Trong thời gian gần đây, Chính phủ Việt Nam đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của thị trường bất động sản (BĐS). Trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023 trực tuyến với các địa phương, Chính phủ Việt Nam yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tín dụng bất động sản với các doanh nghiệp bất động sản và người mua theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại chỉ thị 03 ngày 27-1-2023. Tại hội nghị với doanh nghiệp bất động sản ngày 8/2, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định, nhà điều hành không siết chặt tín dụng bất động sản và xem nhu cầu vay (không nhằm để kinh doanh bất động sản) bình đẳng như các lĩnh vực khác.
Sputnik đã có cuộc phỏng vấn chuyên gia kinh tế - tài chính Lý Hoài Linh về những khó khăn của thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay và những biện pháp cần thiết tạo một môi trường hiệu quả và lành mạnh.
Thiếu minh bạch chính sách và những khó khăn khác
Sputnik: Thưa chuyên gia Lý Hoài Linh, vừa qua Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới thị trường bất động sản trong nước. Theo ông, những khó khăn gì của thị trường này cần tháo gỡ khẩn trương? Nếu không làm được thì có thể dẫn tới điều gì?
Ông Lý Hoài Linh, chuyên gia kinh tế - tài chính:
Thị trường BĐS Việt Nam hiện có mấy điểm gây méo mó như sau:
- Pháp lý quá chồng chéo, đá nhau. Làm gì cũng sai. Cụ thể, Luật và các văn bản dưới Luật về đất đai ở Việt Nam nhiều và đá nhau với các Luật khác đến mức cơ quan cấp phép cũng chịu thua.
- Trong bối cảnh củi lửa hôm nay bộ máy chính quyền không ai dám quyết. Vì đúng sai vô chừng.
- Thủ tục quá nhiêu khê, qua nhiều giấy phép con (50-70 loại giấy phép khác nhau) và quá kéo dài. Từ lúc bắt đầu đến khi triển khai là 3-5 năm, mà tới khi ấy thì mọi sự đã thay đổi. Vốn bị chôn quá lâu.
- Không ai có thể phủ nhận rằng, thị trường BĐS Việt Nam hiện nay thiếu minh bạch chính sách. Nặng cơ chế xin cho, từ đó dẫn tới tiêu cực, cạnh tranh không bình đẳng và tham nhũng chính sách.
- Nguồn vốn và chính sách tiền tệ thay đổi thắt chặt đột ngột, các doanh nghiệp BĐS ko kịp đối phó, mất thanh khoản.
Và cuối cùng, không thể không lưu ý một điều là tính đầu cơ quá cao.
Theo báo cáo của các ngân hàng, Bộ Xây dựng và Hiệp hội Bất động sản TP HCM, khó khăn vướng mắc của thị trường bất động sản tập trung chủ yếu ở các vấn đề về thủ tục pháp lý (chiếm 70% khó khăn, vướng mắc của thị trường). Ngay con số này cũng đã chỉ ra là khó khăn gì cần phải tháo gỡ trước nhất.
Nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng, dân số trẻ, nhu cầu BĐS nhà ở, văn phòng, thương mại rất cao. Nếu Việt Nam không giải quyết được những vấn đề đã đề cập ở trên thì thị trường BĐS, cùng ngành công nghiệp phụ trợ của nó đóng góp tỷ lệ cao vào GDP sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây mất cân bằng thị trường và không đáp ứng nhu cầu xã hội.
Chuyên gia đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn của thị trường BĐS Việt Nam
Sputnik: Theo đánh giá và nhận định của ông, những biện pháp cần thiết nhất và cấp thiết nhất hiện nay là gì?
Ông Lý Hoài Linh, chuyên gia kinh tế - tài chính:
Theo tôi, trước hết, cần giảm các loại giấy phép con; làm lại cơ bản Luật và các văn bản đất đai để chúng không chồng chéo với nhau nữa; tiếp theo là minh bạch quy hoạch, thị trường và cấp phép. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, vấn đề của doanh nghiệp BĐS lo phải là lãi suất thấp mà là khả năng tiếp cận vốn đủ khi cần và thời gian triển khai nhận giấy phép nhanh. Hạn chế xin cho và hữu quyền vô trách nhiệm của bên cấp phép cũng là một giải pháp rất quan trọng và cần thiết.
Cuối cùng thì cần có chính sách thuế tài sản để chống đầu cơ đất, nhà, tức là phải có chính sách thuế BĐS, thuế chuyển nhượng v.v nhằm hạn chế đầu cơ mà nhiều nước đang áp dụng.
Nói tóm lại, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, trở ngại của thị trường bất động sản là việc làm cấp bách.
Sputnik: Chân thành cảm ơn ông.