Phản ánh thực trạng hỗn loạn toàn cầu đang diễn ra trên thế giới
“Trong danh sách các tỷ phú tham dự Davos lần này, không có một tỷ phú nào của Nga (tháng 3/2022, Diễn đàn Davos đã “đóng băng” quan hệ với các tổ chức của Nga) và Trung Quốc (vẫn đang vật lộn với số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt và sự lao dốc của thị trường chứng khoán), Trung Quốc chỉ có đoàn chính phủ do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu. Mặc dù 116 tỷ phú là con số kỷ lục, nhưng thành phần của nó phản ánh thực trạng hỗn loạn toàn cầu đang diễn ra trên thế giới trong bối cảnh xung đột ở Ukraina, sự tiếp tục lây lan của dịch bệnh và lạm phát vẫn gia tăng”, - TS kinh tế Lê Xuân Hòa phát biểu với Sputnik.
“Ở WEF DAVOS 2023, Thủ tướng Olaf Scholz không thể tuyên bố thay mặt các quốc gia G7, bà Ursula von der Leyen không thể nói thay các nguyên thủ quốc gia EU; và ông Antonio Guterres cũng không thể tuyên bố nhân danh các quốc gia toàn cầu tại diễn đàn này. Vì vậy, có thể thấy trước rằng, DAVOS 2023 sẽ là một kỳ họp ảm đạm nhất của WEF từ trước tới nay”, - Chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Minh Hoàng nhấn mạnh.
“Davos 2023 không có đủ những tên tuổi lớn, những người đứng đầu các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Danh sách khách mời của WEF thì dày đặc nhưng tôi đánh giá, ban tổ chức Davos lần này sẽ không làm nên bước ngoặt gì”, - TS quan hệ quốc tế Hoàng Giang đưa ra bình luận trong trả lời phỏng vấn cho Sputnik.
Không nên kỳ vọng nhiều vào Diễn đàn Davos năm nay
“Từ chỗ là một diễn đàn chuyên về kinh tế toàn cầu, việc mở rộng phạm vi thảo luận sang các vấn đề khác như “chiến sự tại Ukraina”, vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu, các cuộc khủng hoảng bộ ba về năng lượng, lương thực và tài chính toàn cầu… cho thấy WEF đang bế tắc khi xử lý nhiều vấn đề của kỳ họp. Ngay cả việc đặt ra chủ đề “Hợp tác trong một thế giới bị phân mảnh” cũng cho thấy rõ xu hướng “chính trị hóa” của diễn đàn này. Sở dĩ có điều này là do ngay từ khi mới ra đời, WEF đã là một diễn đàn phục vụ cho mục đích chính trị - kinh tế toàn cầu của các quốc gia G7, đứng đầu là Mỹ và thực chất đã trở thành một “cánh tay nối dài” của G7 chứ không phải vì mục đích vì một nền kinh tế toàn cầu bình đẳng và công bằng”, - Chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Minh Hoàng phát biểu với Sputnik.
“Vốn là một sản phẩm hỗ trợ cho toàn cầu hóa dưới sự lãnh đạo độc tôn của Mỹ, một thứ chủ nghĩa thực dân kiểu mới đầu thế kỷ XXI, WEF ngày càng tỏ ra kém hấp dẫn và yếu thế hơn hẳn so với các diễn đàn kinh tế khu vực, đặc biệt là Châu Á – Thái Bình Dương đang trở thành trung tâm kinh tế-chính trị toàn cầu. Mặt khác, quá trình toàn cầu hóa kiểu Mỹ đã đi đến thất bại thì sự suy thoái của WEF Davos là không tránh khỏi do nó đã phụ thuộc quá nhiều và đường lối toàn cầu hóa của Mỹ tới mức khó mà thoát ra được”, - Chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Minh Hoàng nhấn mạnh.