Ngày 9/2, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Vũ khí sắc bén nhất
Phát biểu tại đây, ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM bày tỏ quan điểm, đối với Đảng, vũ khí sắc bén nhất là tự phê bình và phê bình. Tuy nhiên, hiện nay nội dung này chưa được thực hiện một cách đầy đủ, nghiêm túc.
Ông Trực nhấn mạnh, chỉnh đốn Đảng thực tế là chỉnh đốn trách nhiệm của tổ chức đảng đối với quản lý và xây dựng trách nhiệm của đảng viên. Trong chỉnh đốn Đảng, cần thực hiện kiểm điểm từ Trung ương trước để làm gương, rồi dần dần xuống, cuối cùng là đảng viên các chi bộ cơ sở, gần gũi quần chúng lao động, nhất là người nghèo.
Khẳng định“Kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt”, đồng chí Phạm Chánh Trực kiến nghị Trung ương chủ trương giao nhiệm vụ cho đảng viên lãnh đạo quần chúng làm kinh tế hoặc hướng dẫn đảng viên tham gia làm kinh tế tư nhân và đặc biệt là không nên để đảng viên tự xoay sở hoặc bàng quang đứng ngoài kinh tế.
Bàn về vai trò giám sát trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, ông Huỳnh Đảm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, các cấp ủy Đảng, toàn thể cán bộ đảng viên nhận thức rõ, đầy đủ nội hàm hệ thống chính trị.
Ông Đảm mong muốn các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, công chức của TP.HCM hãy khẳng định và tỏa sáng tư tưởng Hồ Chí Minh về khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đối với mặt trận hiện nay, không chỉ ở thành phố mà lan tỏa trên cả nước.
“Trong xây dựng Đảng, công tác cán bộ là then chốt của then chốt trong công tác xây dựng Đảng”, - ông Huỳnh Đảm nói và nêu lại những vụ việc đau xót vừa qua khi có nhiều cán bộ, nhất là cán bộ cấp cao bị kỷ luật, xử lý hình sự.
Lưới trời lồng lộng, người ta biết hết nhưng sợ liên lụy tới bản thân
Theo ông, một bộ phận cán bộ này hư hỏng là do bản thân không tu dưỡng, trui rèn. Về mặt khách quan nhưng cũng mang tính chủ quan đó là vai trò lãnh đạo của một số cấp ủy Đảng đối với đội ngũ cán bộ là buông lỏng, chưa có cơ chế phòng ngừa từ sớm từ xa.
Do đó, ông Đảm cho rằng, ngoài cơ chế lãnh đạo của Đảng, phải phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc giám sát đội ngũ cán bộ đảng viên một cách thực chất. Bởi thực tế hiện nay, có nhiều lúc, nhiều nơi vẫn chưa phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong giám sát một cách thực chất.
Điều này dẫn đến câu chuyện người dân thấy, biết nhưng không muốn nói, không dám nói hoặc không có cơ chế bảo vệ nên họ không dám nói.
“Lưới trời lồng lộng, người ta biết hết nhưng sợ liên lụy tới bản thân. Không có cơ chế để bảo vệ người phản ánh thì họ kệ, được tới đâu hay tới đó”, - ông Đảm bày tỏ và cho rằng, việc giám sát cán bộ, đảng viên chưa đủ nên cần nâng lên một bước là giám sát phải có đánh giá, nhận xét, lấy phiếu tín nhiệm, còn chỉ tập hợp kiến nghị sẽ không ăn thua.
Ai tín nhiệm dưới 50% nên xem xét lại, thế mới thúc đẩy, chứ cứ góp ý thì đâu cũng vào đó hết.
Thực tế, nơi nào cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, tạo điều kiện thì nơi đó hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát huy được vai trò giám sát. Do vậy, ông kiến nghị cần có cơ chế đủ mạnh để phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đúng nghĩa, để từ đó tổ chức nhân dân thực hiện quyền làm chủ một cách đích thực.
Ông Đảmcũng nhắc lại việc TPHCM thực hiện chính quyền đô thị, ở các quận, phường không còn HĐND.
“Trong điều kiện này rất cần một cơ chế đủ mạnh để phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, - đồng chí Huỳnh Đảm nói.
Ông đánh giá cao việc TP.HCM đã có một bước tiến đó là có Đề án 06 về “Nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam TP.HCM và nhân dân giám sát tổ chức Đảng, đảng viên, hoạt động của chính quyền các cấp TPHCM giai đoạn 2021-2030”. Thời gian tới, ông đề nghị cần phải tiến lên một bước nữa đó là trong giám sát phải có nhận xét, đánh giá và lấy phiếu tín nhiệm cán bộ.
‘Tin dân nhưng nước sôi lửa bỏng lại không trả lời dứt khoát cho dân’
Có chung quan điểm với đồng chí Huỳnh Đảm, theo nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng cần thiết phải đánh giá lại độ tin cậy thực sự của Đảng với nhân dân. Còn người dân sẽ kiểm chứng niềm tin đó.
“Chúng ta nói tin dân mà những nơi nước sôi lửa bỏng, việc dân cần lại không dám đến gần dân, không trả lời dứt khoát, không giải quyết thấu đáo với dân thì rất khó”, - báo SGGP dẫn phát biểu của bà Tâm nhấn mạnh.
Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, phải đo đếm lại lòng tin của chúng ta với dân và dân với chúng ta. Đồng thời, đo đếm đánh giá cán bộ trên cơ sở giải quyết được những vấn đề người dân yêu cầu, chứ không phải cán bộ nhìn mặt lãnh đạo, lãnh đạo nói gì thì nói theo, làm theo mong muốn của lãnh đạo mà phải làm theo ý Đảng, lòng dân.
Góp ý tại hội thảo, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM cho biết, triển khai xây dựng Đảng phải đồng bộ ở tất cả các cấp, phải phát huy dân chủ, “xây” gắn với “chống”, nêu cao trách nhiệm nêu gương, thực hiện phê bình tự phê bình. Bà Thảo nêu quan điểm, cần làm rõ trách nhiệm trong xử lý đánh giá cán bộ để có chế độ khen thưởng, xử phạt công minh.
“Không đổ lên, không đổ xuống và cũng không xử lý theo dây chuyền mà phải xử lý đúng người, đúng trách nhiệm”, - bà Phạm Phương Thảo nhấn mạnh phải mạnh dạn bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.
“Chúng ta cứ nói bảo vệ nhưng hiện nay bảo vệ được bao nhiêu, bảo vệ được ai để cán bộ nhìn vào đó để tự tin dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung?”, - bà Thảo đặt câu hỏi và cho rằng thực tế có nhiều vụ việc xử lý theo kiểu dây chuyền.
Trong xây dựng Đảng, cần mạnh dạn đề nghị sửa đổi những quy định không còn phù hợp. Hiện có những quy định rất khó khăn cho cơ sở. Ví dụ, chi bộ nào không kết nạp được đảng viên thì chi bộ đó không được xếp loại xuất sắc, bí thư chi bộ không được xếp loại xuất sắc, dù bất kể lý do là gì, điều kiện của họ ra sao.
“Quy định như vậy là quá khắt khe, cần phải kiến nghị sửa đổi để phù hợp hơn với thực tiễn”, - nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM nói.
Bà cũng đề cập đến một số bất cập trong công tác quy hoạch và thi tuyển cán bộ. Theo đó, hiện cán bộ phải vào quy hoạch mới được bổ nhiệm. Trong khi thực tế, có nhiều trường hợp không có trong quy hoạch nhưng lại xem xét bổ nhiệm.
“Trong quy hoạch của Đảng, người đứng đầu tại địa phương không phải là người địa phương mà là người ở nơi khác. Vậy ai quy hoạch cho người đó là người đứng đầu ở địa phương mình?”, - bà Thảo hỏi và cho rằng rất khó khăn khi chức danh đó phải trong quy hoạch mới được bổ nhiệm.
Mặt khác,việc thi tuyển công chức đang có một số bất cập, đó là có những người làm công tác đoàn, thể ở cơ sở nhưng thi tuyển không trúng, người không làm công tác đoàn thể bao giờ thì lại trúng. Trong khi, trước đây nói, phong trào nào cán bộ đó, từ phong trào có cán bộ. Do đó, bà Thảo lưu ý, cần xác định lại việc thực hiện thi tuyển gắn với xét tuyển thế nào, cần phải duy trì xét tuyển đối với nhiều trường hợp và phải tính đến thực tiễn công tác tại cơ sở.
Cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm
Phát biểu kết luận hội thảo, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên thừa nhận, thời gian qua cũng có những hạn chế, yếu kém, sai phạm. Nhiều tổ chức đảng và đảng viên vi phạm kỷ luật có tư tưởng suy thoái, tha hóa, biến chất, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, tâm tư tình cảm của nhân dân.
Bí thư Nêncho rằng trong công tác chỉnh đốn Đảng cần đặt năm trụ cột lên hàng đầu: tư tưởng đạo đức; kiểm soát chặt các mối quan hệ giữa quyền lực và đạo đức; chăm lo giáo dục cán bộ đảng viên để có quan điểm lập trường, mục tiêu, lý tưởng; coi trọng triển khai giám sát (tự giám sát và giám sát) và không nên xa rời quần chúng, quan liêu, xa dân…Đảng bộ, hệ thống chính trị phải tăng kiểm tra, giám sát, uốn nắn, gắn với chương trình hành động cá nhân, khen thưởng kịp thời, xử lý nghiêm minh.
“Đảng có câu kế hoạch một phần thì biện pháp mười, kiểm tra, uốn nắn hai mươi để kịp thời phát hiện, giảm đi những sai phạm nguy hiểm”, - Tuổi trẻ dẫn lời Bí thư Nên nói.
Về cơ chế bảo vệ cán bộ, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết đã nhiều lần đề xuất trung ương thể chế hóa kết luận 14 của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
“TP.HCM cũng đã xin Ban Tổ chức Trung ương thí điểm áp dụng trước một số cơ chế trong bảo vệ cán bộ để thúc đẩy tinh thần năng động, sáng tạo trong nội bộ Đảng, chính quyền”, - Bí thư Nên nhấn mạnh.
Vừa qua, Bộ Nội vụ cho biết đang xây dựng nghị định nhằm thể chế hóa chủ trương này của Bộ Chính trị.
“Chúng ta phải tự nhận thấy và hơn ai hết, Đảng bộ thành phố đã nhận thức sâu sắc công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài, vừa là công tác trọng tâm. Phải thực hiện với quyết tâm chính trị cao, rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc những gì đã qua, không chỉ của thành phố này với tinh thần nhận thức chín, tư tưởng thông, quyết tâm lớn, phương pháp đúng”, - ông Nên kết luận.
Về quy hoạch cán bộ bình đẳng, ông Nguyễn Văn Nên thừa nhận, ở đâu đó vẫn có trường hợp vận động cán bộ xin ra khỏi quy hoạch, nhưng ông khẳng định đây không phải chỉ đạo của Thành ủy. Ông cho rằng, có thể nó nằm ở một tổ chức, cá nhân nào đó do chưa thuộc bài trong quá trình làm hoặc là người lãnh đạo ở đó yếu kém.
“Đó chỉ là cá biệt, ông nào làm cái đó là bậy. Mình phải khách quan, dân chủ”, - Bí thư Nguyễn Văn Nên nêu quan điểm.
Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết, theo quy định, hằng năm phải rà soát đưa cán bộ vào quy hoạch hoặc đưa ra khỏi quy hoạch. Yêu cầu này phải thực hiện nghiêm, đồng thời thường xuyên bổ sung đầy đủ hơn cho dễ làm và bình đẳng, ai cũng có cơ hội.