TP.HCM cũng xem xét việc tăng tỷ lệ thu lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên từ 0,5% giá trị chuyển nhượng lên 2% và mức tối đa một hồ sơ chuyển nhượng từ 500 triệu đồng/hồ sơ lên 1 tỷ đồng/hồ sơ.
Ngân sách TP. Hồ Chí Minh sẽ hưởng 100% số thu tăng thêm từ khoản này và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố.
Hai phương án thu thuế nhà, đất thứ hai
Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (UBND TP.HCM) vừa xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hoàn thiện dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 (Nghị quyết 54) của Quốc hội về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển thành phố.
So với dự thảo trình Chính phủ vào tháng 12/2022, dự thảo thay thế Nghị quyết 54 trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) thẩm định lần này, UBND TP.HCM có ý kiến đối với nhiều nội dung quan trọng, trong đó, đáng chú ý là đề xuất 2 phương án thu thuế nhà đất thứ hai trở lên.
Theo đó, UBND đề xuất phương án thứ nhất: Thí điểm thu thuế đối với nhà ở và đất ở, mà người có quyền sử dụng đất hoặc sở hữu nhà ở không trực tiếp sử dụng để ở cho cá nhân và gia đình, tức nhà đất thứ hai trở lên.
“Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về căn cứ tính thuế, thuế suất, phương pháp tính thuế và thời gian áp dụng”, - UBND TP.HCM lưu ý.
Phương án 2, UBND TP.HCM đề xuất chấp thuận cho thành phố tăng mức thu liên quan đến nhà đất thứ hai trở lên, như lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên.
Trong trường hợp này, HĐND TP.HCM sẽ quyết định áp dụng tăng mức thuế suất thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với đất ở (không quá 5 lần mức thu hiện hành) và tăng mức thuế suất thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên (không quá 2 lần mức thu hiện hành).
Ngoài ra, HDND thành phố cũng sẽ tăng tỷ lệ thu lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên từ 0,5% giá trị chuyển nhượng lên 2% và mức tối đa một hồ sơ chuyển nhượng từ 500 triệu đồng/hồ sơ lên 1 tỷ đồng/hồ sơ.
Với ngân sách thu được, TP.HCM đề xuất đưa 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu thuế nhà đất thứ hai trở lên vào ngân sách thành phố để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và Thành phố cho đến hết thời gian thực hiện nghị quyết.
Ngăn tình trạng đầu cơ nhà đất
Phương án thu thuế nhà đất thứ hai trở lên từng được nêu trong dự thảo chính sách thay thế Nghị quyết 54 mà TP HCM gửi Chính phủ hồi tháng 12/2022.
TP.HCM hy vọng cách làm này sẽ hạn chế đầu cơ bỏ hoang nhà, đất trong dự án bất động sản, gây lãng phí nguồn lực xã hội, đồng thời là cơ sở để xây dựng chính sách chung sau này. Đề xuất được nhiều người quan tâm.
Theo lý giải của UBND TP.HCM, nếu không ban hành cơ chế đặc thù thu thuế nhà đất thứ hai trở lên thì thành phố chưa giải quyết được vấn đề thực tiễn về điều tiết tình trạng đầu cơ nhà đất trên địa bàn.
UBND TP.HCM cũng đánh giá, việc thu thuế nhà đất thứ hai trở lên sẽ có 3 thách thức cho TP.HCM, đó là phải đảm bảo điều chỉnh bất cập trong hệ thống thuế hiện hành vì chưa phân biệt rõ đối với tài sản thứ hai trở lên; phải đảm bảo điều chỉnh đúng đối tượng; rà soát cơ sở dữ liệu về nhà ở, định giá nhà đất, thông tin nhà đất trên phạm vi một địa phương và sự liên kết thông tin với các địa bàn khác.
Đối với phương án 1, TP.HCM cho rằng khi thực hiện sẽ tác động sâu rộng đến người dân. Do vậy, cần tính toán cụ thể.
“Với phương án 2, trước mắt có thể điều chỉnh hành vi đầu cơ nhà đất trên địa bàn. Từ đó, làm tiền đề cho việc ban hành sắc thuế mới”, - thành phố nhấn mạnh.
Để xác định đối tượng thu và mức thu thuế nhà đất thứ hai trở lên, cần phải có cơ sở dữ liệu liên quan đến bất động sản trên địa bàn thành phố.
“Trong đó, có những thông tin tối thiểu cần có như thông tin chủ sở hữu, sử dụng nhà đất, bao gồm cả các đồng sở hữu, đồng sử dụng; thông tin địa chính, lịch sử chuyển nhượng của nhà đất”, - TP.HCM nhấn mạnh.
Theo TP.HCM, đây là những nội dung cần sự phối hợp giữa thành phố và các cơ quan Trung ương. Thành phố sẽ tích cực triển khai thu thập thông tin để làm cơ sở đề xuất ban hành cụ thể chính sách.
Từ những phân tích về tác động của chính sách thu thuế đối với nhà đất thứ hai trở lên như nói trên, TP.HCM kiến nghị lựa chọn phương án 2.
Nhiều điểm mới so với Nghị quyết 54
Trước đó năm 2017, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 54 với nhiều cơ chế đặc thù cho TP.HCM nhằm tạo động lực mới để đô thị 13 triệu dân bứt phá.
Tuy nhiên, sau 4 năm thực hiện thành phố chưa nhận được kết quả như mong đợi do nhiều vướng mắc từ bộ ngành.
Đặc biệt, hầu hết chính sách đặc thù về quản lý tài chính nhằm tăng nguồn thu như cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, nguồn thu từ đấu giá tài sản công chưa thể thực hiện...
Bên cạnh kiến nghị thuế nhà đất, dự thảo đề xuất cơ chế, chính sách trên 7 lĩnh vực như quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; đô thị và tài nguyên môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy, phân cấp, phân quyền, ủy quyền và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền và tổ chức bộ máy TP Thủ Đức.
Cạnh đó, có một số chính sách trong Nghị quyết 54 được thành phố kiến nghị thí điểm tiếp, nhưng có thay đổi. Chẳng hạn như tỷ lệ hưởng khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp Trung ương quản lý giảm từ 50% xuống 30%.
UBND TP.HCM cũng xin tăng trần tổng mức dư nợ khi vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, từ nguồn của Chính phủ cho vay lại từ 90 lên 120% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp.
Dự thảo lần này cũng có thêm nhiều điểm mới so với Nghị quyết 54 như cho phép các quận được chủ động dùng ngân sách từ khoản chi chưa phân bổ; cho phép Công ty đầu tư tài chính nhà nước thành phố là định chế tài chính đặc thù; phát triển thị trường carbon; đổi đất trong bồi thường giải phóng mặt bằng; ưu đãi trong thu hút nhà đầu tư chiến lược.
Sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét và cho ý kiến, dự thảo được gửi lên Chính phủ để trình Quốc hội. Trước đó, hồi tháng 10/2022, Quốc hội Việt Nam đã cho phép TP HCM tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 đến hết năm nay 2023.