão, sóng thần xóa đi công sức hàng chục năm mà nhiều cán bộ đăng kiểm đã xây dựng”, ông nói.
Cục Phó Nguyễn Tô An cho hay, ông là một trong những người đầu tiên xây dựng ngành đăng kiểm từ năm 1995 và đã tham gia xây dựng hệ thống đăng kiểm, các văn bản quy phạm pháp luật, các giải pháp tháo gỡ khó khăn với ngành đăng kiểm.
Ông cũng khẳng định, hệ thống thiết bị đăng kiểm hiện nay là tiên tiến hiện đại phù hợp với xu thế chung của thế giới nhưng vẫn không thể tránh được những sai sót từ con người.
“Những vụ việc vừa qua là sự việc chưa từng xảy ra với ngành đăng kiểm”, ông An nêu rõ hiện nhiều đăng kiểm viên làm việc trong khối tư nhân hay nhà nước đều có tâm lý bất ổn, ảnh hưởng đến hiệu quả, năng suất công việc.
Cục Phó Nguyễn Tô An nói thẳng, thực sự, chưa bao giờ người dân phải xếp hàng kiểm định từ đêm, mất quá nhiều công sức và thời gian như hiện nay. Lực lượng đăng kiểm cũng phải gồng lên để làm việc.
“Anh em phải gồng người lên làm việc thêm giờ thêm ca, không quản ngày nghỉ. Chúng tôi đã động viên tinh thần anh em, cố gắng phục vụ người dân tốt nhất có thể”, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam nói về sự thật khó khăn.
Ông Nguyễn Tô An: “Chúng tôi nhận trách nhiệm”
Đại diện Cục Đăng kiểm khẳng định, Cục nhận hết trách nhiệm về mình.
“Chúng tôi nhận trách nhiệm về mình”, ông Nguyễn Tô An phát biểu và đồng thời cảm ơn, chiến công của lực lượng Công an của TP.HCM, của TP.Hà Nội.
Lãnh đạo Cục một lần nữa nhắc lại rằng, ai vi phạm phải xử lý trước pháp luật, ai không vi phạm cần được bảo vệ, những điều tốt cần được biểu dương cần được khích lệ để làm tốt hơn vì mục đích phục vụ người dân.
Cục Đăng kiểmcũng coi vụ việc là hồi chuông cảnh tỉnh và hiện nay ngành đăng kiểm không ai còn dám làm sai, đồng thời khẳng định, Cục hoàn toàn lắng nghe, tiếp thu rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, cải cách và thay đổi.
Cụ thể, theo Cục Phó Nguyễn Tô An, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ khẩn trương miễn kiểm định lần đầu cho phương tiện lắp ráp, nhập khẩu mới.
Cục cũng sẽ nghiên cứu tham mưu sửa đổi Nghị định 139/2018 về hoạt động của trung tâm đăng kiểm. Ông An thừa nhận, khi xây dựng Nghị định 139, cơ quan này không lường trước trình độ của người đứng đầu đơn vị đăng kiểm.
“Đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, sản phẩm đầu ra liên quan an toàn, nên những người tham gia lĩnh vực này cần có hiểu biết về lĩnh vực mình làm, tránh tình trạng không biết chữ”, Cục Phó Cục Đăng kiểm lưu ý.
Đồng thời, Cục cũng xây dựng phần mềm về hoạt động đăng kiểm tại các đơn vị, để người dân không mất thời gian xếp hàng, có thể nhận kết quả, nộp lệ phí trực tuyến.
Tăng nhân sự để giải quyết ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm
Đề cập về tình trạng quá tải gây ùn tắc ở nhiều trung tâm đăng kiểm, ông Nguyễn Tô An cho hay, do chu kỳ kiểm định cuối năm thường lớn nhất năm, phương tiện mới tăng nhiều vào cuối năm, cộng với các trung tâm bị tạm dừng hoạt động.
Ông dẫn chứng, TP. HCM có 17 trung tâm đăng kiểm, 2 chi nhánh, thì 10 đơn vị và một chi nhánh đã bị tạm dừng. Hà Nội có 30 trung tâm thì 11 đơn vị đóng cửa, Hòa Bình chỉ có một trung tâm cũng đã dừng hoạt động.
“Các sai phạm của các trung tâm đã đóng cửa là do con người, cơ sở vật chất không vi phạm nên đã kiến nghị tiếp tục sử dụng cơ sở vật chất của các đơn vị này và điều chuyển đăng kiểm viên đến làm việc”, ông An nói.
Thời gian qua, Cục đã điều động 8 người đến một trung tâm ở TP.HCM vì nhiều đăng kiểm viên nghỉ phép. Ngoài ra, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đã lên danh sách gần 200 nhân sự để bổ sung cho các trung tâm đăng kiểm.
Cục Đăng kiểm Việt Nam đã khuyến cáo người dân đưa đi bảo dưỡng trước khi đi đăng kiểm để tránh phát hiện hư hỏng, phải quay lại sửa chữa. Có trường hợp quay lại kiểm định 2-3 lần vào mới đạt tiêu chuẩn, gây áp lực cho đơn vị thực hiện. Chủ xe cũng có thể đưa phương tiện đến các tỉnh xa trên đường về quê, đi chơi để giảm tải cho các đơn vị đăng kiểm tại thành phố lớn.
Đối với một số tình huống gây bất tiện cho người dân như khi xe đang kiểm định mà trung tâm đăng kiểm bị công an phong tỏa, ông An cho biết đơn vị đăng kiểm hoặc phía công an sẽ trả lại giấy tờ xe, chủ xe cần đến đơn vị khác đăng kiểm lại.
Việt Nam hiện có 280 trung tâm đăng kiểm, trong đó 196 đơn vị hoạt động theo hình thức xã hội hóa, 64 đơn vị thuộc Sở Giao thông Vận tải và 20 đơn vị trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Vụ án sai phạm tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và nhiều trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên khắp cả nước đang tiếp tục được cơ quan điều tra tích cực mở rộng, làm rõ.