Chọn nhà thầu gói 5.10 sân bay Long Thành thất bại, Bộ trưởng GTVT nói thẳng

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đề nghị Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm rõ nguyên nhân và rút ra bài học qua việc phải hủy thầu gói thầu 5.10 để đảm bảo chọn được nhà thầu đủ năng lực xây ga sân bay Long Thành.
Sputnik
Hiện ACV đang chịu áp lực rất lớn khi tuyển chọn nhà thầu xây dựng nhà ga hành khách dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Chọn nhà thầu xây sân bay Long Thành: ‘ACV cần rút kinh nghiệm’

Điều này được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng nêu trong kết luận cuộc họp về lựa chọn nhà thầu gói 5.10 - thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách sân bay Long Thành giai đoạn 1.
“Làm rõ những nguyên nhân, rút ra bài học dẫn đến việc phải hủy thầu, xác định rõ các nguy cơ và đề xuất các biện pháp khắc phục để đảm bảo lần đấu thầu tiếp theo lựa chọn được nhà thầu đủ năng lực, đảm bảo tiến độ”, lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị.
Ông Thắng nhắc lại, gói thầu 5.10 có quy mô lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp, gồm nhiều hạng mục công trình, là gói thầu lớn nhất, quan trọng nhất của dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Do gói thầu đã hủy thầu nên công tác đấu thầu lại để triển khai dự án theo kế hoạch phải khẩn trương và tuân thủ quy định.
Cùng với đó, Bộ trưởng Thắng đề nghị ACV triển khai các nội dung như rà soát quy trình, thủ tục đấu thầu, phạm vi, quy mô, tính chất kỹ thuật, tiến độ hoàn thành dự án để điều chỉnh các nội dung, tiêu chuẩn của hồ sơ mời thầu đã phát hành cho phù hợp và xây dựng tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch, đạt mục tiêu lựa chọn nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm, chuyên môn cao.
“ACV cần nỗ lực và thống nhất chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức triển khai dự án, thực hiện lựa chọn nhà thầu đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và lựa chọn được nhà thầu để triển khai gói thầu kịp tiến độ”, Bộ trưởng Thắng nhấn mạnh.
Bộ GTVT phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam khẩn trương lựa chọn nhà thầu xây lắp để khởi công công trình nhà ga hành khách thuộc dự án thành phần 3 - Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong quý I/2023
Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) cũng có công văn gửi ACV đề nghị khẩn trương tổ chức lựa chọn nhà thầu lại để đảm bảo tiến độ.
“AVC cần nghiên cứu kỹ các ý kiến làm rõ hồ sơ mời thầu mà các nhà thầu trong và ngoài nước yêu cầu để xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến việc không thu hút nhà thầu nước ngoài tham dự khi đấu thầu lại”, Bộ KH&ĐT lưu ý.
Trong trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị ACV báo cáo các cấp có thẩm quyền để kịp thời xử lý, không làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.

Vì sao huỷ gói thầu số 5.10?

Gói thầu số 5.10 “Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình Nhà ga hành khách”, có giá trị 35.233 tỷ đồng, là gói thầu có giá trị lớn nhất trong tất cả các gói thầu của công trình ga hành khách sân bay Long Thành giai đoạn 1.
Không chỉ thế, đây cũng là một trong những gói thầu xây lắp và cung cấp thiết bị lớn nhất trong lĩnh vực hàng không cũng như xây dựng hạ tầng kỹ thuật cao từng được triển khai tại Việt Nam.
Gói thầu số 5.10 bao gồm việc thiết kế bản vẽ thi công và Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình Nhà ga hành khách của Dự án thành phần 3 - Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Theo hồ sơ mời thầu, thời gian thực hiện hợp đồng là 990 ngày (tương đương 33 tháng), bao gồm cả ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ, nghỉ Tết theo quy định của pháp luật Việt Nam kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực. Mốc thời gian 33 tháng được bên mời thầu xây dựng nhằm đảm bảo Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 có thể hoàn thành vào cuối năm 2025 theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ.
Hình thức đấu thầu Gói thầu 5.10 là đấu thầu rộng rãi quốc tế, không qua mạng, không sơ tuyển. Phương thức lựa chọn nhà thầu là một giai đoạn hai túi hồ sơ.
Do đây là gói thầu quy mô lớn, tính chất phức tạp, gồm nhiều hạng mục công trình nên ACV đã rất thận trọng trong quá trình xây dựng hồ sơ mời thầu, tổ chức rà soát, nghiên cứu kỹ về phạm vi, quy mô, tính chất kỹ thuật (mức độ phức tạp), đồng thời thu thập thông tin, nghiên cứu năng lực, kinh nghiệm của các tập đoàn, công ty có uy tín trong nước (quan tâm tới dự án) và đã tham gia xây dựng cảng hàng không lớn trong khu vực và thế giới.
‘Vắt’ qua 3 nhiệm kỳ Quốc hội, Việt Nam tính xây xong sân bay Long Thành năm 2025
Thực hiện kế hoạch mời thầu Gói thầu 5.10, ACV đã đăng tải thông báo mời thầu vào ngày 20/9/2022, đến thời điểm đóng thầu (9h30 ngày 8/11/2022) chỉ có 1 nhà thầu liên danh nộp hồ sơ dự thầu. Do vậy, ACV đã xử lý tình huống theo Điều 117 Nghị định số 63/2014/NĐ – CP để gia hạn thời điểm đóng thầu thêm 15 ngày (đến ngày 23/11/2022). Tuy nhiên, đến thời điểm đóng thầu vẫn chỉ có 1 nhà thầu liên danh nộp hồ sơ dự thầu nên ACV tiếp tục gia hạn thời điểm đóng thầu (lần 2) thêm 7 ngày (đến ngày 30/11/2022).
Tuy nhiên, đến thời điểm đóng thầu, vẫn chỉ có 1 nhà thầu liên danh nộp hồ sơ dự thầu là Conteccons – Vinaconex – Centra – Phục Hưng Holdings – REE – Hòa Bình – HAWEE. ACV đã tổ chức mở thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu của nhà thầu liên danh nói trên và có Quyết định số 4902/QĐ – TCTCHKVN ngày 16/12/2022 hủy thầu Gói thầu 5.10 do hồ sơ dự thầu của nhà thầu không đáp ứng yêu cầu về kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự theo yêu cầu của HSMT.
Được biết, theo quy định tại hồ sơ mời thầu Gói thầu số 5.10, về tiêu chí kinh nghiệm thực hiện hợp đồng xây lắp tương tự, nhà thầu cần chứng minh đã hoàn thành 1 hợp đồng xây lắp công trình nhà ga hành khách tại cảng hàng không hoặc công trình kết cấu dạng nhà cấp đặc biệt giá trị không dưới 14.093 tỷ đồng. Trường hợp nhà thầu là nhà thầu liên danh thì giá trị yêu cầu đối với mỗi thành viên tỷ lệ thuận với tỷ lệ % nhà thầu đăng ký trong thỏa thuận liên danh.
Đáng chú ý, theo thông tin được báo Đầu tư đề cập, chỉ có duy nhất 1/8 thành viên của liên danh đáp ứng yêu cầu về công trình tương tự nhưng giá trị tham gia trong thỏa thuận liên danh của thành viên nói trên chỉ chiếm chưa tới 5% (giá trị hợp đồng tương tự của nhà thầu này chỉ khoảng 600 tỷ đồng).
Trong khi đó, dù ACV thông báo mời thầu rộng rãi, nhưng các nhà thầu Nhật Bản từng tham gia xây dựng Nhà ga T2 Nội Bài, T2 Tân Sơn Nhất như Taisei, Kajima đã không mua hồ sơ dự thầu, một số nhà thầu lớn của Trung Quốc, Hàn quốc có mua hồ sơ dự thầu nhưng cuối cùng lại không nộp hồ sơ.

Vấn đề là gì?

một trong những nguyên nhân được chỉ ra rằng, thời gian thi công gói thầu chỉ vẻn vẹn trong vòng 33 tháng là thách thức quá lớn.
Cụ thể, theo Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam, để so sánh, nhiều nhà thầu nói thẳng rằng, Nội Bài khối lượng mở rộng chỉ bằng 1/3 khối lượng của sân bay Long Thành mà tiến độ phải 36 tháng mới xong nên sân bay Long Thành đưa ra tiến độ 33 tháng là hoàn toàn bất khả thi.
“Hơn nữa đơn giá dự toán lại quá thấp trong bối cảnh hiện nay nên chúng tôi không tham gia mặc dù rất muốn. Vì vậy một số điểm trong đầu bài của gói thầu cần cân nhắc lại”, Hiệp hội dẫn lại ý kiến của một số nhà thầu.
Bên cạnh yêu cầu về thời gian thi công, giá Gói thầu 5.10 được xây dựng theo hệ thống đơn giá định mức của Việt Nam mà ACV bắt buộc phải tuân thủ cũng không tương xứng với yêu cầu rất cao về kỹ thuật, chất lượng và tiến độ công trình.
Về các dự án thành phần xây lắp sân bay Long Thành, Quyết định số 1777/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án Cảng hàng không Long Thành giai đoạn 1 và Kết luận của Thủ tướng Chính phủ sau cuộc làm việc dịp Tết năm 2022 đã phân công rõ các công việc của các cơ quan.
Theo đó, ACV “phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả, trong đó có việc chuẩn bị các phương án để đấu thầu, lựa chọn nhà thầu theo thẩm quyền; cần hỗ trợ thì đề nghị các cơ quan liên quan.
“Nếu không làm được thì báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Đã hứa phải làm, đã cam kết phải thực hiện", Thủ tướng nêu rõ.
Huỷ gói thầu “khủng” sân bay Long Thành, ACV xem xét lại tiêu chí chọn nhà thầu
Đối với sân bay Long Thành, lãnh đạo Chính phủ vừa qua cũng nêu rõ, dự án thành phần số 2 và số 3 có ý nghĩa quyết định, đã bố trí được ngân sách, vấn đề lớn nhất là phối hợp, tổ chức thực hiện. Trong đó, gói thầu phần thân nhà ga hành khách bị hủy thầu, ACV là chủ đầu tư và Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm về điều này, sắp tới sẽ kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm.
Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT cũng đã giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và sau đó là Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo công trình này
Thảo luận