Thủ tướng đặt "KPI" xây cao tốc cho các tỉnh miền Tây

HÀ NỘI (Sputnik) - Sau khi kiểm tra một số công trình, dự án tại các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, Thủ tướng yêu cầu chậm nhất vào giữa năm nay để đến 2026 miền Tây phải có 544 km cao tốc.
Sputnik
Chiều 30/1, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với các bộ, ngành và các địa phương vùng ĐBSCL về tình hình triển khai các công trình, dự án trên địa bàn.
"Quyết tâm trong nhiệm kỳ này phải làm thay đổi hệ thống giao thông tại khu vực, nhất là hệ thống đường cao tốc, cảng biển, đường thủy nội địa...", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói tại buổi làm việc
Thủ tướng đánh giá cao Bộ GTVT, 9 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL liên quan đến tuyến đường đi qua đã nỗ lực, quyết tâm cao. Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu tăng cường đội ngũ cán bộ, nâng cao năng lực cán bộ để học hỏi lẫn nhau, áp dụng khoa học công nghệ cao nhất trong quá trình thi công.
Theo thủ tướng, việc phát triển hạ tầng giao thông ở miền Tây, trong đó có các tuyến cao tốc sẽ giúp vận chuyển hàng hóa, con người, giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản, giúp nông dân thoát nghèo và làm giàu. Việc hoàn thiện hạ tầng cũng mở ra không gian phát triển mới, hình thành các khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ; tạo công ăn việc làm để người dân được học tập, làm việc theo tinh thần "ly nông bất ly hương".
Việt Nam chuẩn bị đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam
ĐBSCL được quy hoạch 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.166 km, quy mô 4-6 làn xe. Đến nay, có 171 km cao tốc đã hoàn thành giai đoạn 1 (4 làn xe), gồm đoạn Bến Lức - Trung Lương (40 km); Trung Lương - Mỹ Thuận (51 km); Cao Lãnh - Lộ Tẻ (29 km); Lộ tẻ - Rạch Sỏi (51 km). Trong đó, đoạn Cao Lãnh - Lộ Tẻ hiện tổ chức giao thông hỗn hợp, đoạn Lộ Tẻ - Rạch Sỏi sử dụng mặt đường láng nhựa để chờ lún. Bộ Giao thông Vận tải đang tiếp tục đầu tư các tuyến này để khai thác theo quy mô cao tốc.
Còn 8 dự án đang thi công và hoàn thiện các thủ tục đầu tư để triển khai, dự kiến cơ bản hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025, đưa vào khai thác toàn bộ các dự án trong năm 2026 với tổng chiều dài 463 km, tổng mức đầu tư khoảng 94.400 tỷ đồng. Như vậy, đến năm 2026, miền Tây sẽ có khoảng 554 km đường cao tốc, các tuyến còn lại sẽ được đầu tư trong giai đoạn 2026-2030.
Theo đó, Thủ tướng đề nghị, tập trung cao độ việc lãnh đạo, chỉ đạo, chuẩn bị cho công tác đầu tư, chậm nhất trong 6 tháng phải xong các thủ tục đầu tư để khởi công đồng bộ các dự án; Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT giao cho một Thứ trưởng phụ trách cùng với các địa phương hướng dẫn thủ tục thầu, lên kế hoạch chi tiết tiến độ các dự án, đảm bảo sát thực tế, khoa học, tiện cho việc kiểm tra giám sát.
Về vấn đề nguyên vật liệu, Thủ tướng chỉ rõ, nguyên vật liệu đất đai là thuộc sở hữu của toàn dân, còn ở đâu thì do các cơ quan nhà nước quản lý, các địa phương phải phối hợp với nhau, đoàn kết liên kết lại với nhau, tránh cục bộ địa phương để cùng nhau làm đường cao tốc.
Bộ trưởng Thắng ‘đi ngoại giao’, Nhật ngỏ ý với Việt Nam về đường sắt cao tốc Bắc-Nam
"Không thể chần chừ, không do dự mà phải làm bằng được, đạt kết quả cụ thể, cân đong đo đếm được, làm càng sớm càng có lợi cho người dân miền Tây", thủ tướng nói và đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các địa phương tính toán ưu tiên nguồn cát cho các dự án cao tốc; khẩn trương nghiên cứu, đánh giá việc thí điểm dùng cát biển làm đường cao tốc trên cơ sở khoa học.
Nhấn mạnh việc di dời dân phải đảm bảo nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, đảm bảo thực hiện tốt các cơ chế chính sách cho người dân, Thủ tướng cho biết tư tưởng nhất quán của Đảng và nhà nước ta không có mục tiêu gì khác ngoài mục tiêu làm cho nhân dân tự do, ấm no, hạnh phúc.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan thầu, các nhà tư vấn làm đúng các quy trình, quy định, phải có tư duy mới, có tầm nhìn chiến lược, chấm dứt ngay việc đầu tư dàn trải và chia nhỏ các gói thầu.
Sáng cùng ngày 30/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn công tác khảo sát công trình cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Thảo luận