Trung ương cũng nhấn mạnh, nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc “đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu”.
Cơ quan nào sẽ quyết định chức Chủ tịch nước của ông Nguyễn Xuân Phúc?
Vì sao ông Nguyễn Xuân Phúc thôi chức Chủ tịch nước?
Như Sputnik đã đưa tin, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đã thôi làm Chủ tịch nước.
Toàn văn thông cáo báo chí của Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được TTXVN, cổng thông tin Chính phủ cùng hàng loạt cơ quan báo chí trong nước phát đi nêu rõ, ngày 17/01/2023, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã họp xem xét và cho ý kiến về nguyện vọng thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác và nghỉ hưu của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Thực tế, từ giai đoạn 2011 – 2016, khi còn giữ vai trò là Phó Thủ tướng thường trực, xử lý trực tiếp các nhiệm vụ, trọng trách của Chính phủ Việt Nam cùng nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Phúc đã là cán bộ lãnh đạo được chú ý và được đông đảo nhân dân biết tới.
Trung ương đánh giá, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng và được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị các khoá tín nhiệm phân công giữ nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước.
“Trên cương vị Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021, Đồng chí đã có nhiều nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch Covid-19 đạt kết quả quan trọng”, - thông cáo khẳng định.
Một nội dung quan trọng được đánh giá là đã lý giải vì sao Trung ương thống nhất quyết định để ông Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021-2026, đó chính là “trách nhiệm chính trị của người đứng đầu” khi cán bộ cấp dưới có vi phạm.
Trung ương Đảng khẳng định:
“Đồng chí chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 đồng chí Phó Thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng; 2 đồng chí Phó Thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự”.
Qua thông cáo của Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc thôi chức vụ là theo nguyện vọng cá nhân. Ông đã có đơn xin nghỉ công tác.
“Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân, đồng chí đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu. Căn cứ quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và xem xét nguyện vọng của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để đồng chí Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ các chức vụ Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021 – 2026”, - Trung ương Đảng nêu rõ.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã giao Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các thủ tục theo quy định.
Cơ quan nào sẽ quyết định chức vụ Chủ tịch nước của ông Nguyễn Xuân Phúc?
Theo Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Chủ tịch nước đứng đầu Nhà nước, thay mặt đất nước về đối nội và đối ngoại.
Đồng thời, Chủ tịch nước do Quốc hội Việt Nam bầu trong số đại biểu Quốc hội, do đó Quốc hội sẽ phải tiến hành quy trình miễn nhiệm Chủ tịch nước.
Nhiệm kỳ khóa XIII này, Bộ Chính trị có 18 ủy viên. Sau khi các đồng chí Phạm Bình Minh và Nguyễn Xuân Phúc thôi chức vụ, hiện Việt Nam còn 16 ủy viên trong Bộ Chính trị.
Thông tin thêm về quy trình thủ tục liên quan đến chức vụ Chủ tịch nước, báo Dân Việt cho hay, theo Hiến pháp năm 2013, Chủ tịch nước là Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, an ninh.
Ở Việt Nam, Hội đồng quốc phòng và an ninh gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên. Danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh do Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn.
Hội đồng quốc phòng và an ninh làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số. Hội đồng quốc phòng và an ninh trình Quốc hội quyết định tình trạng chiến tranh, trường hợp Quốc hội không thể họp được thì trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định; động viên mọi lực lượng và khả năng của đất nước để bảo vệ Tổ quốc; thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn đặc biệt do Quốc hội giao trong trường hợp có chiến tranh; quyết định việc lực lượng vũ trang nhân dân tham gia hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới.
Trong Đảng Cộng sản Việt Nam không có “thanh trừng nội bộ”
Trên cổng thông tin của Ban Tuyên giáo Trung ương dẫn phân tích của TS. Văn Thị Thanh Mai - TS. Đinh Quang Thành khẳng định, trong Đảng Cộng sản Việt Nam không có chuyện thanh trừng nội bộ, không có đấu đá nội bộ hay trành giành phe cánh để vào “Bộ Chính trị” hay “ngôi tứ trụ” khi Đảng cho “thôi chức” hay Quốc hội “miễn nhiệm” một cán bộ, đảng viên nào đó tùy theo nguyện vọng cá nhân hay khả năng đảm nhiệm công việc được giao phó (trừ việc bị kỷ luật, vi phạm pháp luật buộc phải tuân thủ).
Dẫn chứng việc trên mạng xã hội xuất hiện nhiều bài viết suy diễn và xuyên tạc bản chất vấn đề liên quan đến quyết định cho Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thôi chức Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII ngày 5/1/2023 theo “nguyện vọng cá nhân” là “sự thanh trừng nội bộ”, là sự “tranh giành phe cánh” trước kỳ họp lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ khóa XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, chuyên gia nhấn mạnh, đây đều là các đánh giá “không khách quan”, không chỉ mang tính xuyên tạc công tác cán bộ, cuộc đấu tranh chống tham nhũng gắn liền với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng ở Việt Nam mà còn gây tâm lý hoang mang, bất ổn trong xã hội.
Từ đánh giá về công tác cán bộ của Thường trực Bí thư Võ Văn Thưởng rằng việc cho “thôi chức” đối với các cán bộ cấp là bước tiến rất lớn, góp phần để phương châm “có lên, có xuống, có vào, có ra” được triển khai đồng bộ từ Trung ương xuống địa phương, TS. Văn Thị Thanh Mai - TS. Đinh Quang Thành bày tỏ, việc “miễn nhiệm” 2 Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam “theo nguyện vọng của cá nhân” không chỉ là sự thay đổi, phù hợp mà còn là minh chứng thể hiện tính nhân văn trong công tác cán bộ của Đảng.
“Tuyệt đối không phải là “sự thanh trừng nội bộ” và càng không phải việc “thôi chức”, “miễn nhiệm” này là kết quả một vụ tranh chấp phe nhóm trong nội bộ”, - chuyên gia nhắc lại.
Nhấn mạnh việc cho “thôi chức” và “miễn nhiệm” cán bộ; đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng gắn liền với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng ở Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo chắc chắn không phải là “việc đấu đá, tranh giành quyền lực giữa các phe nhóm”. Hai TS. Thành và Mai lưu ý, những kết quả đạt được dù tiếp cận ở chiều cạnh nào cũng cho thấy tham nhũng không chỉ từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe đến tất cả mọi người, mọi cán bộ, đảng viên của Đảng.
TS. Văn Thị Thanh Mai - TS. Đinh Quang Thành nêu rõ, cần kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng của Đảng, đồng thời, chủ động đấu tranh, bác bỏ sự vu khống cho rằng công tác cán bộ của Đảng và đấu tranh chống tham nhũng là “cuộc thanh trừng nội bộ” của các thế lực thù địch.
Sắp tới, theo đúng quy trình và Hiến pháp Việt Nam, Quốc hội sẽ tiến hành tuần tự các bước trình tự miễn nhiệm và bầu Chủ tịch nước thay đồng chí Nguyễn Xuân Phúc.