Sương Nguyệt Anh tên thật là Nguyễn Thị Khuê, sinh năm 1864 tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Bà là con gái thứ tư tài năng của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu (Cụ Đồ Chiểu).
Google vinh danh nữ sĩ Sương Nguyệt Anh
Trên trang Google Search tại Việt Nam vừa xuất hiện hình ảnh nữ sĩ Sương Nguyệt Anh (bản Google Doodle do hoạ sĩ Camelia Phạm thiết kế).
Như đã biết, Google Doodles là những biểu tượng thay thế tạm thời cho biểu tượng Google trên trang chủ Google Search nhằm chào mừng các ngày lễ lớn, tôn vinh các sự kiện, thành tựu và nhân vật có đóng góp quan trọng ở nhiều lĩnh vực cho cộng đồng, nhân loại và bản thân quốc gia sở tại.
Doodles thường là hình ảnh, hoặc Gif động, khi người dùng nhấn chuột vào bức ảnh trên trang chủ, Google sẽ đưa họ tới trang tìm kiếm thông tin về nhân vật. Hôm nay, Google Việt Nam đưa người dùng đến với nữ sĩ Sương Nguyệt Anh.
Được biết, hình ảnh bà Sương Nguyệt Anh xinh đẹp, sắc sảo, đoan trang trong tà áo dài, tóc búi cao, xung quanh là bình hoa mai, những trang giấy viết do họa sĩ Camelia Phạm (Trà Phạm) thực hiện. Tờ VnExpress dẫn lời Camelia Phạm cho biết, hoạ sĩ đã cố gắng tìm kiếm hình ảnh biểu tượng từ những bài thơ của Sương Nguyệt Anh để minh họa.
Theo đó, sinh thời, nữ sĩ từng sáng tác bài Cây mai với những câu từ như: "Tài không sắc, sắc không tài/Lá úa nhành khô cũng tiếng mai/Ngọc ánh chi nài son phấn đượm/Vàng ròng há sợ sắc màu phai".
Camelia Phạmchia sẽ đã kết hợp phong cách đồ họa phẳng với màu sắc hoài cổ, nhằm gợi cảm giác xưa cũ nhưng vẫn giữ được nét hiện đại.
Đặc biệt, họa sĩ khắc họa sự quyết tâm, ý chí mạnh mẽ của Sương Nguyệt Anh khi cố gắng phá bỏ rào cản để thành lập tờ báo riêng cho phụ nữ, thông qua biểu cảm sắc nét trên gương mặt nữ sĩ.
Trên trang Google Search tại Việt Nam vừa xuất hiện hình ảnh nữ sĩ Sương Nguyệt Anh
© Ảnh : screenshot
Sương Nguyệt Anh là ai?
Trong phần giới thiệu của mình, Google Doodle, bà Nguyệt Anh sinh ngày 8/3/1864 tại làng An Bình Đông, tỉnh Bến Tre, là con gái của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu.
Theo Gia phả Nguyễn Chi Thế Phổ, các con của cụ Nguyễn Đình Chiểu với bà Lê Thị Điền gồm Nguyễn Thị Hương (1855), Nguyễn Đình Chúc (1858), Nguyễn Thị Xuyến (1861), Nguyễn Thị Khuê (1864), một người con mất sớm (khuyết danh), Nguyễn Đình Chiêm (1869), Nguyễn Đình Ngưỡng (1872) mất sớm.
Trong số này, bà Nguyễn Thị Khuê chính là nữ sĩ với bút danh Sương Nguyệt Anh. Bà thạo chữ Nôm, chữ Hán, tiếng Pháp. Theo một số nguồn tư liệu, ngoài bút hiệu Sương Nguyệt Anh, con gái cụ Đồ Chiểu còn có nhiều bút danh khác như: Xuân Khuê, Nguyệt Nga, Nguyệt Anh.
"Sương Nguyệt Anh được nhớ đến với trí tuệ và nhân cách cao đẹp, cũng như sự kiên cường vượt qua nghịch cảnh. Bà tiên phong cho các nhà văn và biên tập viên nữ ở Việt Nam, mở đường cho các thế hệ sau. Bà có mối quan hệ với mọi tầng lớp xã hội và đối xử với mọi người một cách tôn trọng. Một số đường phố mang tên Nguyệt Anh ở TP.HCM, Đà Lạt, Vũng Tàu", Google viết.
Cuộc sống của bà trải qua nhiều vất vả. Do gia đình đông người, cha lại bị mù nên bà vừa phải chăm lo việc gia đình, vừa giúp đỡ cha làm thuốc. Ban ngày, bà thường xem cha dạy học và chữa bệnh, ban đêm bà đọc sách, tập làm thơ. Cụ Đồ Chiểu qua đời khi bà 24 tuổi, bà cùng anh trai tiếp quản trường học để dạy cho người địa phương. Sau đó, bà chuyển đến Rạch Miễu, Mỹ Tho kết hôn và sinh được một con gái. Hai năm sau thì chồng bà qua đời.
Về tờ Nữ giới chung, Google cho biết, ngày 2/1/1918, tờ báo lần đầu xuất bản, bà Sương Nguyệt Anh trở thành nữ tổng biên tập đầu tiên của Việt Nam. Đáng chú ý, Nữ giới chung là tờ tuần báo, xuất bản ngày thứ sáu, số đầu tiên vào thứ sáu, ngày 1/2/1918, số cuối ra ngày 19/7/1918, nghĩa là tờ báo tồn tại được 5 tháng 19 ngày, ra được 22 số.
Con gái của cụ Đồ Chiều viết nhiều tác phẩm về vai trò của phụ nữ trong văn hóa và xã hội, bút danh Sương Nguyệt Anh, nghĩa là "Nguyệt Anh góa bụa". Thông qua các số báo của mình, Sương Nguyệt Anh dành trọn cả tài năng và tâm huyết để góp phần làm chấn hưng tinh thần nữ giới nước nhà.
Những số báo phát hành đều đề cập đến việc dạy nữ công, đức hạnh phụ nữ và phê phán luật lệ khắt khe với nữ giới thời đó, đồng thời chủ trương đấu tranh mạnh mẽ cho vấn đề bình đẳng nam nữ.
Trong tờ báo số 1, bà Sương Nguyệt Anh viết rằng: "Có đờn bà mới sanh ra thánh hiền, hào kiệt, mới có người tô điểm vẻ non sông; không có đờn bà thì loài người ắt tiêu duyệt, thế giới hiu quạnh như cù lao hoang, đâu là nhà "Triết học", nhà "Văn hóa", nhà "Chánh trị", đâu là nhà "Kinh tế", nhà "Cách trí", nhà "Giáo dục" và hết thảy các hạng người ở trên Trái Đất này".
Bên cạnh việc làm thay đổi nhận thức của xã hội về vai trò phụ nữ thông qua tờ Nữ Giới Chung, nhiều tài liệu lịch sử ghi lại cũng cho thấy bà Sương Nguyệt Anh ủng hộ các phong trào phát triển giáo dục, trong đó có phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu.
Bà Sương Nguyệt Anh qua đời vì bạo bệnh và hai mắt bị mù. Bà qua đời ngày 20/1/1921, ở tuổi 57. Nữ sĩ Việt Nam được an táng cạnh mộ cha mẹ, hiện thuộc Khu di tích nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, ấp 6, xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.