Hiệp định Paris 1973: Thắng lợi của chiến lược “vừa đánh, vừa đàm”
HÀ NỘI (Sputnik) - Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đánh dấu thắng lợi vang dội của ngoại giao cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Không chỉ vậy, sự kiện này còn để lại bài học kinh nghiệm ngoại giao quý báu về độc lập tự chủ và đoàn kết quốc tế.
SputnikBước ngoặt trong đàm phán
Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam diễn ra trong bối cảnh quốc tế khó khăn và những năm cuối
cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc Việt Nam đang ở thời điểm ác liệt nhất.
Chia sẻ với Sputnik, TS. Nguyễn Mạnh Hà, nguyên giám đốc Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, phân tích rằng thời điểm đó với 50 nghìn quân tham chiến tại Việt Nam nhưng Washinton đã nhận thức được không thể thắng Hà Nội bằng quân sự sau sự kiện Tết Mậu Thân 1968.
Ngày 1/11/1968, Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson buộc phải tuyên bố chấm dứt mọi hành động chiến tranh đối với miền Bắc Việt Nam. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chấp thuận chỉ khi Tổng thống Mỹ Johnson đề nghị Việt Nam đàm phán không điều kiện.
“Việc hai bên ngồi vào bàn đàm phán tạo ra một bước ngoặt của cuộc chiến tranh. Trước đây, hai bên chỉ dùng quân sự để “nói chuyện” với nhau nhưng bây giờ, vừa quân sự vừa ngoại giao (đàm phán). Mỹ quyết định rút ra khỏi cuộc chiến tranh”, TS. Nguyễn Mạnh Hà nhấn mạnh.
Theo chuyên gia trên, cần lưu ý hai điểm quan trọng mà Việt Nam đạt được tại Hiệp định Paris 1973. Thứ nhất, điều 1 của Hiệp định nêu rõ “Hoa Kỳ và các nước khác cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam”.
“Ở đây cần nhấn mạnh đến chữ “thống nhất” bởi vì đất nước Việt Nam lúc đó bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc, bây giờ sẽ có sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền đất nước Việt Nam”, chuyên gia cho biết.
Thứ hai, điều 5 của Hiệp định nêu rõ trong vòng 60 ngày kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, quân Mỹ, quân các nước đồng minh của Mỹ và vũ khí trang bị rút hết khỏi miền Nam Việt Nam. TS. Nguyễn Mạnh Hà chỉ ra:
“Bằng Hiệp định này, chúng ta đã đẩy được quân đội Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam. Và cuộc chiến tranh chuyển sang bước ngoặt quan trọng tiếp theo. Giờ đây, quân và dân Việt Nam chỉ phải chiến đấu với một đối tượng - quân đội và chính quyền Sài Gòn. Với sự viện trợ của quân đội Mỹ giảm sút rất nhiều thì rõ ràng tạo ra điều kiện thuận lợi cho quân và dân Việt Nam nói chung tiến lên, hoàn thành nhiệm vụ “đánh cho Ngụy nhào” như trong câu thơ chúc Tết Xuân 1969 của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Đường lối lãnh đạo sáng suốt trên mặt trận ngoại giao
Có thể khẳng định rằng, đường lối lãnh đạo của
Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCS Việt Nam) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ được thể hiện rất rõ thông qua việc kết hợp các mặt trận đấu tranh.
Trong giai đoạn 1954-1960 ưu tiên đấu tranh chính trị để yêu cầu đối phương thi hành Hiệp định Geneva. Sau đó, ĐCS Việt Nam quyết định đấu tranh chính trị có ngoại giao hỗ trợ.
“Đến đầu năm 1967 khi tình hình quốc tế có điều kiện thuận lợi cho đấu tranh ngoại giao, Trung ương ĐCS Việt Nam đã họp Hội nghị lần thứ 13 (1/1967) đưa ra Nghị quyết. Trong đó phải đưa mặt trận đấu tranh ngoại giao lúc đó đã chín muồi khi quân chiến đấu Mỹ vào miền Nam Việt Nam không thể xoay chuyển được tình hình. Thứ hai, nhân dân thế giới phản đối chiến tranh Việt Nam, kể cả nhân dân Mỹ. Thứ ba, phe XHCN quay lại ủng hộ và viện trợ cho Việt Nam rất nhiều”. TS Nguyễn Mạnh Hà phân tích.
Trước điều kiện thuận lợi từ phía Hoa Kỳ muốn đàm phán hòa bình, triển khai Nghị quyết đưa mặt trận đấu tranh ngoại giao, nhưng trên thực tế Việt Nam vẫn phải triển khai “đòn quân sự” quyết định.
“Trên thực tế, đồng chí Lê Duẩn, lúc đó là Bí thứ thứ nhất BCH TW ĐCS Việt Nam, đã nói “Mở cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 này để làm tung tóe các khả năng”. Nghĩa là làm mở ra các khả năng trong đó có khả năng ngoại giao”, nguyên giám đốc Viện Lịch sử Đảng, Học viện Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Mạnh Hà nhận định rằng, chủ trương kết hợp linh hoạt quân sự và ngoại giao của ĐCS Việt Nam là đường lối rất sáng suốt. Cái hay ở đây nằm ở chỗ, Việt Nam không thể dùng quân sự 100% được mà đánh đến mức để cho kẻ thù nhận ra không thể thắng được.
Bên cạnh đó, Việt Nam ngồi vào bàn đàm phán với tinh thần văn hóa ngoại giao, làm cho Mỹ không mất mặt, mặc dù Mỹ là nước lớn như vậy và chưa từng thua. TS. Nguyễn Mạnh Hà nêu rõ:
“Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Mỹ trực tiếp đàm phán với Việt Nam không thông qua bất cứ một kênh trung gian nào. Tại Hội nghị Geneva 1954, Mỹ tham gia một bên và có cả sự tham gia của Trung Quốc, Liên Xô và Pháp, Anh v.v. Tại Hội nghị Paris chỉ có riêng Mỹ và Việt Nam. Điều này là minh chứng cho đường lối sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đàm phán hòa bình này, Việt Nam đã loại bỏ được đối thủ trực tiếp, tạo điều kiện cho hành động quân sự kết thúc chiến tranh”.
Liên Xô - Nhân tố ủng hộ hòa bình
Đi ngược dòng lịch sử, cuộc đàm phán tại Paris tuy không có sự góp mặt trực tiếp của Liên Xô nhưng là người bạn lớn của Việt Nam, Liên Xô chủ trương hòa bình. TS. Nguyễn Mạnh Hà cho biết:
“Trong quá trình đàm phán Hiệp định Paris 1973, tôi đánh giá rất cao sự ủng hộ và giúp đỡ của Liên Xô. Liên Xô là quốc gia chủ trương đối thoại. Và Mỹ cũng biết điều này nên Mỹ thường thông qua Liên Xô để đặt vấn đề với Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa”.
31 Tháng Mười Hai 2022, 13:52
Ngược lại khi biết Việt Nam đàm phán với Mỹ, Trung Quốc đã có phản ứng rất mạnh mẽ, đồng thời muốn Việt Nam tiếp tục chiến đấu. Với tài ngoại giao khéo léo, ĐCS Việt Nam đã cử một phái đoàn sang Trung Quốc để giải thích tại sao phải kết hợp đàm phán và quân sự vì đây là sách lược của Việt Nam.
“Nếu chỉ sử dụng quân sự thì tương quan lực lượng Việt Nam không thể bằng với Hoa Kỳ. Việt Nam chỉ đánh để người Mỹ nhận ra rằng họ không thể thắng được và đàm phán. Trong kháng chiến chống Pháp, Việt Nam đã có kinh nghiệm thông qua trận Điện Biên Phủ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Việt Nam có Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 để chứng minh cho người Mỹ thấy rằng, có nửa triệu quân và đưa thêm quân thì cũng không giải quyết vấn đề gì. Chính vì vậy, Mỹ đề nghị đàm phán lúc đó và Việt Nam chấp thuận. Và theo nghiên cứu, trong cuộc đàm phán Paris 1973, Liên Xô luôn ủng hộ Việt Nam”, TS. Nguyễn Mạnh Hà nhấn mạnh.
Hiệp định Paris diễn ra trong bối cảnh Liên Xô và Mỹ đang ở thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh lạnh, nhưng Liên Xô vẫn ủng hộ Việt Nam về mọi mặt, đặc biệt khí tài quân sự như máy bay, tàu chiến, tên lửa v..v, để Việt Nam có thể tạo nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không 1972”.
Bài học quý báu từ Hiệp định Paris 1973
Với Hiệp định Paris, quân và dân Việt Nam đã “đánh cho Mỹ cút”, tạo điều kiện thuận lợi để “đánh cho Ngụy nhào”,
giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa Xuân 1975.
Hiệp định lịch sử này còn để lại cho thế hệ ngày hôm nay những bài học quý báu, không chỉ trên mặt trận ngoại giao. TS. Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Giám đốc Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, chia sẻ với Sputnik:
“Thông qua thắng lợi của Hiệp định Paris 1973, bài học đầu tiên theo tôi đáng giá nhất chính là ĐCS Việt Nam giữ được đường lối độc lập, tự chủ. Nghĩa là khi nào chấp thuận đàm phán với Mỹ là do Việt Nam quyết định, chứ không phải từ áp lực bên ngoài”.
Điều này đồng nghĩa với việc, ngay cả khi các nước bạn có ý kiến khác thì Việt Nam cũng chủ động giải thích cho các bạn hiểu. Và sau khi bạn hiểu và tiếp tục
ủng hộ Việt Nam. Có thể thấy, đường lối độc lập, tự chủ của Việt Nam rất quan trọng.
Bài học thứ hai thu được là bài học về đối ngoại quốc tế, cần hiểu rõ bối cảnh quan hệ và tình hình thế giới để đưa ra chủ trương, sách lược cho từng thời điểm phù hợp, thúc đẩy cuộc đàm phàn phát triển.
“Ví dụ, năm 1972 Tổng thống Nixon đi thăm Trung Quốc và Liên Xô và chia rẽ mối quan hệ Việt Nam - Liên Xô - Trung Quốc. Điều này gây bất lợi cho Việt Nam, nhưng không vì thế Việt Nam từ bỏ mối quan hệ với Liên Xô và Trung Quốc. Hà Nội quyết định đi theo đường lối của mình là vừa chiến đấu, vừa đàm phán với Mỹ. Việt Nam có thể nhân nhượng một số điểm trên bàn đàm phán để ký được Hiệp định Paris. Vì Hiệp định này khi ký được, thành công thu được sẽ lớn hơn rất nhiều”, chuyên gia trên chỉ ra.
Trong môi trường quốc tế khắc nghiệt đó, Việt Nam đã thể hiện ý chí quyết chiến quyết thắng, song cũng hết sức mềm dẻo. Đây chính là bài học thứ ba đúc kết được từ thắng lợi tại Hiệp định Paris 1973 khi Việt Nam kết hợp linh hoạt các mặt trận, đặc biệt giữa
quân sự và ngoại giao.
Dù 50 năm đã trôi qua, nhưng Hiệp định Paris mãi là đỉnh cao thắng lợi của
ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.