Xuất khẩu Việt Nam bước vào “cuộc chơi khắt khe” hơn trong năm 2023

Bất chấp những thách thức lớn cho xuất khẩu năm 2023, Việt Nam vẫn đặt mục tiêu đạt tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2023 tăng khoảng 6% so với năm 2022; cán cân thương mại duy trì xuất siêu.
Sputnik
Năm 2022, xuất nhập khẩu của Việt Nam đã lập kỷ lục mới với hơn 732 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Trong đó, xuất khẩu tăng khoảng 10,5%, đạt khoảng 371,5 tỷ USD, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu. Thặng dư thương mại đạt gần 11 tỷ USD. Đây là năm thứ 7 liên tiếp Việt Nam xuất siêu.
Nhưng điều gì sẽ chờ đợi xuất khẩu hàng Việt – một trong những độc lực chính về phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm 2023? Những thách thức và khó khăn gì xuất khẩu Việt Nam đang và sẽ phải gặp phải? Những giải pháp thích ứng là gì?
Sputnik đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ kinh tế Lê Hòa (tốt nghiệp kinh tế -tài chính tại Liên bang Nga) về chủ đề trên.

Kim ngạch năm 2022 tăng cao nhưng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đối mặt với rất nhiều vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài

Đánh giá về kết quả xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022, Tiến sỹ Lê Xuân Hòa bình luận: Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong năm 2022, lần đầu tiên trong lịch sử, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vượt mốc 700 tỷ, đạt gần 732 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021. Xuất khẩu đạt khoảng 371,5 tỷ USD, tăng 10,5%,. Thặng dư thương mại đạt gần 11 tỷ USD. Trong kết quả xuất siêu 11 tỷ USD đã có tới 10 tỷ USD là từ ngành nông nghiệp. Trong số các mặt hàng xuất khẩu, có 39 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, tăng 4 so với năm ngoái. 9 mặt hàng ghi nhận kim ngạch trên 10 tỷ USD. Đây là những con số ấn tượng.
Dân châu Âu phải đốt viên nén gỗ để sưởi ấm, Việt Nam xuất khẩu thứ 2 thế giới
Nhưng, cũng theo báo cáo của Bộ Công Thương, dù đạt mức kim ngạch tăng cao nhưng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài. Đến nay, các nước đã tiến hành điều tra 225 vụ việc phòng vệ thương mại với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Một điểm nữa là bắt đầu từ quý 4, tốc độ tăng xuất khẩu chậm lại, thị trường bị thu hẹp, đơn hàng giảm, cạnh tranh gia tăng. Chi phí đầu vào tăng nhưng giá không tăng khiến một số hàng xuất khẩu giảm sức cạnh tranh.
Đặc biệt cần lưu ý một khía cạnh nữa là xuất khẩu tăng cao nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI vẫn còn lớn, 74% xuất khẩu thuộc khối FDI; năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước chưa cao.
Một điểm quan trọng nữa mà Thứ trưởng BCT Trần Quốc Khánh cũng đã nói tại Hội nghị tổng kết hoạt động ngành công thương vào cuối tháng 12/2022, đó là tốc độ đa dạng hoá thị trường một số sản phẩm, như rau quả, còn chậm nên chưa đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng, chưa tận dụng tốt các FTA đã ký. Việc chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch còn chậm.
Theo đánh giá chung, mức tăng trưởng xuất khẩu là hiệu quả của nhiều FTA (Hiệp định thương mại tự do) đã ký, nhưng tình hình càng ngày càng phức tạp hơn.

Năm 2023 sẽ phức tạp hơn

Nói về những khó khăn và thách thức đối với xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023, Tiến sỹ Lê Hòa nói: Năm 2023 sẽ phức tạp hơn, "cuộc chơi sẽ khắt khe, cạnh tranh hơn" cho ngành xuất khẩu của Việt Nam, sẽ có nhiều khó khăn và thách thức hơn.
Khó khăn lớn nhất là nhiều nền kinh tế trên thế giới được dự báo lạm phát cao, suy thoái, trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị trên thế giới, kéo theo sức mua, tiêu dùng trên toàn cầu giảm, nhất là tại các thị trường lớn như Mỹ và EU là những thị trường nhập khẩu nhiều hàng hóa của Việt Nam. Điều này đã bộc lộ rõ từ những tháng cuối năm 2022, đó là tình trạng thiếu đơn hàng. Rất nhiều đơn hàng xuất khẩu của hầu hết các ngành hàng tiêu dùng bị cắt giảm, bị hoãn hoặc bị hủy và nhiều doanh nghiệp không ký được đơn hàng mới. Dệt may, da giày là những ngành hàng chịu tác động mạnh nhất.
Việt Nam tăng sản xuất và nhập khẩu điện khi kinh tế phát triển ‘thần tốc’
Khó khăn lớn tiếp theo là xu hướng toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại đang đi chệch hướng. Điều này đã diễn ra mấy năm gần đây. Điều này thể hiện ở việc nhiều quốc gia điều chỉnh các biện pháp thương mại (gia tăng các biện pháp phòng vệ, đánh thuế chống phá giá,…), các đối tác thương mại trở nên khó tính hơn, họ điều chỉnh các điều kiện thương mại, phi thương mại, các quy định liên quan tới giảm phát thải carbon, siết chặt vấn đề chất lượng với hàng hoá nhập khẩu. Không thể không nhắc tới vấn đề chiến tranh thương mại. Rồi vấn đề môi trường đang được chú trọng nhiều hơn. Ví dụ, một số thị trường có thể sẽ áp dụng thuế carbon đối với hàng xuất khẩu, và đó sẽ là một hàng rào mới cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Tiến sỹ Lê Hòa cũng nhấn mạnh: Thách thức tiếp theo là áp lực tài chính đối với doanh nghiệp xuất khẩu: Từ tình trạng thiếu vốn, tiếp cận vốn khó khăn do áp lực lãi vay tăng cao đến việc tỷ giá ngoại tệ biến động tăng, rồi chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng và ở mức cao, trong khi các doanh nghiệp đa phần khó khăn do phải chống chịu với các tác động, ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 suốt hơn 2 năm qua.

Tìm kiếm những giải pháp thích ứng

Trong bối cảnh những thách thức đã đề cập ở trên thì việc tìm giải pháp thích ứng được đặt ra và thảo luận sôi nổi trong giới chuyên gia kinh tế, tài chính, các nhà hoạch định chính sách trong thời gian gần đây.
Về thuận lợi: Việt Nam đã có 15 FTA, trong đó có các FTA thế hệ mới và các doanh nghiệp Việt Nam đã có kinh nghiệm làm việc trong khuôn khổ những FTA đã ký. Thuận lợi thứ hai là Việt Nam vẫn có nguồn đầu tư để thúc đẩy sản xuất, đã có kinh nghiệm xử lý trong điều kiện các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, gián đoạn trong những năm Covid. Những thuận lợi đó cần được khai thác hiệu quả hơn.
Vai trò của các cơ quan nhà nước là về thể chế, dẫn dắt và định hướng. BCT đã cam kết tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tận dụng khai thác các lợi thế của FTA, nhất là các FTA thế hệ mới mà trong năm 2022 vẫn chưa thực sự khai thác tốt.
EAEU tiến tới thành lập “Liên minh khí đốt ba bên” và ký FTA với UAE
Xuất khẩu các hàng nông sản của Việt Nam trong năm 2023 chắc vẫn không có biến động gì lớn, vì nhu cầu lương thực, thực phẩm trên thế giới vẫn rất lớn, cộng thêm sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng liên quan tới xuất khẩu, có một vấn đề đặc biệt cần lưu ý là khối FDI. Ai cũng hiểu, FDI đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, trong đó có xuất khẩu, nhưng Việt Nam cũng cần nhìn nhận rõ rằng, nhiều doanh nghiệp FDI sử dụng Việt Nam như một “vùng đệm” cho xuất khẩu của họ, lợi dụng các ưu thế của những FTA mà Việt Nam đã ký. Nhìn việc nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc và Hàn Quốc là hiểu. Trong năm 2022, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 61 tỷ USD, từ Hàn Quốc là hơn 38 tỷ, từ ASEAN 13,6 tỷ. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc là sản phẩm nông nghiệp, trong khi đó nhập từ những nước đó chủ yếu là nguyên liệu cho các ngành công nghiệp giày da, may mặc, điện tử. Trong tình hình biến động tại các thị trường hiện nay, việc giảm mạnh xuất khẩu sản phẩm của các ngành này trong năm 2023 là hoàn toàn có thể.
Theo Tiến sỹ Lê Hòa, các giải pháp ứng phó những thách thức cần thiết là: Xuất xứ hàng hóa phù hợp, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, chuyển đổi nguồn cung nguyên liệu, tìm nguồn nguyên liệu hợp lý, hoạt động xúc tiến thương mại, sử dụng kênh thương mại điện tử, thông tin thị trường, hỗ trợ nhiều hơn cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là việc tiếp cận vốn và mở rộng tìm kiếm, đa dạng hóa thị trường cũng như sản phẩm xuất khẩu. Nhưng, quan trọng nhất vẫn là sự chủ động và ứng phó linh hoạt của các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu.
Bất chấp những thách thức lớn và “cuộc chơi” khắt khe hơn trong năm Quý Mão, ngành Công Thương đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2023 tăng khoảng 6% so với năm 2022; cán cân thương mại duy trì xuất siêu.
Thảo luận