Nhà nước (NHNN) đã mua ròng ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối cho Việt Nam.
Đáng chú ý, từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa phải nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, qua đó, giúp nền kinh tế tiết kiệm được ngoại tệ.
Sự mất giá của các đồng tiền mới nổi
Sau 3 năm đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc xung đột Nga - Ukraina gây áp lực lên giá cả năng lượng, thực phẩm và hàng hóa.
Trong bối cảnh lạm phát thế giới tăng mạnh, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ đang ngày càng lan rộng trên toàn cầu. Nhằm kiềm chế lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã không ngừng tăng lãi suất mục tiêu vào khoảng 4,25 - 4,5%, từ đó dẫn đến sự sụt giảm của hầu hết các đồng tiền trên thế giới.
Tất cả những yếu tố trên, cùng với sự mất giá đồng tiền của các quốc gia mới nổi, đã dẫn đến tình trạng đảo chiều của dòng vốn đối với các quốc gia này.
Tại Việt Nam, hiện tượng dòng tiền chuyển ra nước ngoài đã ít nhiều xảy ra. Sức ép lên nguồn cung ngoại tệ của hệ thống ngân hàng ngày càng lớn, kéo theo sự chênh lệch giữa tỷ giá USD/VND trên thị trường chính thức và thị trường tự do. Thời báo Kinh tế Việt Nam dẫn ý kiến của ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ đầu năm 2022 (chủ yếu là từ tháng 3) đến nay, tỷ giá và thị trường ngoại tệ chịu áp lực lớn từ những biến động căng thẳng trên thị trường quốc tế. Tỷ giá USD/VND đã tăng khoảng 2,95% (từ ngày 20/12/2021 đến ngày 23/12/2022).
Để ứng phó với tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước phải sử dụng ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối nhà nước để bán can thiệp, ổn định thị trường, từ đó làm giảm quy mô dự trữ ngoại hối. Thêm vào đó, một số tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng mua, bán ngoại tệ trái phép và gây bất ổn cho thị trường ngoại tệ, làm ảnh hưởng đến công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.
Một yếu tố khác là sự biến động của giá vàng quốc tế. Từ đầu năm 2022 đến nay, giá vàng quốc tế có nhiều biến động phức tạp. Từ mức 1.808 USD/oz hôm 04/01/2022, giá vàng quốc tế đã chạm mốc 2.046 USD/oz vào hôm 09/3/2022 (tăng 13,2%). Nguyên nhân được cho là do những căng thẳng địa chính trị, ngoại giao trên thế giới, lạm phát kỷ lục tại các nền kinh tế lớn, thị trường chứng khoán toàn cầu sụt giảm khiến nhu cầu trú ẩn về vàng tăng cao.
Sau khi Fed và ngân hàng trung ương các nước tăng lãi suất với các mức tăng cao kỷ lục để kiềm chế lạm phát, giá vàng đã bắt đầu tăng chậm lại. Vào cuối năm 2022, giá vàng quốc tế giảm 11% so với ngày 09/3/2022, giảm 12% USD/oz so với đầu năm (tương đương 1%).
Trong khi đó, ghi nhận tại thị trường vàng trong nước, từ đầu năm 2022 đến nay, giá vàng miếng SJC chủ yếu biến động phù hợp với giá vàng quốc tế, nhưng tăng nhanh hơn và giảm chậm hơn. Đầu năm 2022, giá vàng miếng SJC bình quân ở mức 61,1 triệu đồng/lượng. Sau đó, giá vàng tăng mạnh theo giá vàng quốc tế, tăng 20%, lên mức kỷ lục 73,3 triệu đồng/lượng vào ngày 08/3/2022.
Từ cuối năm 2022, giá vàng miếng SJC được giao dịch ở mức khoảng 67 triệu đồng/lượng (giảm 8,9% so với ngày 08/3/2022). Nhìn chung, giá vàng miếng SJC đã tăng 6 triệu đồng/lượng so với đầu năm 2022 (tương đương tăng 9,3%).
NHNN mua ròng ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối cho Việt Nam
Tỷ giá USD/VND đang có xu hướng giảm và ổn định trở lại, dao động quanh mức 23.500 - 23.600 VND/USD, thấp hơn xấp xỉ 6% so với mức cao nhất đầu tháng 11/2022.
Sự hồi phục của VND so với USD kể từ đầu tháng 12/2022 cũng tương tự như nhiều đồng tiền khác trong khu vực như JPY, KRW, CNY, THB. Tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do giảm mạnh trở lại, từ mức cao nhất 25.600 VND/USD xuống quanh mức 24.000 VND/USD.
Theo ông Tuấn, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, Ngân hàng Nhà nước không phải sử dụng dự trữ ngoại hối nhà nước để can thiệp, bình ổn thị trường. Tình trạng cá nhân lợi dụng mua ngoại tệ tiền mặt tại các tổ chức tín dụng được phép để trục lợi đã từng bước được ngăn chặn, không còn tình trạng người dân xếp hàng đi mua ngoại tệ tại ngân hàng.
“Nguồn cung ngoại tệ tăng, hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã mua ròng ngoại tệ cho dự trữ ngoại hối”, - ông Đào Xuân Tuấn cho biết.
Báo cáo của các tổ chức tín dụng cũng cho thấy, việc chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài toàn hệ thống (cho các mục đích du lịch, học tập, trợ cấp thân nhân, định cư ở nước ngoài...) đã giảm mạnh.
Lượng bán ngoại tệ tiền mặt của tổ chức tín dụng cho cá nhân cũng giảm mạnh, trong khi lượng mua ngoại tệ tiền mặt của các tổ chức tín dụng tăng cao.
“Có thể thấy, áp lực về ngoại tệ của các tổ chức tín dụng đã giảm, cán cân cung - cầu ngoại tệ trên thị trường ngoại hối được đảm bảo”, - đại diện NHNN cho biết.
Việt Nam tiết kiệm được ngoại tệ nhờ không phải nhập khẩu vàng
Trên thị trường vàng, mặc dù còn có sự chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng quốc tế quy đổi, nhưng ông Tuấn đánh giá thị trường vàng tương đối ổn định.
Sức hấp dẫn của vàng miếng và nhu cầu đầu tư vàng đã suy giảm, không ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ giá, thị trường ngoại hối và kinh tế vĩ mô.
Cung cầu vàng miếng trên thị trường tương đối cân bằng, doanh số toàn hệ thống có xu hướng giảm, không còn cảnh người dân đổ xô đi mua vàng như trước đây. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cũng chưa đến mức phải can thiệp bình ổn thị trường vàng bằng cách bán vàng miếng ra thị trường.
Bên cạnh đó, khu vực biên giới được kiểm soát chặt chẽ, giúp làm giảm đáng kể hoạt động buôn lậu qua biên giới, góp phần ổn định thị trường vàng miếng.
Đáng chú ý, từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước chưa phải nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Các doanh nghiệp trong nước chủ động mua, bán vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
Đặc biệt, theo ông Tuấn, so với trước khi có Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, nền kinh tế đã tiết kiệm được ngoại tệ do không phải nhập khẩu vàng.
“Nguồn lực vàng sẵn có trong nền kinh tế được tận dụng để phục vụ sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ theo đúng mục tiêu đề ra”, - chuyên gia nhấn mạnh.
Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kiên định quản lý thị trường vàng theo quy định của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP để kiểm soát chặt chẽ, duy trì sự ổn định trên thị trường vàng miếng; hạn chế biến động của thị trường vàng đến tỷ giá, thị trường ngoại hối và kinh tế vĩ mô; hạn chế sức hấp dẫn của vàng miếng, tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế; chuẩn bị sẵn sàng phương án can thiệp thị trường vàng khi cần thiết.
Ngân hàng Nhà nước cũng phối hợp với các bộ, ngành chức năng có liên quan đánh giá Nghị định số 24/2012/NĐ-CP tổ chức hội thảo, lấy ý kiến rộng rãi, trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp quản lý thị trường vàng Việt Nam một cách phù hợp.