Vai trò của Cách mạng Tháng Mười Nga đối với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam

HÀ NỘI (Sputnik) - Ngày này 93 năm trước đánh dấu sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2023), dẫn dắt dân tộc Việt Nam giành lại độc lập, xây dựng đất nước đổi mới. Nhưng ít ai biết rằng, sự ra đời của chính đảng tại Việt Nam lại có liên hệ mật thiết với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga (1917).
Sputnik

Ảnh hưởng lớn từ Cách mạng Tháng Mười Nga

Năm 1917, Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi đã ảnh hưởng lớn đến tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất ngưỡng mộ cuộc cách mạng đó, kính phục V.I.Lenin và đã tham gia nhiều hoạt động ủng hộ, bảo vệ cách mạng Nga; tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Những hoạt động cách mạng phong phú đó đã giúp Nguyễn Ái Quốc từng bước rút ra những bài học quý báu và bổ ích cho sự lựa chọn con đường cách mạng của mình.
Nguyễn Ái Quốc (thứ ba bên trái) cùng với các đại biểu dự Đại hội V của Quốc tế Cộng sản. Matxcơva năm 1924
Nhân dịp kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2023), TS. Nguyễn Mạnh Hà, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, chia sẻ quan điểm với Sputnik:

“Nguyễn Ái Quốc hiểu rằng, đây là cuộc cách mạng có ý nghĩa tích cực, là cuộc cách mạng của số đông quần chúng và do số đông thực hiện, thành lập một chính phủ phục vụ cho số đông. Lật đổ thống trị của tư sản, phong kiến Nga hoàng, thiết lập nên chính quyền của nhân dân. Khi 14 nước đế quốc bao vây cuộc cách mạng này, Nguyễn Ái Quốc đã vận động người dân Pháp ủng hộ chính quyền Xô Viết ở Nga. Thắng lợi của Cách mạng Tháng mười Nga đã giúp Nguyễn Ái Quốc quyết định lựa chọn con đường phát triển cho dân tộc Việt Nam giành độc lập”.

Nguyễn Ái Quốc (thứ ba bên trái) cùng với các đại biểu dự Đại hội V của Quốc tế Cộng sản
Đặc biệt, bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với Nguyễn Ái Quốc. Luận cương đã giải đáp trúng những vấn đề mà Nguyễn Ái Quốc đang trăn trở.

“Tháng 6/1923, Nguyễn Ái Quốc rời Pháp sang Moskva, Liên Xô lúc bấy giờ để học tập và công tác ở Quốc tế Cộng sản. Tại đây, Nguyễn Ái Quốc càng cảm nhận được thực tiễn”, TS. Nguyễn Mạnh Hà chỉ ra.

Cách mạng tháng Mười Nga đã mở ra cho Nguyễn Ái Quốc con đường đến với chủ nghĩa Mác - Lenin. Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam đầu tiên tiếp thu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lenin vào Việt Nam. Bằng chứng rõ nét chính là sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930.
Kỷ niệm tốt đẹp về Liên Xô vẫn còn sống mãi ở Việt Nam

Đảng Cộng sản Liên Xô - Điểm tựa vững chắc

Ngày 2/3/1919, Quốc tế Cộng sản III được thành lập tại Moskva (Liên Xô). Quốc tế III đã có sự tác động, chỉ đạo, giúp đỡ hết sức to lớn với phong trào đấu tranh cách mạng ở các nước thuộc địa nói chung, với cách mạng Việt Nam nói riêng.
Có thể nói, Quốc tế III đã tạo ra môi trường hoạt động quốc tế thuận lợi giúp đỡ Nguyễn Ái Quốc và những người yêu nước Việt Nam trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước, nghiên cứu khảo sát thực tế, học tập kinh nghiệm của các đảng, các phong trào, tạo diễn đàn đấu tranh để các đảng cộng sản ở chính quốc quan tâm đúng mức đến việc giúp đỡ cách mạng thuộc địa.

“Nhờ điều này, Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Vai trò của Đảng cộng sản Liên Xô còn ảnh hưởng đến Đảng Cộng sản Việt Nam về mặt tổ chức, huấn luyện đào tạo cán bộ cho những lớp cán bộ ban đầu của Đảng”, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, TS. Nguyễn Mạnh Hà trao đổi với Sputnik.

Сuộc gặp mặt giữa thư ký Ủy ban Trung ương đảng, Bộ trưởng Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Việt Nam Xuân Thủy tới Matxcơva theo lời mời của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, cùng với các thành viên của Hội nghị Việt- Xô. Ông Xuân Thủy (trái) và Chủ tịch Trung ương Hội Hữu nghị Việt-Xô, Anh hùng Liên Xô, phi công Liên Xô, phi hành gia German Titov
Từ năm 1921- 1931, nhiều thế hệ cán bộ Việt Nam được cử đến học tập tại Trường Lao động cộng sản Phương Đông và làm việc tại Quốc tế Cộng sản như đồng chí Trần Phú, Phùng Chí Kiên, Nguyễn Khánh Toàn, Trần Văn Giàu v.v. Sau này, những đồng chí này đã trở thành lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam.

Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập vào ngày 3/2/1930, tuy hơi muộn nhưng đối với dân tộc Việt Nam lúc đó đang chịu ách thống trị của Pháp và phong kiến, thì đây là bước tiến bộ rất lớn và chịu ảnh hưởng từ Quốc tế III, cụ thể là Đảng Cộng sản Liên Xô. Có thể nói, Đảng Cộng sản Liên Xô là điểm tựa rất vững chắc, một thành trì của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế lúc đó để mọi người hướng về”, TS. Nguyễn Mạnh Hà nhận định.

Đại sứ Nga tại Việt Nam: “Quan hệ Nga - Việt chưa bao giờ phụ thuộc vào bối cảnh chính trị”

Nhân tố quyết định thắng lợi của Cách mạng

Trao đổi với Sputnik, TS. Nguyễn Mạnh Hà, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhấn mạnh rằng Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) được thành lập mở ra bước ngoặt mới trong phong trào đấu tranh yêu nước, chống thực dân phong kiến của dân tộc Việt Nam.

“Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã chấm dứt sự bế tắc về mặt đường lối cứu nước mà trước đây các phong trào đấu tranh yêu nước theo khuynh hướng phong kiến hay dân chủ tư bản đều thất bại. Khi Đảng ra đời có cương lĩnh, đường lối rõ ràng, có mục tiêu đấu tranh giành độc lập cho dân tộc thì bắt đầu thu hút được đông đảo quần chúng tham gia vào phong trào đấu tranh cách mạng”, TS. Nguyễn Mạnh Hà cho biết.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao điều gì trong Cách mạng Tháng Mười
Cũng theo chuyên gia trên, nhờ có cương lĩnh, đường lối rõ ràng là đấu tranh giành độc lập, đưa đất nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, trong chính cương sách lược vắn tắt của Hội nghị thành lập Đảng nêu rõ, Cách mạng Việt Nam phải thực hiện hai nhiệm vụ: tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng.
Sau khi hoàn thành hai nhiệm vụ đó thì sẽ tiến tới xã hội cộng sản, tiếp đó “tiến lên chủ nghĩa xã hội” như lời nguyên Tổng bí thư ĐCSVN Trần Phú (1930-1931) đã nêu rõ trong luận cương chính trị.

“Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là bước ngoặt trong lịch sử dân tộc. Từ đây, Cách mạng Việt Nam có một chính đảng lãnh đạo nhân dân đấu tranh, giành chính quyền trong Cách mạng tháng 8, kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược giành thắng lợi, xây dựng đất nước đổi mới, thành công như ngày hôm nay”, TS. Nguyễn Mạnh Hà nhấn mạnh.

Nhà khoa học Nga: «Tôi được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh mỗi ngày»

Dấu ấn lãnh đạo của ĐCSVN sau 37 năm Đổi mới

Trao đổi với Sputnik, TS. Nguyễn Mạnh Hà cho biết, trong 37 năm thực hiện đường lối Đổi mới đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra đường lối Đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế. Với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Ông cho biết:

“Diện mạo đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên. Đặc biệt kinh tế tăng trưởng cao. Năm 1986, lạm phát của Việt Nam ở mức hơn 774,7%/năm, năm 2022 - 3,5%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 1986 - 180$/người, năm 2022 - 4100$/người. Quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt hơn 400 tỷ đô la”.

Về đối ngoại, tính đến tháng 1/2023, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 191 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó, Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 5 nước Ủy viên Hội đồng bảo an LHQ (HĐBA LHQ); 2 lần trúng cử thành viên HĐBA LHQ.

“Việt Nam mở cửa, trở thành bạn bè, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của tất cả các nước trên thế giới. Về quốc phòng - an ninh, tiềm lực của đất nước từ sau Đổi mới phát triển lớn mạnh vì có tích lũy của nền kinh tế để trích một phần trang bị để bảo vệ đất nước. Quốc phòng - an ninh ổn định và vững mạnh. Đời sống của nhân dân được cải thiện đáng kể. Mức sống của người dân cao, thể hiện qua việc đi du lịch trong và ngoài nước nhiều”, chuyên gia trên khẳng định.

Đây là những thành tựu nổi bật sau 37 năm thực hiện đường lối Đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, tạo đà cho sự phát triển trong những năm tiếp theo. Đồng thời cũng là minh chứng sinh động khẳng định vai trò lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng.
Sau Đổi Mới 1986 Việt Nam tiếp tục gây bất ngờ cho thế giới
Thảo luận