Bản tin nợ công của Bộ Tài chính Việt Nam cho biết, trong giai đoạn 2012-2021, nợ nước ngoài của Việt Nam đã tăng từ 58 tỷ USD lên 139 tỷ USD.
Việt Nam nợ nước ngoài 139 tỷ USD
Trong đó, nợ nước ngoài của Chính phủ tăng từ 35 tỷ USD lên 47 tỷ USD, còn nợ nước ngoài của doanh nghiệp tăng từ 23 tỷ USD lên 93 tỷ USD.
Cũng theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng nợ của Việt Nam là khoảng 10,3%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP trung bình, vào khoảng 5,5%/năm.
Qua số liệu sơ bộ này có thể thấy, nợ Chính phủ lẫn nợ doanh nghiệp đều tăng trưởng trong giai đoạn từ 2012 đến 2021. Tuy nhiên, nợ doanh nghiệp vọt lên với tốc độ nhanh hơn nhiều, khiến tỷ trọng nợ chính phủ trong cơ cấu nợ nước ngoài của Việt Nam giảm từ 60% vào năm 2012 xuống chỉ còn 33% vào năm 2021, theo thông tin được Doanh nghiệp và Kinh doanh, chuyên trang của tạp chí Doanh nhân đề cập.
Về nghĩa vụ trả nợ, cần xem xét nền lãi suất cao hay thất, thời hạn và các điều khoản cho vay. Theo Bộ Tài chính, vào năm 2021, Việt Nam phải trả khoảng 130 tỷ USD nợ nước ngoài.
Trong đó, Chính phủ phải trả 2,5 tỷ USD, còn doanh nghiệp phải trả hơn 127 tỷ USD. Đồng thời, lãi và phí của các khoản nợ nước ngoài trong năm 2021 là gần 2 tỷ USD.
Ai là chủ nợ lớn nhất của Việt Nam?
Số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết, Nhật Bản là quốc gia cho Việt Nam vay nhiều nhất, ước tính vào khoảng 14,6 tỷ USD vào năm 2021.
Các bên cho vay lớn khác của Việt Nam là Hàn Quốc (1,8 tỷ USD), Pháp (1,7 tỷ USD), Nga, Đức, Trung Quốc mỗi nước ở mức 1,5 tỷ USD.
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới - World Bank (WB) là tổ chức cho Việt Nam vay nhiều nhất, sau đó là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho Việt Nam vay khoảng 2 tỷ USD, Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) 0,2 tỷ USD, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và Quỹ Phát triển Quốc tế OPEC (OFID) mỗi bên khoảng 0,1 tỷ USD.
Bên cạnh đó, thông qua kênh trái phiếu, Việt Nam được cho là đã huy động khoảng 2,1 tỷ USD từ nước ngoài.
Đồng thời, khoảng 84 tỷ USD nợ của Việt Nam đến từ những người cho vay khác (quốc gia, tổ chức, cá nhân không được liệt kê trong số liệu của Ngân hàng Thế giới - World Bank).
Quy mô nợ của Việt Nam
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khẳng định,nợ không phải lúc nào cũng là điều xấu.
Thực tế, thông qua các khoản vay từ nước ngoài, một quốc gia có thể nhanh chóng tài trợ cho các dự án phát triển. Tất nhiên, khoản nợ này cũng có thể tăng nhanh, đặc biệt trong thời kỳ “đa khủng hoảng” như hiện nay.
Đại dịch COVID-19, việc các ngân hàng trung ương nâng lãi suất để đối phó với lạm phát, khủng hoảng năng lượng và lương thực buộc nhiều quốc gia phải mạnh tay đi vay để trang trải chi phí, và đối mặt với nghĩa vụ trả nợ ngày một nặng nề hơn.
IMF lưu ý, con số tuyệt đối về nợ chỉ chỉ là một trong nhiều yếu tố quyết định khả năng trả nợ của một quốc gia. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tình hình nền kinh tế, thu nhập của chính phủ, loại nợ, lãi suất, bên cho vay, tỷ giá hối đoái, ... đều là những yếu tố ảnh hưởng đến tính bền vững của khoản vay.
Như vậy, tổng nợ nước ngoài/tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có thể là một chỉ số để đánh giá được khả năng chi trả nợ của một nền kinh tế. Năm 2021, tổng nợ/GDP của Việt Nam là 38,4%, mức này được đánh giá là “ở mức trung bình” trong khu vực.
Theo đánh giá của IMF vào tháng 1/2022, nợ nước ngoài của Việt Nam ở mức 36,4% GDP (thấp hơn so với số liệu cuối năm 2021 theo báo cáo từ Bộ Tài chính).
IMF dự báo nợ nước ngoài sẽ ổn định về mức 33% GDP trong trung hạn. Tỷ lệ nợ nước ngoài trên xuất khẩu của Việt Nam là 40%, dưới ngưỡng 50% và nằm trong vùng kiểm soát được.
Trong khi đó, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, tại khu vực Đông Nam Á, Lào, Myanmar, Campuchia đang có nguy cơ rơi vào khủng hoảng nợ nước ngoài.
Trong đó, Lào đang có nguy cơ khủng hoảng nợ rất cao. Những quốc gia này thường là có tỷ lệ nợ nước ngoài/GDP và (hoặc) tỷ lệ nợ nước ngoài/xuất khẩu vượt giới hạn bền vững.
Tuy vậy, thước đo nợ nước ngoài/GDP cũng có nhiều hạn chế. Ví dụ, với Luxembourg, một quốc gia nhỏ tại châu Âu, có tỷ lệ nợ nước ngoài/GDP lên tới 4.874% (nợ gấp 487 lần quy mô nền kinh tế). Dù vậy, nợ nước ngoài của Luxembourg chủ yếu đến từ các tập đoàn tài chính lựa chọn quốc gia này bởi mức thuế suất thấp. Những khoản nợ này vẫn bền vững, bởi chúng được đảm bảo bằng tài sản tương ứng.
Đa số các quốc gia có nền kinh tế, tài chính phát triển đều có tổng nợ nước ngoài/GDP lớn hơn 100%. Tỷ lệ này tại Liên minh châu Âu (EU) là 126%, tại Mỹ là 100,2%, hay ở ASEAN là Singapore (với tỷ lệ nợ nước ngoài/GDP quanh mốc 448%).
Dù vậy, đối với những nền kinh tế kém phát triển thì đó là câu chuyện khác, chẳng hạn như Sudan, mức nợ nước ngoài tương đương 105% GDP là hoàn toàn không bền vững.
Một số nước, chẳng hạn như Venezuela hay Iran, có mức nợ nước ngoài/GDP rất thấp bởi cả hai đều đang bị cấm vận nặng nề và không thể đi vay nước ngoài.
Ranh giới giữa “chủ nợ, con nợ”
Một quốc gia có thể vừa đi vay – tức là con nợ và vừa là chủ nợ. Vị thế đầu tư quốc tế ròng (NIIP) giúp cung cấp cái nhìn tổng quát hơn về tình hình tài chính và khả năng trả nợ của quốc gia.
NIIP được tính bằng cách lấy tài sản ở nước ngoài của một quốc gia trừ đi tổng nợ nước ngoài của nước đó. Nếu NIIP dương, quốc gia này là nước cho vay, và ngược lại, nếu NIIP âm, quốc gia này là nước đi vay.
Cần lưu ý rằng, các nhà đầu tư sử dụng số liệu NIIP để đo lường mức độ tín nhiệm của một quốc gia và doanh nghiệp của quốc gia đó. Các điều khoản thương mại sẽ được quy định bởi các quốc gia cho vay và các quốc gia đi vay sẽ là bên phải thực hiện các nghĩa vụ nợ đã quy định.
Tại châu Á, Nhật Bản và Trung Quốc là hai quốc gia cho vay lớn nhất. Còn ở châu Âu, người cho vay lớn nhất là Đức, Na Uy và Thụy Sỹ. Thông thường, các quốc gia cho vay có tình hình tài chính ổn định, còn những nước đi vay quá mức có thể đã, hoặc sắp trải qua khủng hoảng nợ.
Chỉ số NIIP cũng có những ngoại lệ, chẳng hạn như Mỹ. Mặc dù là nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ đồng thời cũng là con nợ số một hành tinh. Cụ thể, tính đến tháng 9/2022, NIIP của Mỹ đã âm gần 17.000 tỷ USD. Tuy nhiên, vị thế của Mỹ và đồng USD trong nền kinh tế thế giới cho phép quốc gia này chịu mức thâm hụt khổng lồ mà hầu hết các nước trên toàn cầu khác ‘khó gánh nổi’.
Nợ nước ngoài của Việt Nam vẫn an toàn
Tại Việt Nam, kể từ năm 2009, Luật Quản lý Nợ công được ban hành đã giúp cho công tác quản lý nợ ngày càng đi vào nề nếp, rồi đến năm 2017 Luật Quản lý nợ công được sửa đổi đã nâng cao hiệu quả quản lý nợ công.
Từ đó, nợ nước ngoài của Việt Nam trong 5 năm qua không quá 50% GDP, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia dưới 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ.
Cơ cấu dư nợ nước ngoài của Chính phủ giảm dần, từ 59,7% năm 2010 xuống còn 35,3% trong năm 2020. Nợ vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh cũng đang có xu hướng giảm dần, từ 10,5% năm 2010 xuống 6% năm 2020.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại Võ Hữu Hiển, năm 2022, các chỉ tiêu an toàn nợ công tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, nằm trong giới hạn trần nợ được Quốc hội phê chuẩn, góp phần bồi đắp dư địa chính sách tài khóa.
Dư nợ trong nước tăng lên, chiếm khoảng 70% dư nợ Chính phủ, chủ yếu là trái phiếu chính phủ có kỳ hạn phát hành dài (trung bình khoảng 12,67 năm tính đến ngày 15/12/2022); nợ nước ngoài của Việt Nam chủ yếu vẫn là vay ODA, vay ưu đãi có thời hạn dài, góp phần giảm thiểu rủi ro tỷ giá, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.
Ngoài ra, nợ được Chính phủ bảo lãnh tiếp tục xu hướng giảm mạnh, từ mức 8,8% GDP năm 2015 xuống còn khoảng 3,2% GDP năm 2022.
“Hiệu quả công tác quản lý nợ công, nợ Chính phủ trong năm 2022 tiếp tục được giữ vững. Dự kiến đến cuối năm 2022, dư nợ công khoảng 43-44% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 40-41% GDP”, - đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh.