Tăng thêm bị can vụ chuyến bay giải cứu, bao giờ Bộ Công an điều tra xong Việt Á?

Chiều tối ngày 2/2, phát biểu tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, Trung tướng Tô Ân Xô - người phát ngôn Bộ Công an đã thông tin về tiến độ điều tra các vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), sai phạm đăng kiểm tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên cả nước.
Sputnik
Đáng chú ý, với sai phạm trong ngành đăng kiểm, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, khi khám xét tại các trạm đăng kiểm có những cá nhân dùng dư luận xã hội tạo áp lực cho cơ quan công an.

Bộ Công an chưa thể kết thúc sớm đại án Việt Á

Tại họp báo Chính phủ, phóng viên báo Vnexpress đã nêu câu hỏi đối với Trung tướng Tô Ân Xô - người phát ngôn Bộ Công an:
“Xin hỏi tiến độ điều tra các vụ án lớn như Việt Á và vụ án tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao khi nào có kết quả cuối cùng và có tiếp tục mở rộng điều tra không?”.
Trả lời về hai đại án được đông đảo người dân trong và ngoài nước quan tâm, Trung tướng Tô Ân Xô thông tin, đến nay cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 41 bị can ở Cục Lãnh sự, tăng 2 bị can so với tháng trước, phong tỏa kê biên, ngăn chặn 80 tỷ đồng.
Liên quan đại án Việt Á, tướng Xô cho biết, hiện công an đã khởi tố 104 bị can, tăng thêm 2 bị can so với tháng trước, phong tỏa kê biên khoảng 1.700 tỷ đồng.
“Mục tiêu của cơ quan công an là kết thúc điều tra các vụ án trong quý 1/2023, tuy nhiên không loại trừ khả năng có thêm những tình tiết mới”, - Trung tướng Tô Ân Xô tiết lộ.
Như Sputnik đã thông tin, Việt Á là đại án gây chấn động ngành y tế Việt Nam. Từ ngày 17/12/2021, Cục Cảnh sát kinh tế Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á) cùng 4 cấp dưới; cựu Giám đốc CDC Hải Dương và kế toán trưởng đơn vị này.
Kiên Giang: Chuyện gì xảy ra với ông Hà Văn Phúc khi dính đến Việt Á?
Tính đến nay, cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố hơn 100 người liên quan vụ Việt Á, trong số này có cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc, cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, cựu Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cùng hàng chục lãnh đạo, cán bộ CDC, sở y tế các tỉnh, thành phố.
Trong các thông báo của mình, Bộ Công an cho hay, sau khi được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành, Phan Quốc Việt thông đồng với lãnh đạo các đơn vị y tế để hợp thức hồ sơ chỉ định thầu, nâng khống giá bán lên mức 470.000 đồng/kit xét nghiệm.
Công ty này đã cung ứng kit xét nghiệm cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước, với doanh thu khoảng gần 4.000 tỷ đồng. Trong đó, giá kit xét nghiệm được nâng khống khoảng 45%, giúp công ty Việt Á thu về số tiền hơn 500 tỷ đồng. Công ty Việt Á lại quả và chi “hoa hồng” cho các đối tác với số tiền lên tới gần 800 tỷ đồng.

Tăng thêm 2 bị can bị khởi tố trong đại án “chuyến bay giải cứu”

Trong khi đó, vụ án chuyến bay giải cứu liên quan đến các quan chức ngành ngoại giao, được Cơ quan an ninh điều tra khởi tố từ cuối tháng 1/2022. Hiện đã có hơn 40 người bị khởi tố, bắt tạm giam, gồm nhiều quan chức của Bộ Ngoại giao, cán bộ của Bộ Y tế và Bộ Giao thông Vận tải, cựu lãnh đạo và cán bộ của Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an.
Trong đó, quan chức cao nhất bị khởi tố là ông Tô Anh Dũng, 58 tuổi, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam. Ông Dũng bị điều tra về tội "nhận hối lộ". Liên quan vụ án, tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh của Bộ Công an, ông Trần Văn Dự - cựu Cục phó cùng hai cán bộ dưới quyền là Vũ Sỹ Cường và Vũ Anh Tuấn cùng bị bắt về tội “Nhận hối lộ”.
Số bị can vụ Việt Á sẽ tăng trong thời gian tới
Cùng với đó, cơ quan điều tra đã khởi tố nhiều bị can khác tại Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Văn phòng Chính phủ về cùng tội danh; trong đó có ông Nguyễn Quang Linh - Trợ lý của Phó Thủ tướng thường trực; bà Phạm Thị Kim Ngân - cán bộ Phòng Trị sự, Tạp chí Thanh tra, thuộc Thanh tra Chính phủ hiện là người duy nhất bị điều tra về tội “Môi giới hối lộ” theo điều 365.
“Với vụ án Cục Lãnh sự, đến nay cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 41 bị can (tăng 2 bị can so với lần họp báo trước), phong toả kê biên khoảng 8.000 tỷ đồng”, - Trung tướng Tô Ân Xô thông tin tại cuộc họp báo ngày 2/2.

Có cá nhân dùng dư luận xã hội tạo áp lực cho công an trong sai phạm đăng kiểm

Thông tin về vụ án xảy ra tại một số trung tâm đăng kiểm xe cơ giới và Cục Đăng kiểm Việt Nam, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, khi cơ quan công an tiến hành khám xét một số trung tâm đăng kiểm, có ý kiến cho rằng cơ quan công an làm ảnh hưởng đến hoạt động đăng kiểm, nhưng thực tế không phải thế.
Tướng Xô nêu rõ, từ khi điều tra vụ án đến nay, cơ quan công an không ra quyết định nào, không ra một văn bản tố tụng nào về việc dừng hay tạm dừng hoạt động của các trung tâm đăng kiểm và hoạt động tố tụng này hoàn toàn đúng luật.
“Cơ quan công an chỉ thu giữ vật chứng, tài liệu của đối tượng phạm tội”, - tướng Tô nhấn mạnh.
Để cấp dưới tham ô vụ Việt Á, Bí thư Hải Dương Phạm Xuân Thăng khó vô can
Đáng chú ý, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, khi khám xét tại các trạm đăng kiểm có những cá nhân dùng dư luận xã hội tạo áp lực cho cơ quan công an.
“Tôi cũng xin thông tin thêm, khi công an tiến hành khám xét, có những cá nhân đưa thông tin tất cả các trạm đăng kiểm dừng hoạt động, dùng dư luận xã hội để tạo áp lực với công an. Cơ quan công an đã cảnh cáo tới các cá nhân này nên việc này đến nay đã không thực hiện được”, - đại diện Bộ Công an nói.

“Tất cả các bộ phận của xe đều kêu, trừ còi”

Thông tin về tiến độ điều tra sai phạm đăng kiểm trên cả nước, Trung tướng Tô Ân Xô cho hay, hiện nay công an các địa phương đã khám xét 32 trung tâm đăng kiểm, khởi tố 248 bị can với các tội danh như “Nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ, giả mạo trong công tác, sản xuất, mua bán trao đổi công cụ, thiết bị phần mềm sử dụng vào mục đích trái pháp luật”.
“Có thể nói đây là vụ án tham nhũng có tổ chức, hành vi sai phạm tiêu cực có hệ thống được tổ chức xuyên suốt từ lãnh đạo Cục Đăng kiểm, lãnh đạo phòng kiểm định xe cơ giới đến giám đốc nhiều trung tâm đăng kiểm, gây hậu quả đặc biệt lớn cho xã hội”, - tướng Xô thẳng thắn.
Đại diện Bộ Công an cho biết, qua điều tra cho thấy một vài lãnh đạo phòng kiểm định của Cục Đăng kiểm nhận tiền hối lộ định kỳ theo tháng, theo quý của một số trung tâm đăng kiểm để bỏ qua lỗi trong hồ sơ xin cấp phép hoạt động, bỏ qua lỗi vi phạm trong quá trình kiểm tra, đánh giá định kỳ hoặc đột xuất; ký duyệt mã đăng kiểm hoặc thuê viết phần mềm có tính năng chỉnh sửa kết quả kiểm định về khí thải, phanh hay đèn.
Bắt Trợ lý Phó Thủ tướng liên quan vụ Việt Á: Ông Nguyễn Văn Trịnh là ai?
“Đây cũng là lý do tại sao có người nói rằng có phương tiện cơ giới trước khi đi đăng kiểm thì "tất cả các bộ phận của xe đều kêu, trừ còi" nhưng sau khi "làm phép" tại trung tâm đăng kiểm thì vẫn trong tình trạng tất cả các bộ phận của xe đều kêu, trừ còi nhưng xe vẫn hoạt động tốt. Đây là việc rất nguy hiểm và là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn”, - Trung tướng Tô Ân Xô khẳng định.
Người phát ngôn Bộ Công an nhấn mạnh, qua vụ việc, Bộ Công an đã kiến nghị đến Bộ GTVT thực hiện một loạt nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về hoạt động đăng kiểm xe cơ giới.
“Đến nay Bộ GTVT đang dùng "kháng sinh liều cao" để điều trị căn bệnh này”, - tướng Tô Ân Xô ví von.
Thảo luận