Theo các chuyên gia, nửa cuối năm 2022, thị trường bất động sản Việt Nam bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu đi xuống. Với việc một loạt các chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, thuế gây ảnh hưởng đến tâm lý chung của thị trường.
Loạt sàn bất động sản chấm dứt hoạt động
Phòng Phát triển nhà ở và thị trường bất động sản thuộc Sở Xây dựng TP.HCM vừa công khai thông tin hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn.
Đặc biệt, Sở Xây dựng TP.HCM đã công bố thông tin chấm dứt hoạt động của 6 sàn giao dịch.
Trong đó, ngoài Sàn Giao dịch bất động sản Hoàng Anh (Quận 10) đã chấm dứt hoạt động từ tháng 9/2019, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết có 5 sàn giao dịch bất động sản chấm dứt hoạt động trong tháng 12/2022.
Các sàn nằm trong danh sách được Phòng Phát triển nhà ở và thị trường bất động sản thuộc Sở Xây dựng TP.HCM công bố gồm có Sàn Giao dịch bất động sản Wonderland (Quận 3) của Công ty TNHH Gia Luật Group; Sàn Giao dịch bất động sản Hiệp Long (quận Tân Bình) của Công ty CP Quản lý và Phát triển Hiệp Long; Sàn Giao dịch bất động sản DPV (Quận 3) của Công ty CP Phát triển bất động sản DPV; Sàn Giao dịch bất động sản Milestone Land (TP. Thủ Đức) của Công ty TNHH ImPact Investment Consultancy và Sàn Giao dịch bất động sản Trung Thịnh (Quận 6) của Công ty TNHH Đầu tư phát triển Trung Thịnh.
Theo Phòng Phát triển nhà ở và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM, hiện trên địa bàn TP.HCM có 60 sàn giao dịch bất động sản đang hoạt động. Những sàn này được thành lập trong giai đoạn từ tháng 5/2017 đến tháng 11/2022.
Số doanh nghiệp bất động sản đóng cửa tăng lên
Trong văn bản vừa gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa qua, lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã đề cập tới hàng loạt những khó khăn mà doanh nghiệp địa ốc phải đối mặt, trong đó nổi lên việc doanh nghiệp địa ốc ngừng hoạt động, đóng cửa và cắt giảm nhân sự.
Tổng cục Thống kê công bố số liệu sơ bộ cho thấy trong năm 2022, số lượng doanh nghiệp trong ngành giải thể, ngưng hoạt động lớn hơn nhiều so với giai đoạn trong dịch COVID-19.
Trong đó, chỉ tính riêng 11 tháng đầu năm 2022 đã có 1.081 doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản giải thể, tăng tới 43,9% so với cùng kỳ năm trước và 2.379 doanh nghiệp bất động sản ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 50,7% so với cùng kỳ.
Ông Phạm Lâm, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, ước tính số lượng người làm nghề môi giới bất động sản giảm ít nhất 30% trong hơn một năm qua.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) phát biểu tại hội thảo “Bắt mạch thị trường BĐS Việt Nam và dự báo 2023”, từ cuối quý II/2022, thị trường bất động sản bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu trầm lắng.
“Hàng loạt các chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp..., đã khiến tâm lý chung trên thị trường e ngại, mọi giao dịch bị trì hoãn. Tình trạng này không chỉ kéo dài một hai tháng mà đã diễn ra trong suốt nửa cuối năm 2022 và càng về sau thì “sức khoẻ” thị trường cũng như cộng đồng doanh nghiệp càng suy giảm”, ông Hà nói.
Đồng quan điểm với Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, VARS cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động. VARS ước lượng số lượng môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30-40% so với giai đoạn đầu năm 2022.
Các công ty còn hoạt động trong lĩnh vực này phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, cắt giảm bộ máy nhân sự. Ngoài ra, do tắc nguồn vốn tín dụng, tắc nguồn vốn trái phiếu, tắc cả nguồn vốn huy động từ khách hàng, nên nhiều doanh nghiệp bất động sản “đói vốn”, phải tạm dừng triển khai dự án, thanh toán hoa hồng cho các sàn giao dịch bằng sản phẩm bán hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu (lên đến hơn 30% giá hợp đồng nếu thanh toán ngay).
Báo cáo thị trường bất động sản 2022 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng chỉ ra, thị trường địa ốc năm qua khá ngưng trệ, trầm lắng, yếu giao dịch. Nguồn cung ra thị trường đạt khoảng 48.500 sản phẩm, tương đương 90% tổng lượng sản phẩm chào bán mới năm 2021 - thời điểm thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và chỉ bằng 28% so với năm 2018 (180.000 sản phẩm).
Về tỷ lệ tiêu thụ, toàn thị trường năm 2022 chỉ đạt khoảng 39%, tương đương với 19.000 giao dịch thành công, bằng 69% lượng tiêu thụ năm 2021 và chỉ bằng 17% lượng giao dịch của năm 2018. Riêng quý IV, tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt mức 14%.
Đối với năm 2023, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường địa ốc năm nay sẽ còn nhiều áp lực do kinh tế Việt Nam vẫn sẽ chịu các tác động từ yếu tố bên ngoài.
Tuy nhiên, cơ hội để thị trường phục hồi vẫn có. Giới chuyên gia dự báo, vào khoảng cuối quý II/2023, các giao dịch sẽ xuất hiện nhịp nhàng trở lại, nguồn cung ra thị trường nhiều hơn.