Việt Nam: Ngân hàng Nhà nước họp hàng tuần với SCB để kiểm soát đặc biệt

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, sự cố ngân hàng SCB hồi tháng 10/2022 là "sự cố chưa từng có tiền lệ" đã tác động đến toàn hệ thống.
Sputnik
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát hoạt động của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) để kịp thời hỗ trợ thanh khoản.

Giao ban hàng tuần với Ngân hàng SCB để kiểm soát đặc biệt

Theo báo cáo gửi Chính phủ về tình hình triển khai nghị quyết 01 và tình hình kinh tế xã hội tháng 1/2023, Ngân hàng Nhà nước cho biết, chính sách tiền tệ của Việt Nam tiếp tục được điều hành "chủ động, thận trọng, linh hoạt".
Ngân hàng Nhà nước cho biết về việc phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng.
Đặc biệt, công tác giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng tiếp tục được tăng cường. Cụ thể, trong kỳ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có các văn bản chỉ đạo, cảnh báo với một số ngân hàng thương mại về một số rủi ro trong hoạt động huy động vốn, cấp tín dụng liên quan đến lĩnh vực bất động sản và các tổ chức tín dụng hoạt động đại lý bảo hiểm, đại lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Trong đó, riêng với Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), NHNN khẳng định tiếp tục theo dõi sát hoạt động của SCB để kịp thời hỗ trợ thanh khoản cho SCB theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cũng họp giao ban hằng tuần với ban kiểm soát đặc biệt và SCB để nắm tình hình, tháo gỡ, xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh.

NHNN: Tăng trưởng tín dụng năm 2023 là 14 - 15%

Về điều hành lãi suất, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế.
Dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ, khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh.
Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 khoảng 6,5%, lạm phát khoảng 4,5%, Ngân hàng Nhà nước cho biết định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 là 14 - 15%.
Theo đó, năm 2023 Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng trong cả năm với tốc độ hợp lý, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.
Đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả, trên cơ sở tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, dự án BOT giao thông.
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Theo báo cáo của NHNN, đến ngày 13/1 huy động vốn tăng 0,34%, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 0,37% so với cuối năm 2022.
Trước đó, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, NHNN đã tính toán định hướng tăng trưởng tín dụng của năm 2023 vào khoảng 14-15%, nhưng vẫn có điều chỉnh phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế.
Theo nhà điều hành, năm 2023, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả và kịp thời, nhận diện, đánh giá khó khăn, tác động ngay từ đầu năm để có những biện pháp phù hợp. Đồng thời, sẵn sàng đón nhận những tác động đột xuất từ nền kinh tế thế giới cũng như những khó khăn nội tại trong nước bất ngờ tới như năm 2022, để có chính sách linh hoạt, phù hợp trong vấn đề xác định và điều hành tỷ giá, lãi suất, lượng tiền cung ứng nhằm đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Nhấn mạnh điều hành lãi suất và tỷ giá là một trong những nội dung trọng tâm của điều hành chính sách tiền tệ, Phó Thống đốc cho rằng chính sách của các nước lớn, đặc biệt là của Mỹ trong vấn đề tăng lãi suất và thực hiện CSTT thắt chặt đến mức độ nào hoặc nới lỏng bớt đi bao nhiêu… đều được NHNN nghiên cứu và đánh giá. Theo ông Tú, việc điều hành lãi suất và tỷ giá của NHNN trong năm 2023 này trước hết là tính toán từ những con số, thông số đó để xác định một chính sách ổn định, tiếp tục duy trì sự ổn định của lãi suất cũng như tỷ giá hiện nay.
Động thái ra tay can thiệp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Nếu như trong thời gian tới điều kiện có những thuận lợi cho ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát thì NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo, vận động các ngân hàng thương mại tiếp tục cắt giảm chi phí để giảm bớt lãi suất so với mức giảm lãi suất đã cam kết đồng thuận vào cuối năm 2022 vừa qua, thêm một lần nữa, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, cho nền kinh tế vay vốn với mức lãi suất thấp hơn.
Trong điều hành tỷ giá, Phó Thống đốc cho biết, NHNN sẽ cố gắng duy trì sự ổn định, đảm bảo hài hòa cho chính sách xuất khẩu cũng như nhập khẩu, đặc biệt là tạo điều kiện tiếp tục thu hút dòng vốn nước ngoài về Việt Nam, cũng như đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp kinh doanh và sử dụng đồng ngoại tệ, đảm bảo nguồn lực mà Chính phủ, các doanh nghiệp đang vay ở nước ngoài, hạn chế rủi ro cho các doanh nghiệp khi tỷ giá có những biến động, hạn chế tâm lý kỳ vọng của thị trường.

"SCB là sự cố chưa từng có tiền lệ"

Trước đó, hôm 27/1, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng và Ban Lãnh đạo NHNN đã gặp mặt, động viên lãnh đạo, cán bộ một số tổ chức tín dụng nhân ngày làm việc đầu tiên của Xuân Quý Mão.
Trong đó, yại buổi gặp mặt lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2022, là một năm vô cùng thách thức đối với kinh tế thế giới. Xu hướng tăng lạm phát, lãi suất, đồng đô la Mỹ tăng giá trên phạm vi toàn cầu,… đã tác động đến thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Trong nước, người dân, doanh nghiệp đã và đang chịu tác động của đại dịch Covid-19, mặc dù có sự phục hồi nhưng vẫn rất khó khăn và rất cần các giải pháp hỗ trợ từ ngân hàng. Thị trường bất động sản, trái phiếu, chứng khoán,… là những thị trường gắn chặt với hệ thống ngân hàng cũng có những bất ổn, làm gia tăng thêm áp lực.
"Đặc biệt sự cố ngân hàng SCB hồi tháng 10 – là sự cố chưa từng có tiền lệ đã tác động đến toàn hệ thống", - cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước dẫn lời thống bày tỏ.
Trong bối cảnh đó, toàn hệ thống ngân hàng, trong đó có BIDV đã quyết tâm cao độ, phát huy bản lĩnh, vững vàng, bình tĩnh xử lý mọi tình huống, giải quyết khó khăn để kết thúc năm 2022, toàn hệ thống đã có những đóng góp quan trọng trong việc kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

"Đặc biệt, an toàn hệ thống ngân hàng được đảm bảo, thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, đáp ứng nhu cầu chi trả cho nền kinh tế. Những kết quả này đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao", - Thống đốc khẳng định.

Thảo luận