Đánh bé 6 tháng tuổi đến dập não, nữ bảo mẫu đối diện mức án nào?

Thấy bé trai 6 tháng tuổi quấy khóc khi ăn, thay tã, bảo mẫu Võ Thị Mỹ Linh đã dùng tay đánh liên tiếp vào vùng đầu của bé, khiến bé bị dập não.
Sputnik
Trung tâm pháp y TP.HCM đã giám định và cho biết nạn nhân mất 99% sức khoẻ, tiên lượng xấu.

Cháu bé 6 tháng tuổi bị bạo hành

Ngày 15/1, Công an quận Bình Tân đã bắt khẩn cấp Võ Thị Mỹ Linh (30 tuổi) về tội Giết người. Linh là bảo mẫu có hành vi đánh bé trai 6 tháng tuổi đến dập não.
Làm việc với cơ quan điều tra, Linh tỏ ra ân hận, liên tục khóc, cho biết do tức giận nhất thời, không kiềm chế được bản thân nên đã đánh cháu bé.
Nữ bảo mẫu khai đang nuôi con 8 tuổi, không có việc làm ổn định nên nhận giữ trẻ tại nhà ở chung cư Lê Thành, quận Bình Tân, với giá 3-4 triệu/tháng mỗi bé. Hiện Linh đang nhận giữ 4 trẻ, trong đó có 3 bé 1-2 tuổi và bé trai 6 tháng.
Trưa 10/1, thấy bé trai 6 tháng liên tục quấy khóc khi được thay tã, Linh tức giận dùng lòng bàn tay (phần gần cổ tay) đánh 2, 3 cái vào đầu bé. Một lát sau, khi cho ăn sữa, Linh tiếp tục lập lại hành vi khi bé trai nhè ra.
Ngay sau đó, nạn nhân khóc ngằn ngặt, tím tái và có dấu hiệu ngất. Linh hoảng sợ gọi điện báo cho mẹ bé trai, nói dối là cháu bị ngã võng để đến đưa bé đi cấp cứu.
Bệnh viện Nhi đồng 3 TP.HCM xác định, nạn nhân nhập viện trong tình trạng bị dập não, khẩn trương phẫu thuật. Trung tâm pháp y TP HCM giám định và cho biết, nạn nhân mất 99% sức khoẻ, tiên lượng xấu.
Phía công an cho biết, Linh thừa nhận từng nuôi con nhỏ nên hiểu rõ vùng đầu của trẻ 6 tháng tuổi rất dễ bị tổn thương, việc đánh vào khu vực này sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng cháu bé.
Khi Linh đánh cháu bé, trong nhà chỉ có nghi can và các trẻ. Nữ bảo mẫu này mong muốn nạn nhân mau chóng hồi phục sức khỏe, đồng thời chấp nhận bồi thường mọi chi phí thiệt hại cho cháu và gia đình.
Xôn xao clip bé gái bị lột quần áo, bố trói 2 tay treo lên rồi dùng roi đánh ở Hà Tĩnh

Mẹ cháu bé nói gì?

Trưa 15/1, chị Phan Thị Ngọc Ánh (32 tuổi, mẹ nạn nhân) cho biết bản thân kiệt sức, mất ngủ vì lo lắng cho tính mạng con trai. Đến nay, gia đình vẫn chưa được tiếp xúc với cháu bé.
Chị Ánh cho biết là giáo viên trường mầm non gần nhà, còn chồng làm thủ kho cho một công ty. Ngoài bé trai, vợ chồng chị có con trai 8 tuổi. Hai vợ chồng thuê căn hộ ở block C, chung cư Lê Thành với giá 4 triệu đồng/tháng.
Khoảng nửa tháng trước, qua nhóm chat trong cộng đồng cư dân, chị biết Linh sống ở block kế bên, nhận giữ trẻ 6 năm qua và được đánh giá là "tốt, các bé được dạy rất ngoan" nên gửi con từ ngày 3/1.
Thấy Linh trông giữ nhiều trẻ cùng lúc, chị Ánh hơi lo lắng nhưng Linh vẫn khẳng định "có thể đảm bảo chăm sóc các bé tốt do có nhiều kinh nghiệm". Mấy ngày đầu, Linh phản hồi với chị Ánh là cháu bé khó ngủ, khó bú sữa, quấy khóc.
Trưa ngày gửi thứ 5, Linh video call cho chị Ánh, quay cảnh con trai chị đang nằm trên võng và cho hay, "bé ngủ từ sáng đến giờ không dậy". Tuy có thấy gần mắt con có vết bầm nhỏ, trán có một vệt da bị thâm, nhưng chị vẫn không nghi ngờ con bị đánh.
Hai giờ sau, Linh gọi điện báo bé bị ngã võng. Khi đến nơi, chị thấy tay chân con cứng đơ, tím tái nên vội đưa vào bệnh viện cấp cứu.
"Các bác sĩ nói con tôi có thể bị bạo hành dẫn đến thương tích. Tôi không ngờ cô Linh lại nặng tay với con tôi đến vậy", chị Ánh chia sẻ.
Khuya 10/1, cháu bé đã được bệnh viện phẫu thuật. Đến tối 11/1, công an mời bảo mẫu Linh và hai vợ chồng chị Ánh lên làm việc. Tại đây, Linh thừa nhận đã dùng tay đánh cháu chứ không phải té võng.
"Đến thời điểm hiện tại (ngày 15/1), bác sĩ thông báo cho gia đình là con phải điều trị thêm một thời gian dài. Gia đình mong muốn bệnh viện cố gắng cứu chữa cho bé và cầu mong cháu mau hồi phục. Đồng thời, gia đình mong công an điều tra vụ việc tới nơi tới chốn", chị Ánh nói.

Bảo mẫu Võ Thị Mỹ Linh đối diện với mức án nào?

Liên quan đến vụ việc trên, luật sư Lê Bá Thường (Đoàn Luật sư TP.HCM) khẳng định, bất kỳ các cá nhân hoặc cơ sở giữ trẻ tư nhân tự phát thực hiện việc trông giữ trẻ nhưng không được cấp giấy phép thành lập bởi cơ quan quản lý có thẩm quyền đều là vi phạm pháp luật.
Theo đó, đối với hành vi không đảm bảo một trong các điều kiện cho phép hoạt động giáo dục, đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; đăng ký, cho phép hoạt động hoặc công nhận hoạt động tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục, cơ sở giáo dục mầm non sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng (Điểm a Khoản 1 Điều 6 Nghị định 04/2021/NĐ-CP).
Cùng với đó, phạt tiền đối với hành vi tổ chức hoạt động giáo dục hoặc thực hiện dịch vụ giáo dục khi chưa được cho phép hoạt động, chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hoặc chưa được công nhận hoạt động là từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với cơ sở giáo dục mầm non (Điểm a Khoản 5 Điều 6 Nghị định 04/2021/NĐ-CP).
Luật sư cho biết, cùng hành vi vi phạm trên thì mức phạt đối với cá nhân tương ứng là 50% so với tổ chức. Trường hợp bảo mẫu không có chứng chỉ nghiệp vụ bảo mẫu thì sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng.
Đối với hành vi đánh cháu bé đến dập não mà bảo mẫu đã thừa nhận thì chắc chắn sẽ bị phạt hành chính về hành vi gây tổn hại về thể chất, tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em từ 10 triệu đến 20 triệu đồng (Điều 22 Nghị định 130/2021/NĐ-CP).
Hà Nội: Vợ chồng bảo mẫu trói chân, bịt miệng, đánh đập dã man bé 1 tuổi
Hiện vụ án vẫn đang đợi kết luận của cơ quan điều tra. Tùy theo mục đích, động cơ, hậu quả của hành vi gây ra cho bé, nữ bảo mẫu này còn có thể bị truy tố tội hình sự về “tội hành hạ người khác” với mức tù từ 01 năm đến 03 năm (Điều 140 BLHS 2015);
Nếu bị kết tội “cố ý gây thương tích” hoặc gây tổn hại đối với sức khỏe của trẻ em, mức phạt tù là 3 năm (khoản 1 Điều 134 BLHS 2015);
Trường hợp bị truy tố tội “giết người” với người dưới 16 tuổi, nữ bảo mẫu phải đối mặt với mức phạt là tù chung thân hoặc tử hình (điểm b, khoản 1, Điều 123 BLHS 2015).
Thảo luận