Sự nhất trí hoàn toàn của hai bên đã được thể hiện trong thời gian chuyến công du của Tổng thư ký NATO tới Nhật Bản. Jens Stoltenberg ủng hộ Chiến lược An ninh Quốc gia mới của Nhật Bản, trong đó quy định việc tăng chi tiêu quân sự và cho phép Nhật Bản điều quân ra nước ngoài, còn phía Nhật Bản hoan nghênh việc NATO thông qua Khái niệm Chiến lược mới vào năm ngoái, trong đó thể hiện ý muốn của khối này mở rộng các hoạt động trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Người đứng đầu NATO và Thủ tướng Nhật Bản giải thích rằng, hai bên tăng cường quan hệ đối tác để bảo vệ các giá trị dân chủ và để chống lại các mối đe dọa được cho là đến từ Trung Quốc, Triều Tiên và Nga. Tokyo và Brussels đặc biệt không hài lòng với hành vi của Nga. Trong chuyến thăm căn cứ không quân Iruma, ông Stoltenberg đã cố gắng thuyết phục quân đội Nhật Bản rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là đánh bại Nga ở Ukraina.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trong chuyến thăm Nhật Bản
© AP Photo / Takashi Aoyama
Kết quả là, hai bên đã đồng ý phát triển hợp tác trong các lĩnh vực như không gian mạng, không gian vũ trụ và các công nghệ quân sự mới. Ngoài ra, hai bên cũng xác định rằng, Nhật Bản sẽ thành lập phái đoàn thường trực của mình tại trụ sở NATO.
Khi rời Tokyo, ông Stoltenberg tuyên bố: "NATO không có đối tác nào gần gũi và ngoan ngoãn hơn Nhật Bản".
Seoul kháng cự
Tính hợp lệ của cách đánh giá như vậy trở nên rõ ràng sau khi phân tích kết quả chuyến thăm Seoul của Stoltenberg diễn ra trước chuyến công du của ông tới Tokyo. Tại Hàn Quốc, Tổng thư ký NATO bày tỏ sự quan tâm đến việc phát triển hợp tác với Hàn Quốc trong các vấn đề như an ninh mạng, công nghệ cao, kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Chủ đề cuối cùng nghe có vẻ hơi khiêu khích đối với Seoul - trên thực tế, chính Stoltenberg công khai thừa nhận khả năng đặt vũ khí hạt nhân của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc. Vấn đề này đang được thảo luận trong giới cầm quyền ở Seoul, gần đây họ nói nhiều về các mối đe dọa liên quan đến chương trình tên lửa hạt nhân của Bình Nhưỡng, nhưng, ở đất nước “ban mai tĩnh lặng” cũng có khá nhiều người phản đối ý tưởng này.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin trong cuộc gặp tại Bộ Ngoại giao ở Seoul
© AFP 2023 / Kim Min-Hee
Tổng thư ký NATO vẫn không thể thuyết phục Hàn Quốc cung cấp vũ khí cho Ukraina. Tại Seoul, vị khách được cho biết rằng, Hàn Quốc coi trọng mối quan hệ với Nga, mặc dù họ sẽ tiếp tục hỗ trợ nhân đạo cho Ukraina.
Tổng thư ký NATO rời đi, nhưng câu hỏi vẫn còn
Bình Nhưỡng lên án các chuyến thăm của ông Stoltenberg tới Hàn Quốc và Nhật Bản. Một quan chức Triều Tiên tuyên bố, NATO đang tìm cách đặt sự hiện diện của “quân đội trong khu vực” để gây sức ép buộc các đồng minh châu Á của Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraina.
Những liên hệ này cũng bị đánh giá tiêu cực ở Nga.
"Chuyến công du của Tổng thư ký NATO Stoltenberg tới Hàn Quốc và Nhật Bản là một dấu hiệu xấu cho sự ổn định ở Viễn Đông", - ông Grigory Karasin, Chủ tịch Ủy ban Quốc tế của Hội đồng Liên bang (thượng viện) Nga, tuyên bố.
Những gì đã được nói và viết ở Seoul và Tokyo vào những ngày này đặt ra nhiều câu hỏi. Ví dụ, về an ninh trong khu vực Châu Âu-Đại Tây Dương và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là không thể chia cắt. Có nghĩa là, trái với tài liệu thành lập NATO, khối này muốn có quyền can thiệp vào quá trình giải quyết các vấn đề ở những khu vực khác trên thế giới?
Bản tuyên bố chung Nhật Bản-NATO có đoạn như sau: "Chúng tôi bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước các báo cáo về quân sự hóa, cưỡng ép và dọa dẫm ở Biển Đông".
Phải chăng "mối quan ngại" này của Tokyo và Brussels liên quan đến khả năng phát triển phòng thủ không chỉ của Trung Quốc mà còn của Việt Nam, Indonesia, Philippines và các quốc gia khác ở Đông Nam Á?
Bản tuyên bố chung cũng bày tỏ "quan ngại" về các cuộc diễn tập quân sự Nga-Trung ở Thái Bình Dương. Thế thì tại sao họ không bày tỏ "sự quan ngại" về các cuộc tập trận quân sự của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cùng với Ấn Độ và Hoa Kỳ?
Chúng tôi sẽ không nhận được câu trả lời cho những câu hỏi này, vì chúng dựa trên tiêu chuẩn kép: tất cả những gì không làm vừa lòng khối NATO và đồng minh Nhật Bản sẽ bị lên án, và những hành động giúp quân sự hóa Nhật Bản sẽ nhận được sự tán thành của họ.