Đến nay, Việt Nam là nhà sản xuất giày dép lớn thứ ba ở châu Á, và thứ tư trên thế giới.
Da giày Việt Nam xuất khẩu 28 tỷ USD
Năm 2022, hai ngành mũi nhọn là dệt may và da giày mang về kim ngạch xuất khẩu kỷ lục 71 tỷ USD cho Việt Nam, cao nhất từ trước đến nay.
Trong đó, thống kê cho thấy, năm 2022, ngành da giày, túi xách tạo nên một kỷ lục mới khi ghi nhậnkim ngạch xuất khẩu 28 tỷ USD, tăng hơn 6,2 tỷ USD về giá trị tuyệt đối so với năm 2021.
Sau giai đoạn khó khăn của năm 2021, khi đại dịch Covid-19 làm đình trệ các trung tâm sản xuất da giày lớn nhất của đất nước tại nhiều tỉnh/thành như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, năm 2022, ngành xuất khẩu mũi nhọn này của Việt Nam vươn lên lên mạnh mẽ với kết quả kỷ lục 28 tỷ USD, cao hơn kế hoạch ban đầu đề ra. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt 23,932 tỷ USD, tăng 34,8% còn túi xách, vali, ô dù đạt xấp xỉ 4,1 tỷ USD, tăng 35,6% so với cùng kỳ năm trước.
So sánh về giá trị tuyệt đối thì xuất khẩu giày dép các loại tăng thêm gần 6,2 tỷ USD so với năm ngoái (mức thực hiện năm ngoái chỉ 17,75 tỷ USD), còn túi xách, vali, ô dù tăng thêm hơn 1 tỷ USD (năm ngoái, mặt hàng này chỉ đạt 3,022 tỷ USD).
Định vị vị thế da giày Việt Nam trên bản đồ thế giới
Đánh giá lại kết quả sản xuất, kinh doanh của ngành năm vừa qua, báo Đầu tư dẫn lời bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO) cho hay, 3 quý đầu năm 2022 xuất khẩu toàn ngành tăng tốc mạnh mẽ, nhưng từ quý IV/2022 tình hình thị trường chuyển biến xấu, đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, nhiều doanh nghiệp thậm chí phải cho lao động luân phiên nghỉ việc.
Dù vậy, kim ngạch xuất khẩu của ngành sang các khu vực thị trường vẫn tăng trưởng tốt, qua đó, định vị vị thế của da giày Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Theo đó, mạnh nhất là Nam Mỹ, 11 tháng năm 2022 tăng 50,5% và liên tục tăng tại các khu vực khác như Bắc Mỹ 39,1%, châu Âu 47,5%, châu Á 28,4%, châu Đại Dương 39,4%.
Năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu da giày lớn nhất của Việt Nam, đạt 10,722 tỷ USD, tăng 37,3% so với 11 tháng năm 2021. Tiếp đó là thị trường Trung Quốc đứng thứ 2 đạt 1,659 tỷ USD, tăng 8,6%. Bất ngờ, Bỉ là thị trường đứng thứ 3 với 1,613 tỷ USD, tăng 51,0%.
Không chỉ lập kỷ lục về tăng trưởng cao, sản phẩm giày dép, túi xách đã tiến mạnh sang các thị trường có Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhờ đó, tăng tận dụng ưu đãi thuế quan.
Trong số các nhóm hàng công nghiệp xuất khẩu, giày dép là ngành có tỷ lệ kim ngạch xuất đi EU được hưởng ưu đãi thuế quan cao nhất. Theo Hiệp hội, EVFTA góp phần rất tốt trong thành tích xuất khẩu của ngành da giày nhìn ở cả con số tăng trưởng, gia tăng thị phần và hưởng ưu đãi.
“Nếu trước khi EVFTA có hiệu lực, tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường EU chiếm vào khoảng 22 - 23%, nhưng sau 2 năm thực thi EVFTA đã tăng lên 26%. Các thị trường có FTA như CPTPP, UKVFTA, VKFTA...đều ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số trong năm qua”, - LEFASO lưu ý.
Với lợi thế về thu hút nguồn vốn FDI vào sản xuất trong hơn thập kỷ qua, ngành da giày Việt Nam vẫn là địa chỉ cung ứng giày dép tin cậy cho các Tập đoàn, doanh nghiệp toàn cầu.
Hiện Việt Nam là nhà sản xuất giày dép lớn thứ ba ở châu Á, và thứ tư trên thế giới. Sản lượng xuất khẩu giày dép của Việt Nam chỉ đứng sau thị trườngTrung Quốc, hàng năm xuất khẩu hơn 1 tỷ đôi giày các loại sang nhiều thị trường trên thế giới, trong đó nhiều hãng giày lớn như Nike, Adidas cho biết tiếp tục tính toán để mở rộng sản xuất tại Việt Nam.
Như Sputnik cũng đã đề cập, tập đoàn Adidas đã có những kết quả kinh doanh hết sức tích cực trong năm 2022 và Việt Nam tiếp tục là địa bàn chiến lược của Adidas. Việt Nam là nguồn cung ứng quan trọng nhất cho Adidas.
Câu chuyện với Nike cũng tương tự. Việt Nam cũng là địa chỉ sản xuất lớn của Tập đoàn Nike. Hiện, Nike sản xuất khoảng 600 triệu đôi giày mỗi năm và 50% trong số đó được sản xuất tại Việt Nam, 50% nguyên liệu cho chuỗi cung ứng toàn cầu của Nike cũng từ Việt Nam.
Vẫn là chủ lực
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) và Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO), thực tế, 2022 là năm thách thức của ngành khi đứng trước sức ép kinh tế toàn cầu suy giảm, lạm phát tăng cao tại nhiều nền kinh tế lớn khiến nhu cầu hàng dệt may, giày dép sụt giảm.
Nhất là trong nửa cuối năm, khó khăn bủa vây, lạm phát tác động đến sức mua toàn cầu khiến đơn đặt hàng của các doanh nghiệp sụt giảm. Tuy nhiên, ngành dệt may và da giày vẫn đạt được mức tăng trưởng 2 con số. Đây là kết quả rất đáng mừng.
Hiệp hội cũng lưu ý, chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu năm 2022 đã hoàn thành với tăng trưởng khá, nhưng điều này không bảo đảm rằng ngành dệt may và da giày sẽ duy trì được sự tăng trưởng trong năm 2023, do đang có rất nhiều yếu tố khách quan tác động xấu đến sự tăng trưởng của ngành.
Đặc biệt, tình trạng lạm phát tăng cao ở hầu hết thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ, EU… ảnh hưởng đến tiêu dùng những mặt hàng không thiết yếu. Các ngành hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng rõ nhất là đồ gỗ, hàng dệt may, giày dép, điện tử, nhựa và sản phẩm nhựa…
Tính trong dài hạn, dệt may, da giày vẫn là ngành xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế Việt nam. Thêm vào đó, Chiến lược Phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 vừa được Chính phủ phê duyệt.
Chiến lược đặt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2030, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu dệt may và da giày bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 6,8 - 7%/năm, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 đạt 7,2 - 7,7%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu hai ngành năm 2025 đạt 77 - 80 tỷ USD, năm 2030 đạt 106 - 108 tỷ USD.
Chính phủ cũng mong muốn ngành dệt may và da giày tiếp tục thúc đẩy đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu, công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, da giày; chú trọng đến sản xuất vải, vải nhân tạo, da thuộc, khuyến khích sản xuất vải từ sợi sản xuất trong nước nhằm giảm nhập khẩu, tác động tích cực đến mối liên kết, hình thành chuỗi giá trị và cung ứng hoàn chỉnh trong ngành.
Với tiền đề tốt của năm 2022 khi xuất khẩu da giày của Việt Nam sang các thị trường có hiệp định thương mại tự do như khu vực EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU), CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), UKVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh và Bắc Ireland) và ASEAN vẫn tăng trưởng mạnh, lần lượt là 50,7%, 46,1%, 41,3% và 64,9%, Việt Nam vẫn sẽ khai thác những điểm đến quan trọng này và tận dụng tối đa lợi thế các FTA.
Năm 2023, ngành da giày Việt nam phấn đấu đạt kim ngạch khoảng 27 - 28 tỷ USD.