Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an cho biết, xuất phát từ sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân (CAND) để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan, hạ sĩ quan công an
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân (CAND) đề xuất bổ sung một số vấn đề quan trọng như tăng tuổi nghỉ hưu, quy định mới về thăng hàm cấp Tướng hay tăng tuổi phục vụ trong CAND.
Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an đang phối hợp với Công an các đơn vị có liên quan của Bộ Công an tiến hành nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Công an nhân dân liên quan đến hạn tuổi phục vụ trong Công an nhân dân để từng bước phù hợp với tuổi nghỉ hưu của người lao động quy định trong Bộ luật Lao động năm 2019.
Theo đó, Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an đề xuất thêm tăng hạn tuổi phục vụ của hạ sĩ quan, sĩ quan, công nhân công an thêm 2 tuổi. Riêng nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Đại tá tăng 5 tuổi, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Thượng tá tăng 3 tuổi; công nhân công an, nam tăng 2 tuổi, nữ tăng 5 tuổi.
Điều này, theo Bộ Công an là để phù hợp với chủ trương điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; quy định tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035 của Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021).
Lộ trình tăng hạn tuổi phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an cơ bản như quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, tức là mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ; riêng sĩ quan, hạ sĩ quan có hạn tuổi phục vụ cao nhất dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ thì có thể thực hiện tăng ngay 2 tuổi, không theo lộ trình nêu trên.
Thời điểm để tính tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất bắt đầu từ năm 2021 và không áp dụng đối với trường hợp đã nghỉ công tác trước ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân có hiệu lực.
Vì sao phải tăng hạn tuổi phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân?
Lãnh đạo Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an đã có lý giải về đề xuất tăng hạn tuổi phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân.
Cơ quan này cho biết, qua các thời kỳ khác nhau, hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân có cấp bậc hàm Đại tá, cấp Tướng được quy định bằng tuổi nghỉ hưu của người lao động (nam: 60 tuổi, nữ: 55 tuổi); đối với cán bộ, chiến sĩ có cấp bậc hàm từ Thượng tá trở xuống thì thấp hơn so với tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường nhưng cơ bản bằng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại (nam: 55 tuổi; nữ: 53 tuổi).
“Vì lực lượng Công an nhân dân là lực lượng vũ trang, phần lớn cán bộ, chiến sĩ được bố trí tại đơn vị trực tiếp chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu nên đòi hỏi phải có sức khỏe tốt và không thể đáp ứng khi độ tuổi quá cao”, - Bộ Công an cho biết.
Do đó, tương quan giữa hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân phần lớn thấp hơn 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của người lao động. Tuy nhiên, hiện nay Bộ luật Lao động năm 2019 quy định tăng đều 2 tuổi đối với người lao động nam so với Bộ luật Lao động năm 2012 (từ 60 tuổi lên 62 tuổi).
Vì vậy, trên cơ sở kế thừa khoảng cách về tuổi nghỉ hưu của sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân so với người lao động, thực tiễn bố trí, sử dụng sĩ quan, hạ sĩ quan, người lao động trong Công an nhân dân, tính chất đặc thù của lực lượng vũ trang thì việc thực hiện tăng 2 năm phục vụ đối với sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân vẫn đáp ứng được yêu cầu thực tiễn công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự.
Đối với nữ sĩ quan cấp Tướng thì đề nghị vẫn giữ như quy định hiện nay (60 tuổi), vì đã bằng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ (60 tuổi) theo quy định của Bộ luật Lao động. Đối với nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Đại tá tăng 5 tuổi, từ 55 tuổi lên 60 tuổi theo mức độ tăng tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ của Bộ luật Lao động; nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Thượng tá thì tăng 3 tuổi, từ 55 tuổi lên 58 tuổi, vì phần lớn các sĩ quan này được bố trí làm công tác kiểm tra, hướng dẫn, quản lý đơn vị cấp phòng, thường xuyên trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong môi trường nặng nhọc, độc hại.
Đối với công nhân công an, Bộ đề nghị tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất cho tương đồng với mức độ tăng tuổi của Bộ luật Lao động (nam: 62 tuổi, nữ: 60 tuổi); vì tính chất lao động của công nhân công an cơ bản như người lao động trong điều kiện bình thường.
Kéo dài tuổi nghỉ hưu trong trường hợp đặc biệt
Luật Công an nhân dân (sửa đổi) đã được thông qua tại kỳ họp thứ 16 Quốc hội khóa XIV.
Liên quan đến hạn tuổi phục vụ của hạ sĩ quan, sĩ quan Công an nhân dân, Điều 30 của Luật quy định: Hạn tuổi phục vụ cao nhất của hạ sĩ quan, sĩ quan Công an nhân dân quy định như sau: Hạ sĩ quan: 45; Cấp úy: 53; Thiếu tá, Trung tá: nam 55, nữ 53; Thượng tá: nam 58, nữ 55; Đại tá: nam 60, nữ 55; Cấp tướng: 60.
Ngoài ra, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định nâng tuổi được kéo dài hạn tuổi phục vụ; bổ sung quy định kéo dài hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan CAND trong trường hợp đặc biệt; nâng tuổi được kéo dài hạn tuổi phục vụ đối với sĩ quan CAND là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia cao cấp từ 60 tuổi lên 62 tuổi đối với nam; từ 55 tuổi lên 60 tuổi đối với nữ…
Thăng hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải có ít nhất đủ 3 năm công tác
Theo đó, dự thảo Luật gồm 02 Điều, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND. Trong đó, sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định sĩ quan CAND được xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải còn ít nhất đủ 03 năm công tác. Trường hợp không đủ 03 năm công tác do Chủ tịch nước quyết định.
Đồng thời, dự thảo Luật bổ sung quy định, như sau: Chính phủ quy định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan CAND có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác.
Việc bổ sung nội dung này nhằm xác định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác để làm căn cứ đề nghị Chủ tịch nước xem xét, quyết định thăng cấp bậc hàm cấp Tướng theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật CAND.
Bổ sung 6 vị trí có cấp hàm cao nhất là cấp Tướng
Bên cạnh đó, bổ sung 06 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng trong CAND, gồm: 01 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tướng và 05 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng.
Bổ sung quy định Trưởng Công an thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, Trung đoàn trưởng có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 25 theo hướng quy định Trung đoàn trưởng, Trưởng Công an thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá.
Hai trợ lý được hưởng chế độ tương đương Tổng cục trưởng
Ngoài ra, theo quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, nhiệm vụ, quyền hạn, quy trình bổ nhiệm, chính sách, chế độ đối với chức danh Trợ lý, Thư ký thì Ủy viên Bộ Chính trị có hai Trợ lý và được hưởng lương, chính sách, chế độ tương đương Tổng cục trưởng.
Đến nay mới chỉ có một Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an được quy định có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng. Trong khi đó, tại khoản 4 Điều 25 Luật CAND, Trưởng phòng và tương đương ở đơn vị trực thuộc Bộ có chức năng, nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu, Trưởng phòng nghiệp vụ, Trưởng Công an quận thuộc Công an TP Hà Nội, Công an TP HCM được thăng cấp bậc hàm Đại tá.
Đối với Trung đoàn Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm, không quân, bảo vệ mục tiêu thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Công an TP Hà Nội, Công an TP.HCM là các đơn vị vũ trang tập trung, quân số đông, tương đương cấp phòng, trực tiếp chiến đấu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội nhưng mới được quy định có cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tá là chưa phù hợp với vị trí, tính chất, chức năng, nhiệm vụ quan trọng của các đơn vị này.
Theo Bộ Công an, việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND để tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội là cần thiết.